Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Mặt trái xã hội ảo

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày vừa qua, dư luận bàng hoàng trước hành vi của một thanh niên, tự nhận là có liên quan đến một tai nạn giao thông tại Yên Bái đã lên facebook, một trang mạng xã hội để miệt thị người bị nạn. Quá đáng hơn, sau khi nạn nhân qua đời, cũng trên facebook, thanh niên này đã có những câu viết mang tính hả hê trước cái chết của nạn nhân.
Ngay sau đó, cả cộng đồng mạng đã đồng loạt lên tiếng phê phán hành vi vô đạo đức của người thanh niên. Nhiều bạn trẻ tại một số diễn đàn xã hội đã tổ chức những nhóm truy lùng thanh niên kia. Thậm chí, khi phát hiện được địa chỉ nhà trọ của thủ phạm tại Hà Nội, đã có hơn 40 bạn trẻ tìm đến nhưng may mắn đã không xảy ra sự việc đáng tiếc.
Sự việc kể trên một lần nữa phản ánh mặt trái của xã hội ảo hiện nay. Một mặt, đó là môi trường tích cực, nơi giao lưu, gặp gỡ của mọi người, xóa bỏ những khoảng cách địa lý. Đây cũng là nơi góp phần phản ánh những điều tích cực trong cuộc sống như những tấm gương nghị lực vượt qua khó khăn. Xã hội ảo cũng góp phần bàn luận những sự việc thời sự trong xã hội như vụ dùng điếu cày điều khiển giao thông, bơi qua sông đi học…
Bên cạnh đó, mạng xã hội ảo cũng bộc lộ những mặt tối mà điển hình là việc thích làm nổi bằng những hành động phản cảm như bêu xấu những nhân vật nổi tiếng hay trò nhái tên sát thủ giết người cướp tiệm vàng Lê Văn Luyện; quay clip cảnh giết chóc thú vật như chó, mèo, các vụ đánh nhau; phát ngôn những từ ngữ thiếu văn hóa, phản cảm, gây sốc…
Khác với xã hội thật nơi mọi người có những định danh rõ ràng, xã hội ảo là nơi mà người ta tưởng như có thể che giấu nhân thân thật sự của mình sau các biệt danh (nickname), biểu tượng (avatar). Do nghĩ không ai biết mình là ai, nhiều người đã thiếu kiểm soát hành vi ứng xử hoặc các phát ngôn của mình. Xã hội ảo không hẳn tuyệt đối ảo. Thông qua nhiều biện pháp, chính những thành viên của xã hội ảo có thể dò ra con người thật ẩn sau những nickname, avatar, từ đó dẫn đến những hệ lụy tai hại.
Có trường hợp, những người gây ra chuyện bị ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, vội vã và hoảng sợ, cố rút lại những phát ngôn của mình nhưng mọi việc đã muộn. Đã có những vụ, người trong cuộc phải lên mạng xin lỗi, xóa số điện thoại, thậm chí di chuyển nơi ở, học tập do những hệ lụy từ việc làm tùy tiện, gây phương hại cho cộng đồng xã hội hoặc thuần phong mỹ tục.
Để có một xã hội ảo phát triển lành mạnh, điều được kêu gọi nhiều nhất vẫn là ý thức của người tham gia. Chỉ có sự phát triển một ý thức sinh hoạt lành mạnh và tinh thần trách nhiệm trên xã hội ảo mới đem lại sự phát triển tích cực cho môi trường trong cuộc sống hôm nay.
Bên cạnh đó, việc siết chặt cũng như có các biện pháp mạnh về mặt quản lý cũng được xem là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng biến xã hội ảo thành một môi trường phá hoại tính ổn định của xã hội thực.

 

 
Theo Tường Vy

(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)