Tại trung tâm này, anh Hồng đã nộp tiền nhưng công việc thì cứ bị khất lần chẳng xong. Địa chỉ này cũng chưa được phép hoạt động của Sở LĐTBXH Hà Nội. |
Móc hầu bao những khoản tiền không nhỏ để chi trả cho trung tâm môi giới mà nhiều người tìm việc chỉ nhận được những lời hứa hẹn khất lần ngày này qua ngày khác. Chán nản do phải chạy đi, chạy lại rườm rà, nhiều người ngậm ngùi bỏ cuộc chịu mất trắng.
Trong khi đó, có người nhận được việc lại rất nhanh chóng mất việc vì… bị đuổi. Phải chăng có sự móc nối giữa nơi môi giới và nơi tuyển dụng, áp những yêu cầu làm việc khắt khe để người lao động tự bỏ việc, hoặc đuổi khi không hoàn thành nhiệm vụ để sau đó tuyển dụng tiếp?
Gian nan tìm việc
Sinh ra trên một mảnh đất nghèo Cẩm Khê (Phú Thọ), anh N.V.Hồng (24 tuổi) ngay khi kết thúc cấp học THPT đã phải bôn ba khắp chốn mưu sinh. Năm 2002, anh lần đầu tiên về HN và tìm vào một trung tâm giới thiệu việc làm ở phố Chùa Hà. Sau khi nộp vào 300.000 đồng, anh được trung tâm hứa hẹn là sẽ giới thiệu làm công nhân trong một công ty. Nhưng sau đó, lại đưa anh đến một hộ gia đình sản xuất nhựa trên phố Hoàng Hoa Thám, với mức lương 1,3 triệu/tháng. 2 tháng làm việc mà trừ các khoản chi phí, tiền dành dụm chỉ để ra được 350.000 đồng. Quá cám cảnh, anh nghỉ việc.
Đầu năm 2009, anh trở lại Hà Nội và qua một tờ rơi, anh tìm tới một Cty ở ngõ 102 Trường Chinh. Sau khi đề nghị nộp vào 200.000 đồng, Cty hứa hẹn là sẽ được vào một vị trí bán vé máy bay, nhưng phải qua giới thiệu của một trung tâm khác nằm ở phố Minh Khai. Trung tâm này yêu cầu anh nộp thêm 200.000 đồng, rồi hẹn buổi chiều lên nhận việc. Tuy nhiên, quay lại cả nhiều lần, anh Hồng đều thấy trung tâm ở Minh Khai cửa đóng, then cài.
Lần này, anh Hồng lại tìm tới môi giới việc làm. Chúng tôi gặp anh tại một trung tâm trên đường Phạm Văn Đồng. Mất 55.000 đồng mua hồ sơ và phí giao dịch, anh muốn có được công viêc giao hàng theo xe. Trung tâm yêu cầu anh nộp tiền (30% tháng lương đầu tiên) và ký biên bản cam kết hợp đồng.
Vừa tất tả từ quê xuống, anh chỉ có 300.000 đồng để nộp và cắm ký thêm chứng minh thư nhân dân. Người thu tiền của anh tên là Lan có viết phiếu thu với chữ ký của cả hai người. Tiền thì đã nộp, nhưng công việc anh được tư vấn lại rất mông lung. “Lúc thì họ bảo tôi theo xe chở bia Hà Nội, lúc bảo theo xe chở bia Đại Việt. Sau khi nộp tiền, họ hẹn 11 giờ sẽ gọi điện thông báo cho biết giờ nhận việc, mà tới 12 giờ vẫn thấy im lìm. Tôi gọi lại thì chị thu tiền lại hẹn chiều.
Tới 15h, họ gọi tôi tới, bảo theo xe chở giấy về Bắc Ninh. Nhưng khi trung tâm gọi điện liên hệ thì nhận được câu trả lời là hẹn 14h30, không thấy tới nên đã đi rồi. Trung tâm này lại gọi vào một số điện thoại khác, hẹn gặp tôi vào ngày hôm sau” – anh Hồng cho biết.
Tưởng đã là lần hẹn cuối nhưng chiều 2.10, khi anh Hồng trở lại để nhận việc thì bên môi giới lại trả lời là hồ sơ bị thiếu nhiều loại giấy tờ khác và yêu cầu phải trở về Phú Thọ hoàn thành ngay mới có thể đi làm. Quá chán nản với kiểu rườm rà này, nhưng anh Hồng chưa biết tính sao, bởi bỏ dở đồng nghĩa là mất tiền.
Mánh đuổi việc
Tìm tới một Cty môi giới việc làm trên phố Chùa Bộc, một phụ nữ tự xưng là nhân viên ra tiếp và “phỏng vấn” tôi. Qua phỏng vấn, tôi được biết công việc của mình là trực điện thoại tư vấn cho khách hàng, với tiền lương là 1,3 triệu đồng/ tháng (trong khi đó, lời rao trên báo là 1,8 triệu đồng). Nhân viên luôn nhấn mạnh cụm từ “không thu phí” nhưng yêu cầu nộp 250.000 đồng. Số tiền này được nhân viên gọi là “tiền giữ chân”.
Sau khi đóng tiền, tôi được dẫn sang một Cty khác trên phố Thái Thịnh II. Một anh quản lý nói nếu muốn được nhận vào thì tôi phải mất thêm 100.000 đồng tiền hướng dẫn nghiệp vụ. Theo những gì ghi trên hợp đồng, công việc của tôi là tư vấn tại văn phòng, kinh doanh trên thị trường. Tuy nhiên, có một điều khoản ghi: “1 tháng đầu phải tư vấn cho khách hàng phải đạt doanh thu 1,8 triệu đồng về cho văn phòng”. Nếu không hoàn thành thì sẽ chấm dứt hợp đồng.
Rõ ràng, điều khoản này chỉ có lợi cho Cty, mà gây khó người lao động. Bởi ngay từ tháng đầu, tôi đã phải làm lợi cho công ty 1,8 triệu đồng. Nếu không đủ doanh thu trên thì tôi sẽ bị đuổi việc và mất trắng 350.000 đồng.
Đúng 8h ngày 14.8, tôi tới công Cty nhận việc tư vấn viên. 10 người khác cũng tới nhận việc như tôi. Người hướng dẫn đưa cho mỗi người một tờ giấy ghi 30 công việc khác nhau, yêu cầu chúng tôi học thuộc và ngày 17.8 sẽ kiểm tra. Sau đó, người quản lý yêu cầu mỗi người phải kiếm được từ 1 – 3 người đến ký hợp đồng với Cty và hẹn ngày 29.8 trở lại để nói về bất động sản và tour du lịch, sau đó bố trí việc làm.
Đúng hẹn, tôi trở lại Cty thì được cho biết là phải dẫn thêm 1 người thì Cty mới bố trí việc cho. Trường hợp của tôi không giới thiệu được ai thì lại phải chờ để bố trí sau. Tuy nhiên, sau đó tôi đã bị Cty đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do: Nghỉ quá số ngày quy định!
Một Cty khác ở phố Mai Dịch, nhân viên được tuyển dụng phải nộp 500.000 đồng để được vào vị trí nhân viên trực điện thoại, với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Công việc phải làm hàng ngày là bán sách về doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp cho các Cty qua điện thoại với một doanh thu nhất định hàng tháng. Nếu không đạt chỉ tiêu thì cũng sẽ bị đuổi việc và không được hoàn lại tiền. Việc bị đuổi dường như là nhãn tiền, bởi danh sách người mua hoàn toàn do công ty này cung cấp…
Và còn rất nhiều những “mánh khoé” khác đang được các Cty áp dụng để đuổi việc người lao động, nhằm chiếm không những khoản “tiền giữ chân” của họ.
Bình luận (0)