Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Màu tím hoa sim

Tạp Chí Giáo Dục

 

LTS: Được tin nhà thơ Hữu Loan vừa đi xa, Báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu bài viết Màu tím hoa sim và bài Gặp gỡ nhà thơ Hữu Loan như một nén nhang tưởng nhớ đến linh hồn một nhà thơ tài hoa.

Nguyễn Hữu Loan, tên trong khai sinh. Bút danh Hữu Loan ký dưới bài thơ Đèo Cả (1946) mở đầu sự nghiệp văn chương tài hoa của nhà thơ. Sau đó tên tuổi Hữu Loan như một ấn tượng độc đáo trong Màu tím hoa sim, Những làng đi qua, Quách Xuân Kỳ, Hoa lúa.
Màu tím hoa sim nhà thơ viết khi người vợ rất trẻ bị chết đuối. Thương nhớ người bạn đời quá cố, vừa mới tuổi trăng tròn lẻ và cũng mới “cưới nhau là tôi đi”. Màu tím hoa sim một thiên tình sử vừa bi, vừa hùng giữa người lính trong thời chiến chinh với cô gái có học, có duyên, có trái tim đa cảm. Bài thơ đứng vững đã 45 năm và được coi là một trong 50 bài thơ hay nhất của một thế kỷ thi ca Việt Nam.
Bài thơ được viết ra từ cái thực, rất thực, như từ gan ruột của mình. Đó là lời tâm sự của nhà thơ khi nhắc đến cô Đỗ Thị Lệ Ninh. Bây giờ tuổi đã trên 80, nhà thơ vẫn còn nhắc như bà đang còn sống.
Trong bài thơ Hữu Loan viết:
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng…
Có em chưa biết nói
Những người anh cũng rất thực. Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc là Đỗ Lê Khôi – tiểu đoàn trưởng hi sinh trên đồi Him Lam, Đỗ Lê Nguyên nay là trung tướng Phạm Hồng Cư và người anh kế cô Ninh là Đỗ Lê Khang ngày trước là Thường vụ Trung ương Đoàn. Các em nàng “có em chưa biết nói” ngày ấy giờ là bà nội, bà ngoại và được học hành rất chu đáo.
Trong bài thơ có câu:
Tôi về
Không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Có người chép bài thơ Màu tím hoa sim đã chép chữ “má” bằng chữ “mẹ”, cho là ở quê nhà thơ đâu có gọi mẹ bằng má. Nhà thơ nói: “Má chứ, đây là má vợ mình – bà Lê Đỗ Kỳ”. Ông cụ trước làm Thanh tra Nông lâm Sài Gòn, vợ mình sinh ở trong ấy, nên gọi mẹ bằng “má”. Nhà thơ gọi bà bằng má từ khi lấy cô Ninh. Còn ông cụ, sau cách mạng làm Chủ tịch UBND lâm thời huyện, đại biểu quốc hội khóa I”.
Bài thơ sống mãi với người, với đời. Hay từ cái thực, cái nguyên mẫu, cái riêng của nhà thơ để rồi biến thành nghệ thuật, thành thi ca. Ở Màu tím hoa sim là một phong cách độc đáo, độc đáo trong từng câu thơ dồn nén, trong từng ý thơ quấn riết lấy, lật lên cảm xúc người đọc. Hay đến nỗi người ta nói nhà thơ sáng tác bài thơ ngay tại mộ cô Ninh sau một hồi thương khóc người vợ trẻ. Nhà thơ ghi vào chiếc quạt giấy rồi để lại nhà một người bạn ở thị xã Thanh Hóa. Bạn anh đã chép lại và chuyền tay nhau suốt những năm tháng chiến tranh.
Trúc Chi
Giao lưu từ chuyên mục “chuyện văn”: Gặp gỡ nhà thơ Hữu Loan
LTS: Nhà thơ Trúc Chi là một cộng tác viên thân thiết của Báo Giáo Dục – Sáng Tạo (GD-ST) nay là Báo Giáo Dục TP.HCM. Nhân dịp dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần V, ông đã gặp và trò chuyện với nhà thơ Hữu Loan (nổi tiếng với bài thơ Màu tím hoa sim), xung quanh chuyên mục “Chuyện văn” của Báo GD-ST và bài thơ Màu tím hoa sim.
 
Nhà thơ Trúc Chi: Chắc anh đã nhận được Báo GD-ST số 18, ngày 9-8-1999, ở chuyên mục Chuyện văn đăng “Màu tím riêng của màu tím hoa sim” viết về bài thơ của anh. Đọc bài này, anh có cảm tưởng gì?
Nhà thơ Hữu Loan: Tôi rất vui là “cái riêng” rất kín của tôi, của Màu tím hoa sim, vậy mà được GD-ST “phơi” rất lý thú, rất có duyên khiến người đọc hiểu thêm tác giả. À, thì ra cái gì riêng nhất của nhà thơ lại rất cần cho người đọc. Tôi thích chuyên mục này, tôi cũng thích cách viết của tác giả: nhẹ nhàng tươi mát; không dàn trải như viết chân dung cũng không ghi lược sử, tiểu sử một cách khô khan, mà có nét chấm phá, tinh tế. Chính điều này rất cần cho nhà trường, có thể giúp cho thầy cô dạy văn, học sinh học văn dễ hiểu hơn, có nhiều khám phá thêm về bài thơ và nhà thơ được xếp trong chương trình giảng dạy (sách giáo khoa) chăng?
Xin anh nói rõ thêm về “Màu tím hoa sim” cho độc giả Báo GD-ST?
Trước hết, tôi rất biết ơn GD-ST dẫn tôi đến với độc giả để họ biết đến một dạng thơ của Màu tím hoa sim, cũng như biết đến dạng thơ Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Tây tiến của Quang Dũng cùng ra đời trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Từ đó, độc giả có thể hiểu sâu thêm đó là sản phẩm, là tâm trạng của con người với cuộc kháng chiến.
Xin cảm ơn anh.
Trúc Chi (thực hiện)
 

 

Bình luận (0)