Gọn, nhỏ như máy tính xách tay, tích hợp 5 chức năng giúp người khiếm thị tiếp cận với việc học tập, giải trí dễ dàng mà không cần sự hỗ trợ của người khác – đó là sản phẩm do nhóm sinh viên khoa điện Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng sáng chế (gồm Ngô Thị Thanh Xuân, Trần Thị Thanh Hương, Hà Thị Huệ, Nguyễn Duy Hùng, Nguyễn Huy Dũng).
Nhóm sinh viên giới thiệu máy máy hỗ trợ học tập cho người khiếm thị |
Sản phẩm trên vừa xuất sắc đoạt giải nhất Cuộc thi WEPICS – Phụ nữ với các dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng, do Fablab Đà Nẵng phối hợp với ĐH Bang Arizona, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và Evergreen Labs tổ chức.
Nói về sản phẩm “5 trong 1”, trưởng nhóm Nguyễn Duy Hùng chia sẻ: “Người khiếm thị rất thiệt thòi, dù bây giờ đã được hỗ trợ nhiều bằng các thiết bị học chữ nhưng không phải vì thế mà họ không gặp khó khăn. Em được biết hệ thống chữ nổi chỉ giúp cho người khiếm thị tiếp nhận văn bản, tuy nhiên để có thể đọc sách, viết chữ được thì họ phải tập làm quen và nhớ tất cả các điểm nổi/chìm ứng với từng ký tự. Đó là điều khó khăn đối với họ khi bắt đầu học chữ, lúc đó họ phụ thuộc vào người khác như giáo viên dạy mình chẳng hạn. Và một điểm khó khăn của họ nữa là việc thực hiện các phép tính có nhiều chữ số dựa trên chữ nổi. Trăn trở trước điều đó, nhóm chúng em nảy ra ý tưởng làm-một-điều-gì đó giúp họ. Vì thế, đầu năm 2017, nhóm đã gặp gỡ và bàn bạc đưa ra ý tưởng sáng chế ra cái máy này”.
Duy Hùng cho biết thêm, hơn nửa năm nhóm phải làm đi làm lại mô hình máy sao cho phù hợp với người khiếm thị. Mỗi lần đi khảo sát, thử nghiệm tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu về là nhóm lại chỉnh sửa hoàn thiện các chi tiết máy cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người sử dụng. “Khó khăn nhiều lắm, nhất là khi nhóm chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa kể đến việc phân bố thời gian học tập. Những lúc như vậy, chúng em lại nghĩ về sự thiệt thòi của người khiếm thị, nhất là các em nhỏ đang vất vả trong việc học ở trường chuyên biệt để có động lực vượt qua”, Thanh Xuân nói.
Sau hơn nửa năm tìm tòi, chỉnh sửa, nhóm đã cho ra đời sản phẩm tích hợp 5 tính năng cơ bản giúp người khiếm thị, đặc biệt là các em học sinh có thể chủ động hơn trong việc tự học chữ nổi mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào sự giúp đỡ của người khác. Duy Hùng cho biết: “Chỉ cần với cái máy nhỏ này, người khiếm thị có thể tập cảm nhận chữ cái mà mình muốn hoặc đã bị quên. Theo đó, chỉ cần đọc chữ cái đó ở micro, hệ thống sẽ nhận dạng giọng nói và tự động kích các ký tự nổi trên mặt thiết bị, người khiếm thị chỉ cần sờ vào chữ để ghi nhớ. Một tính năng khác là nhắc chữ và tập cảm nhận chữ. Với tính năng này, bảng viết điện tử thiết kế bởi hệ thống các tiếp điểm được nối với nhau dưới các lỗ của bảng viết. Khi bút đâm xuống thì các tiếp điểm ở mặt lỗ sẽ đổi trạng thái, tín hiệu truyền về bộ điều khiển và phát ra âm thanh ứng với chữ cái đó, giúp người khiếm thị có thể kiểm soát được lỗi chính tả và gợi nhớ chữ cái cho những lần viết sau. Còn với chức năng tính toán thì người khiếm thị chỉ cần sờ vào cảm nhận con số mình cần tính. Lúc nhấn xuống âm thanh con số sẽ phát ra và thao tác tương tự cho các số khác. Cuối cùng nhấn ký tự dấu bằng thì kết quả sẽ được đọc ra bằng âm thanh”.
Cùng với việc hỗ trợ trong học tập, người khiếm thị còn có thể sử dụng chiếc máy để xem đồng hồ chỉ bằng một thao tác xoay nút chuyển chế độ. Và cũng bằng cách này, họ có thể nghe nhạc, hoặc học chữ cái tiếng Anh qua bài hát đã cài sẵn trong thẻ nhớ… |
Cùng với việc hỗ trợ trong học tập, người khiếm thị còn có thể sử dụng chiếc máy này để xem đồng hồ chỉ bằng một thao tác xoay nút chuyển chế độ. Và cũng bằng cách này, họ hoàn toàn có thể giải trí như nghe nhạc, hoặc học chữ cái tiếng Anh qua bài hát đã cài sẵn trong thẻ nhớ của máy. Các thành viên trong nhóm cho biết, chi phí của máy khoảng 1,5 triệu đồng, trọng lượng tầm 2 kg – tương đương một máy tính xách tay – nên người khiếm thị có thể mang bên mình trong quá trình di chuyển.
Bài, ảnh: Hàn Giang
Bình luận (0)