Ứng dụng công nghệ mới trong quá trình nghiên cứu, nhiều ý tưởng phục vụ thiết thực cho đời sống đã được hiện thực hóa, trong đó có không ít mô hình, sản phẩm do người học nghề thực hiện.
Các thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ về ưu điểm của máy đo huyết áp thông minh – GAC
Thời gian qua có nhiều mô hình, sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ mới triển khai trong một số lĩnh vực, từ môi trường, giáo dục đến y tế – sức khỏe… được phát triển từ ý tưởng của học sinh, sinh viên trường nghề. Trong số đó, có những sản phẩm đã và đang được doanh nghiệp, đơn vị y tế đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả cao. Liên quan đến lĩnh vực y tế – sức khỏe, nhóm sinh viên Trường CĐ Công thương TP.HCM gồm: Nguyễn Thị Cẩm Vân, Vũ Thế Duyệt, Võ Hồ Xuân Sang, Trần Văn Hiếu và Phạm Ngô Xuân Hoàng Lộc đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm máy đo huyết áp thông minh – GAC. Nguyễn Thị Cẩm Vân (thành viên nhóm nghiên cứu) chia sẻ, xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, máy đo huyết áp là một trong những dụng cụ y tế không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường giá thành máy đo huyết áp khá cao, không phải gia đình nào cũng sở hữu được. Từ các phiên bản đã có trên thị trường, nhóm đã nghiên cứu cho ra đời máy đo huyết áp và nhịp tim thông minh với giá thành thấp nhưng độ bền, độ chính xác không thua kém các dòng máy nước ngoài hiện có trên thị trường Việt Nam.
Tại vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp toàn quốc – Startup Kite 2022” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây, nhiều nhà chuyên môn đánh giá máy đo huyết áp thông minh – GAC có nhiều tính năng vượt trội so với các dòng máy có mặt trên thị trường trước đó. Cụ thể, máy có nhiều ưu điểm như thiết kế nhỏ gọn, nhẹ (khoảng 50% trọng lượng của máy đo huyết áp điện tử hiện có trên thị trường); không sử dụng pin tiểu; độ chính xác cao; giá chỉ khoảng 25% so với các dòng máy thông minh khác. Đặc biệt là máy được cài đặt chế độ thông báo tự động đến tổng đài cấp cứu 115 hoặc người thân khi phát hiện dấu hiệu bất thường… Những ưu điểm này đã chinh phục được các chuyên gia và mang lại cho nhóm nghiên cứu giải nhất của cuộc thi. Thành công của nhóm nghiên cứu không chỉ dừng lại ở một cuộc thi mà chính là thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đã mở ra cơ hội thương mại hóa cho sản phẩm.
Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm, máy đo huyết áp thông minh – GAC là một sản phẩm phục vụ, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nên nhóm đặc biệt quan tâm đến chất lượng, không chấp nhận một sai sót nào, dù là sai sót nhỏ nhất. Theo đó, máy đo huyết áp thông minh – GAC được lắp đặt cảm biến, linh kiện tốt không thua kém các dòng máy nước ngoài đang được thị trường tin dùng, nhờ đó cho kết quả đo chính xác. Để đảm bảo cho ra đời một sản hoàn hảo nhất, mỗi thành viên trong nhóm luôn ý thức cao về trách nhiệm của mình.
Nhiều dự án của học sinh, sinh viên trường nghề được doanh nghiệp đầu tư Ông Lê Tấn Dũng (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá cao tính sáng tạo của học sinh, sinh viên trường nghề trong việc ứng dụng công nghệ mới khi nghiên cứu các dự án đáp ứng yêu cầu hội nhập trong từng lĩnh vực. “Đã có nhiều dự án là kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên trường nghề được doanh nghiệp đầu tư thương mại hóa. Điều này cho thấy nghiên cứu khoa học trong trường nghề đang dần chuyên nghiệp và cần được nhân rộng. Tôi mong rằng các dự án được doanh nghiệp đầu tư khởi nghiệp sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về hệ thống giáo dục nghề nghiệp, từ đó chủ động lựa chọn học nghề để tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc khởi nghiệp”, ông Lê Tấn Dũng kỳ vọng. |
Phân tích cụ thể hơn về các ưu điểm của máy, Nguyễn Thị Cẩm Vân chỉ rõ: Trọng lượng của máy khá nhẹ làm tăng khả năng di động, thuận tiện khi mang đi xa. Nhóm đã loại bỏ việc sử dụng pin để hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như chi phí hao tốn điện năng (nhờ sử dụng pin điện thoại), tăng tính thân thiện của sản phẩm. Đây là một trong những tiêu chí được ban giám khảo cuộc thi và các chuyên gia quan tâm. Thêm nữa, màn hình điện tử của máy cũng được nhóm tính toán và thay thế bằng màn hình điện thoại để giảm tối đa chi phí. Theo đó, giá thành của máy đo huyết áp thông minh – GAC cực thấp, 300.000 đồng/máy, trong khi giá của các dòng máy thông dụng hiện nay khoảng 1,2 triệu đồng.
Với độ chính xác tin cậy, giá thành chấp nhận được và tính thương mại hóa cao, máy đo huyết áp thông minh – GAC là một trong 6 dự án được chọn tham gia vòng gọi vốn. Qua thuyết trình và thương thuyết với nhà đầu tư, nhóm nghiên cứu đã được ông Lê Viết Dũng Linh (Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt) hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm hướng đến thương mại với số tiền 200 triệu đồng. Ngoài ra, giám khảo chương trình thương vụ bạc tỷ Shark Liên cũng quyết định “rót” vốn 500 triệu đồng để phát triển dự án. Nguyễn Thị Cẩm Vân bày tỏ: “Chúng em được tham gia nghiên cứu khoa học, trải nghiệm và hiện thực hóa ý tưởng phục vụ cộng đồng đã là một niềm vui. Tuy nhiên, niềm vui càng lớn hơn khi thành quả của chúng em được ghi nhận, được doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường. Đây là nguồn động viên, khích lệ chúng em tiếp tục thực hiện các sản phẩm tương tự cũng như khơi gợi tinh thần đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên trường nghề. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về việc học nghề, nâng cao vị thế trường nghề trong bối cảnh hiện nay”.
Được biết, ngay sau khi gọi vốn thành công, nhóm nghiên cứu cùng nhà đầu tư bắt tay vào hoàn thiện và sản xuất sản phẩm, đồng thời xây dựng kế hoạch kinh doanh, mở rộng thị trường.
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)