Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mẫu người văn hóa trong thơ Nguyễn Du

Tạp Chí Giáo Dục

Đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho đời kiệt tác Truyện Kiều bất hủ. Thế nhưng, qua bộ ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm Bắc hành tạp lục, bạn đọc còn nhận ra hình tượng tác giả in đậm dấu ấn mẫu người văn hóa. Ở đây, Nguyễn Du đã nhìn người, nhìn đời dưới góc nhìn văn hóa, cái tôi trữ tình trong thơ là cái tôi văn hóa.

Con người với cảm thức tha hương, biệt ly

Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, con người của muôn vàn tâm trạng hiện lên đậm nét. Cảm thức biệt ly, mặc cảm bị lìa xa cội rễ, đau đáu nỗi nhớ nhung là nguồn cảm hứng chủ đạo và cũng là một thực cảnh đau lòng của nhà thơ. Chủ thể trữ tình trong thơ chữ Hán Nguyễn Du luôn ở trong tâm trạng của kẻ tha hương. Trong khi tự biểu hiện mình là một kẻ lưu lạc, Nguyễn Du thường gọi mình bằng các từ tự xưng như “hành nhân”, “chinh nhân”, “du tử”, “du khách”, “lữ muộn”, “chinh khách”… với tần số xuất hiện 37 lần trong ba tập thơ trên. Mỗi lần nhà thơ tự xưng là một cung bậc tâm trạng xót thương thân lưu lạc.

Chủ thể trữ tình là con người của gia đình

Nguyễn Du trước sau vẫn là con người hướng về những giá trị nhân bản với tình cảm gia đình, anh em, vợ chồng… Nỗi nhớ Thăng Long trong mỗi vần thơ của thi nhân là những xúc cảm đậm màu tang thương dấy lên tự đáy lòng. Nó không phải là thứ tình cảm hoài cổ chung chung mà là những cảm xúc, tâm sự hướng về cảnh ngộ của bản thân tác giả, của anh em ruột thịt… Nơi một thời bên Giám Hồ, cảnh sinh hoạt của gia đình lúc nào cũng đầy tiếng cười, tiếng tơ tiếng trúc. Là kẻ suốt đời làm khách xa nhà nên những người ở xa luôn là mối bận tâm, là nỗi thương cảm của nhà thơ. Một lần ở quê, chợt trong giấc ngủ Nguyễn Du gặp người vợ quá cố hiện về. Nàng đánh đường từ Thăng Long vào tìm chồng. Cảm thương cho duyên kiếp lỡ làng, đời hoa chóng tàn, thi nhân thăm hỏi, an ủi người vợ yêu nhưng cũng là để tự giải tỏ lòng mình, an ủi chính mình: “Bao năm không gặp nhau/ Lấy gì an ủi nỗi nhớ nhau” (Ký mộng).

Một tiết học môn văn của học sinh Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi

Lúc mơ cũng như lúc tỉnh, nhà thơ canh cánh một nỗi nhớ thương vợ con. Nguyễn Du tự thấy thương mình khi là khách trọ chốn nhân gian những 10 năm trời, trong khi bạn bè thân hữu ngày một thưa vắng. Dù làm quan xa quê nhà ngàn dặm, ông vẫn chưa tàn giấc mộng “cỏ bờ ao” chỉ tiếc rằng thân này đã bị bó buộc như chim trong lồng.

Những bi kịch cái đẹp bị vùi dập

Trước những nhân cách tài hoa bị vùi dập, giọng điệu thơ là giọng cảm thương, thành kính. Nằm trong mạch cảm xúc thương tài, khóc kiếp tài hoa bạc mệnh. Độc Tiểu Thanh ký là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Du, tiêu biểu cho giọng điệu cảm thương. Theo đó, Nguyễn Du đến với người thiên cổ và qua đây nhà thơ giãi bày tấm lòng thương cảm sâu sắc đối với những kiếp tài hoa, về nỗi cô đơn và bất hạnh của con người. Nguyễn Du đã gửi vào trang thơ một khát vọng đồng cảm sẻ chia tới mai sau. Khóc cho nàng Tiểu Thanh cũng là khóc chung cho những kiếp người tài tình mang nỗi oan phong vận trớ trêu.

Có thể nói thơ chữ Hán của Nguyễn Du là một thế giới nghệ thuật vô cùng đặc sắc, giàu tính thẩm mỹ thể hiện một nhân cách Việt in đậm tinh thần tự hào dân tộc và tư tưởng nhân loại. Qua đây, chúng ta thấy được bên cạnh một Nguyễn Du nghệ sĩ, một nhà nhân đạo vĩ đại, đại thi hào dân tộc còn là một mẫu người văn hóa tiêu biểu cho thời đại và dân tộc. Mẫu người văn hóa đó được kết tinh từ nhiều nhân tố như gia đình, quê hương, thời đại, tố chất cá nhân và sự từng trải cuộc đời của chính tác giả.

ThS. Phan Quốc Thanh

(Phó hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh)

Bình luận (0)