Livestream (phát hình trực tiếp) trên mạng xã hội ngày càng được nhiều người ưa chuộng bởi có thể bán hàng, chia sẻ quan điểm… theo thời gian thực. Và, để thu hút người xem, nhiều người phát sóng trực tiếp không ngại làm đủ trò, thậm chí văng tục, chửi bậy…
Chí Phèo thời 4.0
Vào bất cứ trang mạng xã hội nào, người ta dễ dàng tìm thấy có rất nhiều cá nhân sẵn sàng bày tỏ các ý kiến, bình luận thoải mái với bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống. Dù vấn đề đó có thể đúng, có thể sai và thậm chí chưa hề có sự kiểm chứng nhưng họ vẫn tham gia bình luận, phê bình, chê trách… Thậm chí, khi những ý kiến đó trái với ý kiến của các cá nhân khác, họ sẵn sàng buông lời thách thức, mắng chửi, kể cả moi móc những câu chuyện mang tính cá nhân chưa được kiểm chứng của đối phương để quy kết, buộc tội những ai không đồng tình, gây nên cuộc chiến trên không gian mạng.
Nhiều người bán hàng online với phong cách “mắng chửi sa sả” trên mạng xã hội
“Thánh chửi tục” T – người phụ nữ có nhan sắc mỹ miều, dù đã từng có tên tuổi trong showbiz và đoạt một số giải thưởng nhưng T. lại được biết tới nhiều hơn bởi những lần chửi tục “văng mạng” trên mạng xã hội. Cứ mỗi lần livestream là T. lại chửi. Nhưng T. không chửi vu vơ mà nhắm cụ thể vào từng người cô ấy biết. Dù người đó có biết T. hay không, có mẫu thuẫn hay không thì cô ấy vẫn cứ mắng chửi sa sả. Đã có nhiều nghệ sĩ, kể cả những người trong giới trí thức cũng bị T. chửi. Đa số những người bị cô này chửi đều chọn cách “im lặng là vàng” bởi họ không thèm chấp với kẻ suốt ngày ngồi trước máy tính, cứ mở miệng ra là chửi. Nhưng cũng có người không chịu thua, chửi lại T. Và thế là, cuộc chiến chửi rủa lan tràn trên mạng xã hội.
Theo khảo sát của hãng phần mềm Microsoft vào tháng 2/2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng (Digital Civility Index- DCI) của Việt Nam đứng thứ 5/25 của thế giới, nghĩa là chỉ hơn một số quốc gia khác như Nga, Colombia, Peru, Nam Phi. Cũng theo khảo sát này, top 5 chủ đề người Việt Nam thường có những hành xử không đúng mực bao gồm các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%). Chính vì thế, mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay ngập tràn rác. |
M – một “thánh chửi” khác cũng từng là nghệ sĩ, xuất hiện với vai phụ trong vài bộ phim truyền hình. Có lẽ không nhiều người biết đến M. nếu như cô không lên các trang mạng xã hội để bán hàng online. Nhưng M. bán hàng thì ít mà chửi thì nhiều. M. chửi tất, từ những người mà cô ghét cho tới những người tham gia bình luận trái ý cô. Rồi khi bị phản ứng, M. lại tìm cách moi móc đời tư của người chửi lại mình để chửi tiếp. Bởi vậy, trang bán hàng của M được nhiều người coi là tục tĩu khi mở ra chỉ nghe chửi và chửi.
Mặc dù có những phát ngôn cũng như lan truyền lối sống lệch chuẩn, phạm pháp trên mạng xã hội, thế nhưng những cái tên như T, M, K.B… vẫn được đông đảo cư dân mạng theo dõi, thậm chí cổ xúy, thần tượng. Những “Chí Phèo thời 4.0” xuất hiện tràn lan khiến dư luận không chỉ bất bình, bức xúc mà còn lo lắng cho sự phát triển và nở rộ của hiện tượng này, nhất là khi mạng xã hội trở thành kênh tiếp cận đến một lượng lớn những người trẻ. Ngoài Facebook, nhiều kênh thông tin khác như YouTube, TikTok cũng trở thành nơi các “thánh livestream” thường xuyên “xả rác”.
Với nghệ sĩ T., sau nhiều năm làm “thánh chửi”, cô đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM xử phạt 7,5 triệu đồng vì phát ngôn phản cảm, không chuẩn mực trên mạng xã hội. Sau lần bị phạt đó, T. bớt chửi tục nhưng cô vẫn tiếp tục có những phát ngôn phản cảm, xúc phạm tới rất nhiều cá nhân. Còn M. thì bị cộng đồng mạng tẩy chay, thậm chí có người bị cô chửi đã tìm tới tận nhà gây náo loạn. Nhưng dường như, điều đó chưa có tác dụng nhiều bởi hiện nay trang bán hàng của M. vẫn tồn tại, tuy rằng mức độ chửi đã giảm đi.
Quyền lực ảo trên mạng xã hội đẩy nhiều người vào vòng lao lý.
Đã có một số trường hợp, từ cuộc chiến trên mạng ảo dẫn tới cuộc chiến ngoài đời thực. Cuối năm 2022, đã có hai anh hùng bàn phím phải lôi nhau ra tòa bởi từ chửi nhau chán chê trên mạng, họ đã tìm đến nhau ngoài đời để “chiến đấu” tiếp. Nhưng cuộc chiến ngoài đời thực không phải bằng bàn phím mà bằng những nắm đấm cùng những lời chửi rủa mạt sát nhau trực tiếp. Kết quả người thì bị thương, kẻ bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng.
Trước đó không lâu, nghệ sĩ H. đã bị kỷ luật, mất chức vì những phát ngôn không chuẩn mực. Nghệ sĩ P. bị mất vai diễn vì tới tận nhà đối thủ đòi hành hung sau khi chửi nhau chán chê trên mạng xã hội. Tuy ban đầu ai cũng chỉ thể hiện “cái tôi” trên mạng ảo nhưng khi vượt qua sự kiểm soát, họ lại đem cái “tôi” ấy vào đời thường để rồi lãnh hậu quả thực.
Nói không với thông tin “rác” Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Đại học An ninh Nhân dân cho rằng, ngoài những giá trị tích cực, mạng xã hội cũng có nhiều điểm tiêu cực như mang lại cảm giác thỏa mãn, giá trị ảo, trạng thái ganh tị, thậm chí “ném đá” nhau. Tuy nhiên, thái độ tiếp nhận mới là nhân tố quyết định cho việc người đưa thông tin lên mạng có tồn tại hay không. Theo chuyên gia này, vấn đề quan trọng là thái độ ứng xử của người tiếp nhận thông tin. Nếu họ nói không với thông tin “rác”, lệch chuẩn đó, hoặc tẩy chay thì những thông tin chửi nhau sẽ không còn đất sống và sẽ tạo thành hệ sinh thái an toàn, văn minh trên mạng. TS. Việt Lâm cho biết, một số quy định của pháp luật hiện nay chưa rõ ràng, việc định lượng chửi hay không chửi hiện nay rất khó, chưa đủ sức chứng minh cho hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, mức phạt trung bình từ 2,5-7,5 triệu đồng không có tính chất răn đe đủ mạnh. “Chính người tiếp nhận thông tin trên mạng mới là chủ thể quan trọng để làm cho các thông tin tục bậy, những câu chửi bới đó không còn đất sống” – TS. Lê Hoàng Việt Lâm nhấn mạnh. Trọng Thịnh – Uyên Phương |
Bình luận (0)