Những bộ phim khai thác đề tài gia đình ở nhiều phương diện khác nhau “hội tụ” trên màn ảnh nhỏ không chỉ tạo dấu ấn hiệu quả trong thưởng thức câu chuyện dung dị ý nghĩa, mà còn “giữ được rating khá tốt”, theo nhìn nhận của nhà đài.
Cảnh trong phim Ván bài tình yêu – Ảnh: Vietcom |
Ai cũng có thể “thấy nhà mình” trong phim
Trong loạt phim vừa phát sóng, đạt số lượng người xem cao nhất thời điểm hiện tại có lẽ là Ván bài tình yêu (Vietcom sản xuất, vừa kết thúc trên HTV9), với rating trên 5.0 (trong khi rating trung bình các phim khác chỉ dao động khoảng 2-3.0).
Câu chuyện phim này không lạ, khi xung đột gia đình bắt đầu từ bi kịch của người vợ, chưa thể sinh con sau khi lấy chồng, làm dâu 3 năm. Song, diễn tiến của phim được phát triển tốt, kèm những tình tiết hấp dẫn, lại được chuyển tải bởi dàn diễn viên đủ sức thuyết phục người xem đồng cảm, sẻ chia với nhân vật của mình (Vân Trang, Hồng Nhung, Nguyên Vũ, Bryant Davis, Thu Tuyết, Hoài An…).
Một câu chuyện gia đình khác đang thu hút người xem là Nơi chốn ta quay về (trên VTV1, VNFilm sản xuất), khi đề cập đến cuộc đấu tranh ở chính bản thân mình và với những người mình yêu thương để bảo vệ cái đúng, sự chân chính.
Đó là “cuộc chiến” về quan niệm sống giữa hai thế hệ: có hay không khoảng cách tuổi tác đồng nghĩa với sự cách biệt về quan niệm sống, mà trong đó, phần cổ hủ thường nghiêng về thế hệ đi trước? Và đúng hay sai khi sự phát triển của xã hội đang phản ánh ngược lại – chính thế hệ đi trước mới là sợi dây neo giữ những gì thuộc về đạo lý truyền thống…
Không đi sâu chuyện gia đình nhưng Con gái vị thẩm phán (do Hãng phim MiDi cùng TFS sản xuất, HTV9) cũng chạm đến trái tim khán giả với những phân đoạn xúc động giữa luật sư Nhã Nam và con gái, khi công việc đã cuốn cô theo hết vụ án này đến điều tra khác, đến mức người mẹ muốn nói chuyện để hiểu con gái mình cũng không biết bắt đầu từ đâu…
Hai bộ phim hay về đề tài gia đình cũng đang được phát lại là Tìm chồng cho vợ tôi (trên TodayTV) và Hạnh phúc muộn màng (BTV2).
Và, một câu chuyện được chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc, Con trai con gái (Worldstar-Phát Nam Thiên sản xuất), hứa hẹn lôi cuốn khi xoáy vào những mối quan hệ gia đình và xã hội bị rạn nứt từ định kiến khắt khe “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại âm thầm trong cuộc sống hiện đại (HTV7).
Được biết, sắp tới còn có các phim Những ngọn nến lung linh (Lasta sản xuất), Tìm cha, Dấu “+” của trái tim (Vietcom),Rau muống tháng 9, Nhà không có mẹ chồng (M&T Pictures), Câu chuyện tình đời (dựa theo vở Ông bà vú), Đường hoang lạc bước, Cha rơi (Sóng Vàng)…
“Biết cách khai thác sẽ không bao giờ cũ”
Đó là nhận định của bà Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban khai thác phim truyện-HTV, khi nói về lý do dẫn đến sự thu hút công chúng từ những bộ phim xoay quanh đề tài tưởng chừng quá quen thuộc này.
Cảnh phim Con trai con gái – Ảnh: W.S |
Bà cho biết, “những bộ phim dạng này tạo được rating khá tốt và giữ được độ ổn định, không chỉ vì câu chuyện gắn liền với cuộc sống đời thường, mà còn bởi sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa kịch bản – cách khai thác và diễn xuất của diễn viên”.
Quả thực, không chỉ riêng đề tài gia đình, và không phải lúc nào người xem thấy thấp thoáng chuyện nhà mình, nhà hàng xóm, nhà người thân bạn bè mình trong đó… mới giật mình, theo dõi “nó” ra sao. Mà đề tài nào, câu chuyện gì trong phim cũng vậy, “nếu những người làm phim biết cập nhật những thay đổi, biến động của xã hội, làm thế nào để sự phán ánh mang tính tự nhiên, chân thật nhất, thì người xem dễ dàng đón nhận hơn.
Riêng với đề tài gia đình, quan trọng nhất có lẽ ở cách phát triển – giải quyết xung đột: phải mang hơi thở đương đại, hòa hợp được với cảm nhận lẫn suy nghĩ của khán giả hiện nay”, bà Bảo Trâm, giám đốc Vietcom nhìn nhận.
Chia sẻ về vấn đề này, trong buổi ra mắt phim Con trai con gái, đạo diễn Chu Thiện cho rằng, dù phim được chuyển thể từ kịch bản Hàn, song để khán giả không cảm thấy “khác” khi theo dõi, ê kíp Việt hóa (Vifa Film) đã chăm chút từng tiết nhỏ, cố gắng để người xem thấy tâm lý, tư duy của nhân vật phát triển phù hợp trong mẫu thuẫn của gia đình Việt, văn hóa Việt.
|
Theo TNO
Bình luận (0)