Đào Vạn Quang đang chuẩn bị cho máy gom rác trên hồ nước
|
Hàng ngày nhìn những người lao công vất vả thu gom rác thải trên kênh rạch, ao hồ… em Đào Vạn Quang, học sinh lớp 1117 Trường THPT Phan Châu Trinh, quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) đã mày mò sáng chế ra máy gom rác thải trên mặt nước. Công trình này đã đoạt được giải 3 cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2011.
Từ ý tưởng ban đầu…
Ngay từ nhỏ, cậu bé Quang đã phải phụ giúp ba mẹ gánh vác một phần việc nhà. Tuy vất vả, nhưng em luôn chăm ngoan và ham học, đặc biệt là các môn học mang tính sáng tạo. Quang rất yêu thiên nhiên, môi trường sống xung quanh. Em tâm sự: “Những năm còn học THCS, mỗi lần đi ngang qua các con sông, ao hồ trong thành phố em thấy rác thải vứt bừa bãi vừa bẩn vừa mất mỹ quan. Nhiều hôm em thấy các cô chú lao công dầm mình trong mưa, cầm cây sào dài nhọc nhằn vớt rác nổi trên mặt nước. Từ đó, em chợt nghĩ “tại sao người ta không sáng chế máy tự gom rác?”. Thế là trong các giờ học vật lý, em luôn chú ý rồi tìm tòi cách sáng chế máy gom rác trên mặt nước”.
Quang cho biết thêm, bước vào giữa kỳ II năm học lớp 9 em đã cơ bản hình thành xong ý tưởng về mô hình chiếc máy. “Nhưng do lúc đó chuẩn bị thi lên lớp 10 nên em đành gác ý tưởng lại đợi khi thi đỗ lớp 10 em mới bắt tay vào thực hiện”, Quang nói.
Để hoàn thành được chiếc máy gom rác này, Quang đã phải mất gần một năm. Ban đầu, máy đã được lắp ráp đầy đủ nhưng khi chạy thử lại không hoạt động theo ý muốn. Quang không chịu buông xuôi. Tranh thủ những ngày nghỉ học, em đạp xe đến các tiệm cơ khí, điện tử để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó về nhà mày mò tháo máy để lắp lại. “Cấu tạo của cái máy này có nhiều bộ điều khiển tự động ở Đà Nẵng không có nên em phải đặt mua ở TP.HCM. Cái khó nhất khi hoàn thành chiếc máy này là do em chưa được học về cách lắp vi mạch để điều khiển từ xa nên phải mất nhiều thời gian tìm hiểu trên mạng, rồi mua các sách có hướng dẫn về cái này để tự học sau đó bắt tay vào làm thử. Qua mấy lần hỏng cuối cùng mới thành công”, Quang bộc bạch.
Do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, trong khi kinh phí để hoàn chỉnh chiếc máy mất một khoản tiền khá lớn (khoảng 7 triệu đồng) nên Quang lo lắm. “Nhiều đêm thấy con thao thức lo không có tiền hoàn thành chiếc máy, vợ chồng tui thương con nhưng đành chịu”, ông Đào Thanh Thọ, ba Quang nói.
Những tưởng công trình sáng tạo này thêm một lần phải gác lại, thì một hôm nghe ti vi giới thiệu về CLB Sáng tạo trẻ, Quang đánh liều đến trình bày ý tưởng với người đứng đầu CLB mong được hỗ trợ kinh phí. Không ngờ sau khi nghe Quang trình bày, ông Hồ Việt, Chủ nhiệm CLB đồng ý trích từ Quỹ Hồ Nghinh hỗ trợ cho em 2,5 triệu đồng, cộng thêm số tiền em đập heo đất (đây là tiền ba mẹ cho ăn sáng em tiết kiệm suốt mấy năm – PV), sản phẩm mới ra đời.
Đến chiếc máy thay sức người
Máy gom rác thải
|
Chiếc máy gom rác tự động trên mặt nước của cậu học trò Đào Vạn Quang được hội đồng giải thưởng đánh giá là công trình mang tính khả dụng cao. Theo đó, máy dọn rác thải trên mặt nước hướng đến việc vệ sinh ao hồ, sông rạch nhằm thu gom rác thải đô thị (rác thải sinh hoạt từ các hộ dân), từ các trung tâm thương mại, công sở, trường học, công trình công cộng… Máy hoạt động dựa trên nguyên lý tạo lực hút li tâm để đưa nước và rác vào trong khoang chứa nhờ vào hệ thống xoắn ốc. Theo nguyên lý này rác sẽ được giữ lại ở khoang chứa còn nước sẽ được đẩy ra sau máy – nơi có thùng chứa rác. Khi thùng đầy rác, người điều khiển chỉ việc bấm nút để máy vào bờ, lấy thùng rác ra. Số lượng rác gom được sau mỗi lần khoảng 20-30kg. Quang cho biết: “Hiện tại máy được thiết kế chạy bằng ắc quy với tốc độ 15km/giờ. Em dự định sẽ gắn bộ thu nạp năng lượng mặt trời để tạo năng lượng cho máy chạy thay vì dùng ắc quy; gắn thêm bộ cảm biến tự động để máy tự đi gom rác, khi đầy thì tự vào bờ đổ rác và hai cánh tay phá rác, để những rác cồng kềnh không thể gom vào thùng thì máy sẽ đánh cho rác tan nhỏ trước khi gom vào thùng”.
Bên cạnh tính năng gom rác thải, máy còn có thể làm chức năng cứu hộ khi có người bị đuối nước. Trong thực tế, việc cứu hộ người bị nạn ở những vùng nước sâu, nước xoáy thường rất nguy hiểm. Do đó, mọi người có thể điều khiển “Máy dọn rác thải trên mặt nước” ra khu vực đó để người bị nạn bám vào và ngồi lên trên thân máy. Máy sẽ di chuyển đưa người đó vào bờ an toàn. Khi dùng để cứu hộ, máy có thể cho phép một đến hai người ngồi lên mà không bị mất cân bằng.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Em đang ấp ủ ý tưởng sáng chế nồi cơm điện chạy bằng năng lượng mặt trời dùng cho các chú bộ đội. Nếu thành công thì nồi cơm điện này sẽ tiện dụng cho các chú bộ đội trong những lúc đóng quân ở rừng sâu, trên biển… những nơi không thể kéo được điện lưới mà vẫn có thể nấu cơm ăn”, Quang chia sẻ |
Bình luận (0)