Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Màu nâu trầm trong thơ của Khét

Tạp Chí Giáo Dục

Tập thơ Chín nhánh da vàng (giải thưởng Tác giả trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022) của nhà thơ trẻ Khét – Trần Đức Tín vừa được tái bản. Một giọng thơ trẻ khác biệt vọng trên văn đàn, với những vần thơ da diết về tình yêu, quê hương, nguồn cội…

Vẫn sáng tác trên giường bệnh

Nhà thơ Khét (Trần Đức Tín, sinh năm 1989) từng được trao giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn TPHCM năm 2021, với tập thơ Ở đậu trong nhau. Anh là một trong những gương mặt trẻ luôn nhận được sự yêu mến, đánh giá cao của người trong giới cầm bút lẫn bạn đọc. Chín nhánh da vàng cũng là tập thơ hiếm hoi được tái bản, giữa thời mà thi ca ít được quan tâm, không có nhiều cơ hội lan tỏa như tác phẩm của thế hệ trước. Điều đó càng cho thấy dấu ấn riêng Khét đã tạo dựng được trên văn đàn. Và cây bút thơ của đất Cà Mau đã nhận được tin vui trong những ngày phục hồi sức khỏe, sau tai nạn giao thông.

Các tập thơ đã xuất bản của Khét  - Nguồn ảnh: Facebook nhân vật

Các tập thơ đã xuất bản của Khét. Nguồn ảnh: Facebook nhân vật

3 tháng qua, Khét phải nằm một chỗ để dưỡng thương. Suốt thời gian đó, anh vẫn có thơ đều đặn đăng trên các báo, với những vần thơ se sắt lòng người. “Trên giường bệnh, tôi vẫn làm thơ và dường như đó là cứu cánh tâm hồn tôi. Khi không thể đi bằng đôi chân, tôi có thể đi bằng những điều linh cảm, những suy niệm vẫn trằn trọc, thôi thúc không chịu nằm yên như thân xác” – Khét chia sẻ. 

Thơ Khét cuộn tràn nỗi nhớ niềm thương về quê hương, tuổi thơ, ký ức; những suy tư hun hút sâu trong từng con chữ. “Nếu tôi là thân đước/ Hãy chặt mà ung than/ Nếu tôi là thân tràm/ Hãy chặt mà phơi áo khoác/ Mẹ tôi ngàn năm lúa nước/ Cha tôi cào đời mình dưới biển/ Ném hòn đất xuống nước/ sẽ nhập vào cội nguồn/ Ném hòn tôi xuống đời/ trôi vô tăm tích…” – trích Ngồi xuống mà nghĩ, tập thơ Chín nhánh da vàng. 

Đọc Ở đậu trong nhau hay Chín nhánh da vàng đều thấy hồn phương Nam dạt dào trong tình đất, tình người. Như lời nhận định của nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm: “Thơ Khét mang màu sắc nâu trầm. Đó là màu của phù sa thấm lên bãi bờ châu thổ, màu của mảnh gốm tha phương giữ trong lòng hơi lửa đắng; màu của đất ngậm vào sắc da vàng, màu của những hoàng hôn thẫm lại hoang vu; màu của đáy sông cạn nước, của vệt bùn trên đá, của những dấu chân mở cõi cổ xưa lầm lụi. Màu nâu là màu của sự chịu đựng, ẩn vào trong, gợi lên điều giản dị, thuần phác”.

Trước đây, Khét sống trong lòng phố và làm thơ hoài cố hương. Nỗi nhớ thương vẫn da diết trong lòng khi anh đã về quê tịnh dưỡng. “Nỗi nhớ quê, dù có thay đổi không gian sống từ xa xôi hay về gần gũi thì quê hương vẫn sâu lắng trong lòng tôi. Nó không hề mất đi, không hề giảm mà như mưa ngày càng nặng hạt. Nếu những ngày tháng sống trong lòng phố, nỗi nhớ ấy là mong ước được về lại thì giờ đây nỗi nhớ hóa thành niềm thương khi về quê cũ. Nó da diết hơn trong ánh nhìn, rung động theo tàu dừa, chòm hoa tím quê nhà… Tôi cảm nhận được nó chạy nhảy, đằm sâu thêm trong lòng, trong thơ mình, vì quê hương đã là máu thịt” – anh bày tỏ. Nhớ một người hay một nơi chốn – dù đang ở ngay bên cạnh – thì đó chỉ có thể là một tình yêu tha thiết, mênh mông. Tình yêu ấy hóa thành con chữ, như sóng tràn, trong thơ Khét.

Khát vọng đi tận cùng với văn chương

Thơ nay đã không còn được công chúng quan tâm nhiều nữa. Thời đại của nghe – nhìn, của những chương trình giải trí lấn át, văn chương vốn lặng lẽ lại càng thêm lặng lẽ. Thế nhưng, vẫn còn có rất nhiều người yêu thơ đến thiết tha, như Khét. Anh cần mẫn trên cánh đồng sáng tạo, như lời tâm tình: “Cứ viết thôi, im lặng viết những gì muốn nói, tác phẩm sẽ làm tốt điều đó”.

Diện mạo mới của tập thơ Chín nhánh da vàng - Nguồn ảnh: Bích Ngân

Diện mạo mới của tập thơ Chín nhánh da vàng. Nguồn ảnh: Bích Ngân

Tiếng lòng của anh gửi vào trong thơ và tự có sức lan tỏa theo cách của những hạt nước loang trên mặt hồ phẳng lặng. “Vọng âm của thơ, của thương yêu sẽ không một bức tường nào có thể ngăn cách. Thơ chính là tình yêu – thứ tình yêu có khả năng đỡ nâng diệu kỳ. Lòng tự trọng nơi một thi sĩ nuôi mộng hải hồ khiến Khét không nói lời nào về gian nan mình đang trải. Nhưng với đồng nghiệp của Khét – những người yêu thương và trân quý tài năng của Khét, chúng tôi muốn cùng nhau làm điều gì đó để Khét tin yêu hơn cái nghiệp chữ nghĩa mà mình được đeo mang” – nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM – viết cho Khét ngày công bố bìa tái bản của tập thơ Chín nhánh da vàng. 

Với Khét, văn chương là hồn người. “Vậy nên đi tận cùng với văn chương cũng là khao khát đi tận cùng tâm hồn của mình, của người. Tôi chưa từng sợ cái gọi là số phận mà đôi lúc còn thầm cảm ơn nó, nâng niu nó vì may ra còn có cái gọi là số phận nên biết mình còn tồn tại. Tôi nghĩ, số phận là một đặc ân mà mỗi người được ban tặng. Chúng ta không thể thay đổi nó, nhưng chúng ta có thể tận hưởng nó, dù vui hay buồn đều lấp lánh, đều thuộc về mình” – anh bày tỏ. 

Khét bị tai nạn giao thông rất nặng, phải trải qua những cuộc phẫu thuật và có thể mất hơn nửa năm mới tập đi lại được. Nhưng dẫu có đớn đau, từ trong đáy tim anh vẫn thoát thai những vần thơ như cách anh đã viết: “Bằng cách này hay cách khác/ Hoa vẫn nở trong lòng đường/ Bằng cách này hay cách khác/ Tôi vẫn nở về quê hương…”.

Theo Lục Diệp/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)