Nhiều doanh nghiệp than phiền thói quen sử dụng thiết bị cầm tay để nhắn tin, email… mọi lúc mọi nơi đang làm ảnh hưởng hiệu quả công việc.
Sự bùng nổ công nghệ đã biến chiếc điện thoại hay PDA (thiết bị hỗ trợ cá nhân) trở thành vật dụng không thể thiếu của các doanh nhân hiện đại. Song nhiều doanh nghiệp lại than phiền thói quen sử dụng thiết bị cầm tay để nhắn tin, email… mọi lúc mọi nơi đang làm lãng phí thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Bận rộn với tin nhắn, email làm mất tập trung trong công việc -Ảnh: Veer.com |
“Nó diễn ra mọi lúc và rõ ràng ngày một tệ hại hơn. Nó đã trở thành cơn nghiện” – bà Jane Wesman, một chuyên gia quan hệ cộng đồng, nhận định. Một khảo sát trực tuyến của trang web việc làm của Yahoo vào tháng 3 cũng cho thấy điều này với 1/3 trong số 5.000 người được hỏi thừa nhận thường xuyên kiểm tra mail trong các cuộc họp.
Theo biên tập viên Tom Musbach của Yahoo! Hotjobs, cái giá phải trả cho thói quen này chính là sự mất tập trung dẫn đến làm việc kém hiệu quả và cuối cùng là lãng phí tiền bạc. Trước hết, các nhân viên “nghiện” điện thoại thường có xu hướng trễ nải trong công việc hoặc không thể tách rời khỏi mạng Internet. Đó là chưa kể việc gí mũi vào chiếc điện thoại trong khi các buổi gặp gỡ quan trọng có thể làm đối tác “phát điên”.
“Tôi nghĩ điều đó thật thô lỗ” – tỉ phú Tom Golisano tâm sự về buổi gặp lãnh đạo phe Dân chủ bang New York Malcolm Smith. Vì giận chính trị gia Smith xem cái Blackberry quan trọng hơn mình, ông Golisano, nổi tiếng với các khoản đóng góp dồi dào, cuối cùng đã chuyển hướng đến các nghị sĩ khác.
Ngoài ra, giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc không hẳn đem lại hiệu quả cao mà hoàn toàn ngược lại. Bởi tỉ lệ thuận với số lượng công việc thì thời gian thực hiện cũng như sai sót tăng lên gấp bội. “Họ (các nhân viên) sẽ không nắm bắt được nhiều thông tin như khi chỉ làm một việc duy nhất” – chuyên viên tâm lý Nathan Bowling giải thích.
Song dường như đây là thói quen khó bỏ, bởi mặc dù có 1/5 số người trong khảo sát trên trả lời Yahoo! Hotjobs rằng họ từng bị khiển trách vì điện thoại di động thì nó vẫn là một vật bất ly thân. “Bạn không thể nhịn được, đó là nhu cầu cần phải biết điều gì đang diễn ra” – một “con nghiện” tâm sự.
TRẦN PHƯƠNG (Theo TTO)
Bình luận (0)