Thể thao Trung Quốc đang có những bước tiến vượt bậc trên đấu trường quốc tế. Nhưng đằng sau các tấm huy chương lấp lánh đó, có không ít số phận u ám từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu. Mặt trái của phong cách làm thể thao này đang là tâm điểm chú ý trong dư luận Trung Quốc sau khi báo chí nước này đăng tải rầm rộ câu chuyện bi thảm của Trương Thượng Vũ, nhà cựu vô địch thế giới thể dục dụng cụ giờ phải đi ăn mày!
Trương Thượng Vũ vật vờ trên đường phố |
Mới 28 tuổi, nhưng tương lai dường như đã khép với Trương Thượng Vũ. Anh đã lên đến đỉnh cao sự nghiệp khi đoạt hai huy chương vàng tại Đại hội thể thao sinh viên thế giới năm 2001 tổ chức tại Bắc Kinh (một huy chương vàng môn vòng treo và một huy chương vàng đồng đội). Đó là ngày tháng huy hoàng. Còn giờ đây, Trương Thượng Vũ vất vưởng ăn xin tại các ga tàu điện ngầm. Để thu hút sự chú ý, anh biểu diễn cả những động tác thể dục dụng cụ như trồng chuối. Những động tác đã đưa Trương Thượng Vũ tới vinh quang, giờ giúp anh nhặt nhạnh từng đồng để sống qua ngày.
Từ huy chương vàng thế giới đến lang thang cơ cực, đâu là nguyên nhân? Một câu chuyện dài nhưng đáng lo ngại nhất, nó không phải là cá biệt. Hình ảnh Trương Thượng Vũ phản ánh số phận hàng nghìn thanh niên trẻ khác, những người ném mình vào tập luyện khắc khổ với duy nhất một điều hiện diện trong tâm trí là giấc mơ đoạt huy chương vàng Olympic. Số người thành công rất ít ỏi. Và ngay cả thành công khá vẻ vang như Trương Thượng Vũ, bi kịch vẫn ập đến.
Cơn ác mộng chấn thương
Sinh ra trong một gia đình đói nghèo ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc (miền Bắc Trung Quốc), khi mới 5 tuổi, Trương Thượng Vũ đã được gửi đến một trường thể thao địa phương để tập thể dục dụng cụ (TDDC), bắt đầu bước vào chế độ huấn luyện dài, gian khổ và theo kiểu bán quân sự.
Bảy năm sau, anh được chọn vào đội tuyển TDDC quốc gia. Năm 2001, các lãnh đạo đội nói với Trương Thượng Vũ rằng anh cần “đóng giả” làm sinh viên đại học để có thể tham dự Đại hội thể thao sinh viên thế giới, tổ chức năm đó tại Bắc Kinh. Và thế là dưới mác sinh viên Đại học thể thao Bắc Kinh, Trương Thượng Vũ tỏa sáng ở đại hội.
Nhưng rồi chỉ một năm sau, sự nghiệp của Trương Thượng Vũ tuột dốc khi đứt gân Achilles trong khi tập luyện. Anh không được chọn vào đội tuyển dự Olympic Athens năm 2004. Thay vào đó bị hạ cấp xuống chỉ còn là thành viên đội TDDC tỉnh Hà Bắc. Năm 2005, Trương Thượng Vũ giải nghệ.
Kể lại với báo chí, anh cho biết ở đội TCDC tỉnh, anh mâu thuẫn với HLV vì bị bắt tập nặng trong khi chân anh vẫn chấn thương. Trương Thượng Vũ còn “tố” rằng anh đăng ký học văn hóa tại một trường thể thao địa phương nhưng các quan chức đội không đồng ý.
Khi giải nghệ, Trương Thượng Vũ nhận được 38.000 Nhân dân tệ (tương đương 5.950 USD) tiền “đền bù” và trợ cấp. Anh phàn nàn về số tiền ít ỏi này. Nhưng một số quan chức của ngành thể thao ở Hà Bắc lại tuyên bố Trương Thượng Vũ đã được trao 60.000 NDT, phù hợp với các quy định chung và dựa trên thành tích cá nhân.
Với những VĐV đoạt HCV Olympic, Trung Quốc có chế độ đãi ngộ “hoành tráng” tưởng thưởng từ danh dự đến vật chất. Tuy nhiên, số thành công này không nhiều. Đa số các VĐV chuyên nghiệp, những người rời sự nghiệp trong âm thầm như Trương Thượng Vũ, buộc phải tự mình tìm kiếm cuộc sống mới một cách đầy gian nan.
Thất nghiệp và tù tội
Trương Thượng Vũ cho biết ban đầu, anh muốn học hành và tìm đến Đại học Thể thao Bắc Kinh, trường anh đã đại diện ở Đại hội thể thao sinh viên thế giới năm 2001 dù chưa lên lớp buổi nào! Nhưng câu trả lời lại đầy nghiệt ngã: “Anh nghĩ rằng từng đại diện chúng tôi là có thể được tuyển vào trường sao?”.
Giấc mơ học hành tan vỡ. Trương Thượng Vũ cũng không dễ gì tìm được một công việc kiếm sống bởi học vấn yếu kém. Ngay cả loại việc lao động chân tay cũng chẳng dễ dàng gì. Tập luyện TDDC từ nhỏ khiến anh chỉ cao vẻn vẹn 1 mét 52. Cộng thêm chấn thương dai dẳng ở chân, Trương Thượng Vũ không thể kiếm được một việc làm ổn định.
Năm 2007, trong cơn túng quẫn, Trương Thượng Vũ cắn răng bán đi hai tấm HCV vinh quang của mình với giá bèo bọt là 60 NDT và 50 NDT. Tháng 7 năm đó, anh bị bắt ở Bắc Kinh vì ăn cắp. Sau 4 năm ngồi tù, tháng 4 vừa qua, Trương Thượng Vũ được trả tự do. Nhưng thêm vết đen tù tội trong lí lịch, cơ hội tìm việc càng gian nan hơn.
Trương Thượng Vũ trở về quê nhà Hà Bắc, lang thang ăn xin ở Thạch Gia Trang. Giờ đây mỗi ngày, anh kiếm được chưa đầy 100 NDT, vạ vật ở các ga tàu điện ngầm. Anh “trình diễn” những động tác TDDC, thứ duy nhất mà anh am hiểu, đã đưa anh đến vinh quang nhưng giờ chỉ là phương tiện để đánh động lòng trắc ẩn của người đi đường.
Một lời báo động
Bi kịch của Trương Thượng Vũ không phải là hiếm trong làng thể thao Trung Quốc. Nhiều người hùng khác cũng đang phải vật lộn với cuộc sống khó khăn.
Cựu vô địch marathon Ngải Đông Mai đã phải buồn bã bán đi bộ sưu tập huy chương của cô ở những giải quốc tế, trong đó có một tấm HCV chỉ được định giá 1.000 NDT. Nguyên nhân vì cô cần tiền hỗ trợ cho gia đình ở Hắc Long Giang sau khi người chồng rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Vô địch quốc gia về cử tạ Châu Xuân Lan giờ là một nhân viên massage tại một nhà tắm công cộng ở tỉnh Cát Lâm.
Cao Mẫn, HCV nhảy cầu Olympic các năm 1988 và 1992, đầu tuần này đã chia sẻ trên blog của cô rằng nhiều đồng đội cũ đang vất vả kiếm sống. Cô bày tỏ hy vọng giới chức thể thao Trung Quốc sẽ có những chính sách hỗ trợ các VĐV như vậy.
Kim Sơn, Chủ nhiệm Viện Văn hóa thể thao thuộc Viện Khoa học xã hội Bắc Kinh, nhận xét các bi kịch đời thường này phản ánh một lỗ hổng lớn trong cách làm thể thao của Trung Quốc. Những thiếu niên bị thờ ơ học vấn để trở thành VĐV chuyên nghiệp. Khi cần hòa nhập trở lại xã hội thông thường, họ không có hoặc có quá ít các kỹ năng cơ bản. Theo Kim Sơn, bi kịch của Trương Thượng Vũ là một lời cảnh báo đến các phụ huynh đang ấp ủ gửi con cái đến các trường thể thao, mơ mộng chúng sẽ thành các Diêu Minh, Lưu Tường… trong tương lai.
Hình Ngạo Vĩ, đồng đội cũ của Trương Thượng Vũ và từng giành HCV ở Olympics 2000, bày tỏ quan ngại câu chuyện bi kịch này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến TDDC Trung Quốc. Đang là HLV đội TDDC quốc gia, Hình Ngạo Vĩ lo lắng: “Với một nhà vô địch thế giới rơi vào cuộc sống như vậy, ai sẽ dám tập môn này nữa trong tương lai đây?”
Trung Sơn (theo TTVH)
Bình luận (0)