Hội nhậpThế giới 24h

Mâu thuẫn Mỹ – Trung và vấn đề biển Đông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Cuộc khẩu chiến vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất của thế căng thẳng giữa hai quốc gia này xoay quanh vấn đề biển Đông.
Trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế nhận định khó có khả năng căng thẳng này leo thang thành xung đột quân sự. Tuy nhiên, những tác động của nó đối với vấn đề biển Đông là không hề nhỏ.
Truyền thông Trung Quốc (TQ) vừa có giọng điệu phản ứng hết sức gay gắt sau khi Washington lên án Bắc Kinh thành lập phi pháp cái gọi là TP.Tam Sa và khu đồn trú quân sự. Đánh giá của ông về ảnh hưởng của căng thẳng này đối với tình hình biển Đông?
 
Tàu Trung Quốc “vờn” trước mũi tàu thăm dò USNS Imppecable của hải quân Mỹ tại biển Đông năm 2009 –  Ảnh: US Navy
Ông Robert Manning (nhà hoạch định chính sách cho chính phủ Mỹ giai đoạn 2005-2008, hiện là nghiên cứu sinh cao cấp Hội đồng Đại Tây Dương): Việc TQ ngày càng trở nên ngang ngược tại biển Đông là một phần của chiến lược toàn diện của nước này nhằm đáp trả việc Mỹ đang tái thiết vị thế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.  
 
Ảnh: nhân vật cung cấp
Bất chấp việc Lầu Năm Góc công bố sẽ đóng 60% lực lượng hải quân của mình tại đây cho đến năm 2020, TQ cũng đã tính toán rằng mình có thể tự tung tự tác vì phản ứng từ phía Mỹ cao nhất chỉ có thể là những lời lẽ công kích về mặt ngoại giao. Theo tôi, TQ đang đánh cược là mặc dù tham vọng bá quyền của mình có thể đẩy một số nước ASEAN về phía Mỹ, nhưng Washington sẽ chẳng bao giờ can thiệp quân sự trực tiếp ngay cả khi tình hình căng thẳng có leo thang.
Báo chí TQ luôn cho rằng Mỹ đóng vai trò “kích động” các nước trong khu vực để làm tình hình biển Đông thêm căng thẳng. Quan điểm của ông?
Tiến sĩ James Holmes (Trường Chiến tranh hải quân – Mỹ): Tôi rất “sốc” trước luận điểm Mỹ cố tình làm mất ổn định khu vực để tạo cớ cho sự hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương. Cần nhớ rằng trước khi TQ bắt đầu gây rắc rối trong thời điểm 2009-2010, các nước Đông Nam Á hay phàn nàn rằng Mỹ chỉ chăm chăm tập trung vào chống khủng bố tại khu vực mà lơ là các lĩnh vực khác. Bắc Kinh đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tự gây ra bất ổn trong khu vực và họ chỉ có thể tự trách mình.
Giáo sư Mohan Malik (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ): Việc TQ theo đuổi chính sách đe dọa và phô trương vũ lực trong suốt thời gian vừa qua, cộng với thái độ hung hăng của báo chí nước này, là bằng chứng của một thông điệp hết sức rõ ràng dành cho các nước láng giềng: Đừng bao giờ ngả về phía Mỹ.

Ảnh: nhân vật cung cấp 
Với tham vọng bá quyền, TQ luôn muốn xác lập những giới hạn mà Mỹ và các nước nhỏ nên và không nên làm. Theo tôi, đối với TQ, yếu tố mấu chốt quyết định quan hệ của nước này với láng giềng không phải là hiệp ước, luật lệ, hay chuẩn mực quốc tế nào, mà chỉ là “mạnh được yếu thua”.
Vậy còn tiếng nói gần đây của Ấn Độ và Nhật trong vấn đề biển Đông?
Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ): Ấn Độ có vai trò nhất định, trung lập và không hành động thay mặt cho bất kỳ quốc gia nào. Thế nhưng, Nhật Bản thì khác, vì nước này vốn là đồng minh của Mỹ. TQ rất ngang ngược, nhưng cần chú ý là “chọc điên” một kẻ ngang ngược có thể góp phần tạo điều kiện cho các phần tử diều hâu kích động xung đột vũ trang. Đây là thời điểm cần những cái đầu bình tĩnh. 
Nóng bỏng châu Á – Thái Bình Dương
Quan hệ giữa TQ và Mỹ trở nên căng thẳng sau khi Washington chỉ trích Bắc Kinh về việc triển khai quân đội đồn trú tại cái gọi là TP.Tam Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Ngày 7.8, Philippines chính thức lên tiếng ủng hộ quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề này, theo tờ Daily Inquirer.
Thời gian qua, Mỹ cũng tích cực hỗ trợ Philippines hiện đại hóa quân đội, như bán tàu tuần duyên với giá rẻ. Manila cũng đang vận động để mua một số chiến đấu cơ F-16 đã qua sử dụng của Washington. Ngược lại, Washington muốn tăng thêm hiện diện quân đội tại Đông Nam Á, tờ Guardian dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng hạ viện Philippines Rodolfo Biazon cho hay. Ngoài ra, Mỹ không ngừng củng cố quan hệ quân sự với nhiều nước tại châu Á – Thái Bình Dương bằng cách liên tục tập trận chung, theo Yonhap. Hiện tại, Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc tập trận ngoài khơi Hawaii trong 2 ngày 7-8.8. Sắp tới, Mỹ còn các cuộc tập trận riêng với Hàn Quốc từ ngày 20 – 31.8 và với Nhật Bản từ 21 – 26.8.
Không những thế, tờ The Washington Post đưa tin Lầu Năm Góc suốt 20 năm qua đã nghiên cứu và lên kế hoạch cho viễn cảnh xảy ra chiến tranh với “một Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến và vũ trang hạng nặng”. Washington đang nỗ lực phát triển khái niệm “tác chiến không – biển” đồng thời tăng cường vũ khí, chiến thuật cần thiết cho mục đích trên.
H.G

Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)