Nguồn tài liệu sách, báo chữ Braille dành cho người khiếm thị khan hiếm do máy in ít, giá thành cao khiến đối tượng này vốn gặp khó khăn trong học tập lại càng khó khăn hơn. Lí do này khiến nhóm sinh viên năm cuối Khoa Cơ điện tử Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (Hồ Hoàng Huy, Nguyễn Văn Bắc và Đỗ Minh Tuyển) bắt tay vào chế tạo máy in chữ nổi Braille.
Ba thành viên trong nhóm nhận bằng khen của UBND TP.HCM |
Sản phẩm của nhóm vừa đạt huy chương vàng tại cuộc thi Sáng tạo trẻ do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
Người khiếm thị không lo thiếu sách
Đặc điểm của chữ nổi Braille, đó là một kí tự được mã hóa thành các chấm, xếp thành các dạng ma trận đủ thể hiện chữ cái, con số, thậm chí viết cả nốt nhạc, ký hiệu toán học. Quá trình in cơ bản như sau: Văn bản kí tự thông thường đã được mã hóa trên máy tính, sau đó chuyển sang bản kí tự mã Braille mới in (quá trình chuyển đổi văn bản được thực hiện thông qua phần mềm).
Đối với mô hình máy in chữ nổi Braille, nhóm đã sử dụng phần mềm chuyển đổi kí tự, phần mềm điều khiển và cơ cấu chấp hành do các thành viên tự viết, phát triển. Theo đó, văn bản đang ở dạng bình thường được đưa vào phần mềm chuyển đổi sang kí tự Braille tương ứng. Sau khi được mã hóa, nạp vào bộ nhớ, hệ thống điều khiển sử dụng các thông tin văn bản được mã hóa cơ cấu chấp hành in văn bản kí tự Braille.
“Thời gian in một trang A4 kí tự Braille mất khoảng 10 phút. Độ nổi rõ, đảm bảo khả năng sờ, cảm nhận của người khiếm thị một cách dễ dàng, chính xác. Máy hoạt động thông qua chế độ nhấn nút bằng tay hoặc điều khiển thông qua giao diện và có khả năng in tất cả các kí tự chữ alphabet, kí tự chữ có dấu Việt ngữ, các con số tự nhiên, dấu toán học và các kí tự đặc biệt như: , . ; / * : ? ! …”, Nguyễn Văn Bắc cho biết.
Ở Việt Nam hiện chưa có cơ quan, doanh nghiệp nào nghiên cứu, chế tạo sản xuất máy in chữ Braille tiếng Việt. Do đó, các trường học, trung tâm… phải mua sản phẩm của nước ngoài với giá 40-100 triệu đồng. Do giá đắt nên số lượng máy không nhiều khiến cho chi phí in một bộ sách cao (dao động từ 10-20 triệu đồng); hầu như không học sinh khiếm thị nào được sở hữu riêng một bộ sách dẫn đến việc học gặp không ít khó khăn hay ít có cơ hội học tiếp lên cao.
Mô hình máy in chữ nổi Braille của nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có quy mô nhỏ, giá thành thấp được đánh giá phù hợp trong việc giải quyết khó khăn hiện nay. Ngoài in sách, máy còn có thể in các văn bản, tài liệu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.
Máy in chữ nổi Braille đã hoàn thành Ở Việt Nam hiện chưa có cơ quan, doanh nghiệp nào nghiên cứu, chế tạo sản xuất máy in chữ Braille tiếng Việt. Do đó, các trường học, trung tâm… phải mua sản phẩm của nước ngoài với giá từ 40-100 triệu đồng. |
Hồ Hoàng Huy cho biết: “Tâm nguyện và mục đích lớn nhất của nhóm khi thực hiện đề tài là sẽ thiết kế được một máy in chữ nổi Braille nhằm giúp đỡ cho người khiếm thị Việt Nam. May mắn là máy ra đời đã cho kết quả tốt, đáp ứng mục tiêu mà nhóm đặt ra ban đầu khi bắt tay thực hiện”.
Mất… hai ngày viết chương trình
Kiến thức mà nhóm vận dụng vào chế tạo mô hình máy in chữ nổi Braille là thiết kế cơ khí, điện tử và lập trình. Nhưng trước đó nhóm phải đi tìm hiểu thực tế về chữ nổi Braille, các phương pháp viết và quy trình in văn bản chữ nổi rồi từ đó đưa ra yêu cầu thiết kế. Dựa vào đó, nhóm đã dùng phần mềm mô phỏng và đưa ra nhiều phương án lựa chọn, chế tạo hệ thống.
“Phải thực sự rành rọt về đặc điểm, quy trình in chữ nổi thì mới có thể bắt tay vào thực hiện. Hơn nữa, đây là loại chữ chúng em mới chỉ quan tâm khi phát hiện ra thực trạng in và những khó khăn mà người khiếm thị đang gặp phải”, Hồ Hoàng Huy cho biết. Bạn chia sẻ thêm, thời gian nhóm xây dựng thuật toán chương trình chuyển đổi kí tự thông thường sang kí tự Braille cùng chương trình điều khiển theo thiết bị của máy mất… hai ngày.
Trong quá trình thực hiện, nhóm gặp không ít khó khăn về kinh phí, thiếu thốn về trang thiết bị và đặc biệt là gặp khó khăn trong quá trình xây dựng phần mềm chuyển đổi kí tự Braille. Những lúc đó, nhóm ngồi lại đưa ra ý kiến, giải pháp của từng cá nhân để giải quyết vấn đề. Khi bế tắc, nhóm đã mạnh dạn xin ý kiến các giảng viên và tìm hiểu tài liệu từ sách, internet.
Mặc dù bước đầu thành công trong việc chế tạo máy nhưng các thành viên trong nhóm cho rằng, đây thực sự chỉ là bước đầu. Theo đó, nhóm sẽ tiếp tục thiết kế, tối ưu phần cơ khí (khung máy, cách gá), tăng thêm độ cứng vững, ổn định, chính xác và dễ dàng trong việc tháo lắp, sửa chữa, thay thế thiết bị. Ngoài ra nhóm sẽ thay thế sử dụng loại solenoid khác có kích thước nhỏ gọn hơn giúp giảm kích thước máy, tăng tốc độ in; thiết kế thêm khay chứa giấy, phát triển phần mềm để có thể chuyển đổi dữ liệu hình ảnh in được các hình ảnh nổi trên giấy.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Bình luận (0)