Ngày 3/12/1994, máy chơi game PlayStation lên kệ tại Nhật Bản. Để kỷ niệm 25 năm ra mắt, Sách kỷ lục Guiness vừa công nhận PlayStation là dòng máy chơi game bán chạy nhất thế giới với tổng doanh số hơn 450 triệu chiếc tính đến tháng 11 vừa qua.
Sau 25 năm, sức ảnh hưởng của PlayStation lên ngành công nghiệp game và văn hóa đại chúng vẫn vô cùng lớn. Câu chuyện ra đời của chiếc máy này khá thú vị khi nó gắn với sự kiêu ngạo, tham lam và phản bội.
Vào ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1991, Nintendo có buổi họp báo tại Triển lãm Điện tử CES diễn ra ở Las Vegas (Mỹ). Theo kế hoạch, Chủ tịch Hiroshi Yamauchi sẽ công bố chi tiết thỏa thuận sản xuất máy chơi game giữa Nintendo và Sony vốn đã được tiết lộ vài ngày trước.
Máy chơi game PlayStation thế hệ đầu tiên.
Sự thay đổi gây hoang mang
Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, Yamauchi tuyên bố Nintendo sẽ hợp tác với Công ty Philips (Hà Lan) – đối thủ lớn nhất của Sony vào thời điểm ấy.
"Theo thỏa thuận, công nghệ của Philips sẽ xuất hiện trên phụ kiện giúp người dùng Nintendo chơi game bằng đĩa CD", trích bài viết trên tờ New York Times năm 1991. Chỉ trước đó vài ngày, Sony đã công bố "thỏa thuận hợp tác với Nintendo cho sản phẩm có tên Game Player".
Lúc đó, Nintendo liên tục muốn hợp tác với Sony để sản xuất máy chơi game sử dụng đĩa CD thay cho hộp băng truyền thống. Hợp đồng đã ký, hai bên bắt tay phát triển sản phẩm theo các điều khoản.
Tuyên bố trái ngược của Nintendo và Sony khiến nhiều người hoang mang, ngay cả các giám đốc Sony cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khi nghe thông báo hợp tác với Philips của Nintendo, cựu Chủ tịch Sony Olaf Olaffson khẳng định không hề biết điều đó.
Mẫu máy chơi game do Sony hợp tác với Nintendo sản xuất không bao giờ được ra mắt.
"Đây là sự việc nghiêm trọng", Olaffson chia sẻ với các phóng viên đang choáng váng sau buổi họp báo. Ông để ngỏ câu hỏi Nintendo có vi phạm hợp đồng hay không.
Được biết Nintendo đã bất ngờ ngừng liên lạc với Sony trước thềm CES 1991. Chia sẻ với Wired sau khi Yamauchi qua đời, bạn thân của ông nhớ lại các kỹ sư Sony đã phát triển máy game nhưng không có bất cứ hướng dẫn từ Nintendo.
Trả thù kẻ phản bội
Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, ông phát hiện trong hợp đồng có điều khoản cho phép Sony trực tiếp sản xuất, bán đĩa game mà không cần mua từ Nintendo, nhưng Nintendo lại thì muốn độc quyền sản xuất đĩa game. Thay vì thảo luận tìm ra giải pháp, Nintendo đã tự ý cắt hợp đồng, đẩy Sony ra ngoài để tìm đối tác khác.
Nintendo không muốn mất thế độc quyền phát hành game. Vào lúc đó, Nintendo là kẻ thống trị khi mới vượt qua kình địch Sega, sự kiêu ngạo đã cho họ quyền tự quyết mà không sợ ai.
Có lẽ Nintendo không lường trước khả năng người bạn mà mình từng phản bội chính là kẻ đẩy họ đi xuống.
Sau khi bị bỏ rơi tại CES, Sony có trong tay chiếc máy chơi game đã thành hình nhưng không thể ra mắt. Sản phẩm tốn hàng triệu USD phát triển được tận dụng để làm ra mẫu máy chơi game hoàn toàn độc lập mang thương hiệu Sony.
Nếu thời ấy Nintendo không rời bỏ Sony, chưa chắc đã có một PlayStation thành công như hiện tại.
Để theo đuổi kế hoạch, công ty Nhật Bản nhanh chóng hợp tác với nhiều hãng game nổi tiếng như Electronic Arts, Konami và Namco, tìm cách giảm chi phí sản xuất để mẫu máy có giá hợp lý khi bán ra thị trường.
Ba năm sau khi bị "sỉ nhục" tại CES, Sony đã tấn công người bạn phản bội với chiếc máy chơi game có tên PlayStation. Sau khi ra mắt, PlayStation đã tạo tiếng vang lớn, đánh bại mọi đối thủ để trở thành máy chơi game phổ biến nhất thế giới.
Để so sánh, Nintendo 64 ra mắt năm 1996 chỉ bán được hơn 30 triệu chiếc trong suốt vòng đời, còn PlayStation là hơn 100 triệu – trở thành máy chơi game gia đình đầu tiên vượt qua mốc này. Đến hiện tại, PlayStation vẫn là dòng máy chơi game số một về doanh số trong khi Nintendo, dù có nhiều nỗ lực, vẫn chỉ là kẻ theo sau.
Nếu ngày ấy Nintendo không phản bội Sony, có lẽ thế giới game đã không có một PlayStation thành công như ngày nay.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)