Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Máy biến rác thành phân bón

Tạp Chí Giáo Dục

Nhóm tác giả tại cuộc thi khởi nghiệp vòng khu vực miền Trung

Từ suy nghĩ làm thế nào xử lý triệt để rác thải hữu cơ (từ thức ăn hàng ngày), biến nó trở thành sản phẩm có ích, nhóm sinh viên Khoa Điện Trường ĐH Duy Tân (gồm Phạm Hữu Cường, Phạm Thị Ly Na, Huỳnh Thị Như Hiền) đã sáng chế ra máy xử lý rác thành phân bón. Sản phẩm được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn, được nhóm hướng đến mục tiêu khởi nghiệp!

Chia sẻ về sản phẩm trên, Phạm Hữu Cường (trưởng nhóm) nói: Hàng ngày, rác thải hữu cơ từ chế biến thức ăn được thải ra rất nhiều, nhất là ở khu vực thành thị. Nếu không có biện pháp xử lý thì sức chứa của các bãi rác sẽ quá tải, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Từ đó, chúng em đã nảy ra ý tưởng tận dụng rác thải hữu cơ như vỏ hoa quả, bánh kẹo, bã cà phê… để làm phân bón thông qua hệ thống máy xử lý. Với chiếc máy trên, các hộ gia đình, nhà hàng… có thể biến rác hữu cơ thành phân bón để trồng rau sạch hoặc bán cho các trang trại trồng rau, vừa kiếm thêm thu nhập vừa phân loại rác thải hữu cơ khỏi rác thải sinh hoạt tại nguồn để bảo vệ môi trường.

Mô hình máy xử lý rác thải thành phân bón

Nguyên lý hoạt động của máy gồm một tủ thiết kế có công tắt nguồn. Trên tủ sẽ có 3 nút nhấn: nút màu xanh, màu vàng và đỏ. Nút màu xanh có kí hiệu nguồn điện được dùng để khởi động máy. Sau khi bấm nút màu xanh, người dùng sẽ đưa rác vào trong tủ để nghiền rác và phun phụ gia. Trường hợp gặp vật cản bị kẹt bên trong, cảm biến dòng ngay lập tức sẽ dừng toàn bộ hoạt động của tủ. Sau đó, người dùng sẽ nhấn nút màu vàng, hệ thống sẽ gửi tín hiệu và điều khiển rulo quay ngược chiều, đưa vật cản ra ngoài. Trường hợp gặp sự cố mất điện, người sử dụng có thể trực tiếp dùng tay quay rulo, tự thêm phụ gia và rác. Sau khi rác được nghiền xong, người dùng đem đi ủ trong vòng 25-30 ngày tạo thành phân hữu cơ. Trung bình một ngày máy có thể xử lý được 10-15kg rác. Một chiếc máy có giá từ 2 đến 3 triệu đồng.

Dự án của nhóm đã xuất sắc có mặt tại vòng chung khảo cuộc thi khởi nghiệp quốc gia 2017. “Chúng em rất vui khi sản phẩm được đánh giá cao. Trong tương lai, chúng em muốn được các chuyên gia hỗ trợ thêm về mặt kỹ thuật để thực hiện thành công dự án này, chung tay xây dựng môi trường”.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)