Sau khi tìm hiểu về pin Lithium-ion, hai học sinh Trường THCS Âu Lạc (Q.Tân Bình) gồm em Phan Cao Toàn (lớp 7A1) và Huỳnh Khánh Việt (lớp 7A2) đã bắt tay vào sáng chế mô hình “Máy bơm áp lực mini sử dụng pin sạc”.
Toàn (trái) và Việt đang giới thiệu máy bơm áp lực mini sử dụng pin sạc
Đây là một trong những sản phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao vì khả năng ứng dụng cao trong đời sống. Thông qua sản phẩm này, hai nam sinh hy vọng sẽ góp phần hỗ trợ người tham gia giao thông tiện lợi hơn khi di chuyển ở những đoạn đường xa, vắng vẻ, ít có chỗ bơm bánh xe.
Có sở thích đi đó đây nên Toàn và Việt thường chứng kiến cảnh xì bánh xe trên những đoạn đường dài hoặc những đoạn đường ít có tiệm bơm bánh xe. Việc này đã khiến cho nhiều phương tiện giao thông “nằm đường” gây ảnh hưởng đến lịch trình, công việc của chủ xe hoặc khách đi xe. Mặc dù trên thị trường hiện nay có không ít thiết bị bơm bánh xe nhưng thông thường những thiết bị này đều cần đến sức người để bơm khá bất tiện. Trước thực tế đó, Toàn và Việt đã mạnh dạn lên ý tưởng và sáng chế ra chiếc máy bơm áp lực mini sử dụng pin sạc hỗ trợ trong đời sống.
Theo Toàn và Việt, chiếc máy này có khả năng bơm bánh xe máy, ô tô và các vật dụng cần bơm hơi nhỏ, nhẹ khác. Chiếc máy này có hình dáng nhỏ, gọn, dễ di chuyển, lắp ráp, có sự kết hợp của động cơ nén khí và pin Lithium-ion để bơm bánh xe. “Có nhiều loại pin nhưng chỉ có loại pin Lithium-ion mới có công suất cao và dung lượng lớn, song giá thành lại rẻ, vì vậy chúng ta có thể dùng để ứng dụng vào chiếc máy bơm này. Đối với lốp xe cỡ nhỏ, chiếc máy bơm được 2 lần với áp suất 2kg/cm2; lốp xe gắn máy, mô tô bơm được 7 lần với áp suất 2,2cm2; bóng chuyền, bóng đã bơm được 15 lần, áp suất 0,7cm2; bong bóng cao su bơm 32 lần, áp suất 0,1kg/cm2” – Việt cho biết.
Để hoàn thành chiếc máy bơm áp lực mini sử dụng pin sạc này, Toàn và Việt phải mất gần cả tháng mới hoàn thành. “Khâu khó nhất trong chiếc máy này đó chính là việc điều chỉnh áp suất khi bơm cho bánh xe. Nếu chiếc máy bơm có áp suất thấp sẽ làm cho bánh xe lâu đủ hơi, còn nếu áp suất lớn quá không chỉ làm cho bánh xe quá cứng mà còn có khả năng nổ bánh xe. Do đó chúng em phải tính toán nhiều lần mới có thể lắp đặt và chỉnh áp suất hợp lý nhất, giúp chủ nhân của chiếc xe tiện lợi hơn khi sử dụng, giúp cuộc hành trình của họ diễn ra an toàn, nhanh chóng…” – Toàn chia sẻ.
Nói về hướng nghiên cứu sắp tới, Toàn và Việt cho biết các em sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm và đề xuất để được triển khai và ứng dụng rộng rãi trong đời sống. “Chúng em sẽ tạo ra những tiện ích khác từ mô hình, không chỉ dùng để bơm khí mà còn dùng để kích bình ắc quy, làm nguồn điện dự phòng trong những trường hợp khẩn cấp” – nhóm nghiên cứu kỳ vọng.
Bài, ảnh: Thúy Kiều
Bình luận (0)