Không ít người bị sốc nặng khi nghe những câu chuyện nhuốm mùi bạo lực, câu từ rẻ rúng “hại não” từ máy kể chuyện dành cho trẻ em.
“Mèo máy kể chuyện” – dễ dàng mua tại một cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Tháp Mười (Q.6, TP.HCM) |
Máy được thiết kế như điện thoại di động, hoặc “ăn theo” các nhân vật hoạt hình ăn khách như Doraemon, Minion, Oggy, vịt Donal… Điều lo ngại là nội dung được ghi âm, đưa vào máy này không một cơ quan nào kiểm duyệt trước khi sản phẩm lưu hành ra thị trường.
Thế giới rùng rợn, bạo lực
Được quảng cáo là đồ chơi thông minh nhưng thực chất chỉ là những món đồ chơi hại não nhưng được người bán thổi phồng với những câu đại loại như: “Sản phẩm khai phá óc sáng tạo, kích thích tư duy tìm tòi, ham học hỏi” hay: “Sản phẩm không thể thiếu trong kho tàng kiến thức dành cho con của bạn”.
Mua máy kể chuyện cho trẻ (ảnh chụp tại cửa hàng gần chợ Bình Tây sáng 20-12) Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại máy kể chuyện này có xuất xứ từ Trung Quốc, bán giá sỉ tại cửa hàng chỉ từ 20.000-30.000 đồng/ máy. Để bán được hàng với giá cao, người bán đã tháo bao bì, đặt lên kệ và quảng cáo là hàng Đài Loan, Hàn Quốc. Như món đồ chơi hình chú mèo máy Doraemon được người bán quảng cáo “là hàng của Hàn Quốc, bán 80.000 đồng là giá hữu nghị để gọi là làm quen”. |
Đến nhà người quen chơi thấy bạn có máy kể chuyện hình chú vịt Donal, về nhà cậu con trai 4 tuổi của anh Nguyễn Thanh Toàn (P.Tân Hưng, Q.1, TP.HCM) đòi cha mua cho bằng được. Nghĩ đó là đồ chơi của nước ngoài hiện đại lắm nhưng khi ra cửa hàng đồ chơi trẻ em gần nhà, anh mới vỡ lẽ đó là một món đồ chơi bình thường, chỉ khác là có kể chuyện. Anh yên tâm với lời mào đầu từ máy, qua giọng nói nhẹ nhàng: “Chào các bé. Chị Khoai sẽ kể cho các bé nghe câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ, chịu hông nào?”. Không thắc mắc gì, trả 90.000 đồng, anh Toàn mang về một chú vịt kể chuyện. Tuy nhiên, đến tối, cả nhà anh đều ngơ ngác khi những chuyện tiếu lâm “mặn” đầy rẫy trên mạng, trên bàn nhậu… phát ra từ chiếc máy này. Không dừng lại ở đó, hơn 20 phút “khám phá”, anh Toàn mới tá hỏa vì nhiều chuyện nghe rợn gáy với ngôn từ giết chóc, hãm hiếp, xé thịt, hút máu…
Cũng như một số món đồ chơi khác, máy kể chuyện không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tại cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Vạn Kiếp (P.3, Q.Bình Thạnh), người bán cho biết hàng lấy từ đại lý ở Chợ Lớn, đều là hàng nhập. Tuy nhiên, khi chúng tôi muốn được xem bao bì để chứng minh xuất xứ, đơn vị nhập… thì người bán ậm ờ, cố tình chuyển sang chuyện khác. Không riêng gì chúng tôi, khách hàng khác khi muốn được nghe thử trước khi mua thì người bán ra vẻ khó chịu: “Không mua thì thôi, đồ chơi vài chục ngàn đồng chứ có phải hàng hóa gì đắt tiền đâu mà thử”.
Nhiều loại đồ chơi tương tự nhưng có nơi gọi là máy kể chuyện. Theo đó, với hình dáng con mèo thì được gọi là mèo kể chuyện; hình con thỏ thì gọi là thỏ kể chuyện. Ngoài ra, còn có thể tìm thấy loại đồ chơi này với hình dạng là chiếc giày, máy tính bỏ túi, cuốn sổ tay tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Lê Tấn Kế, Tháp Mười, Hậu Giang… (Q.6). Với 25.000 đồng trở lên có thể sở hữu một chiếc máy kể chuyện loại nhỏ, sử dụng pin mà trẻ con rất ưa. Trên mỗi máy có các phím chức năng, ngoài kể chuyện, có thể bấm tùy chỉnh để nghe nhạc, nghe tiếng động vật các loại, âm thanh nhạc cụ…
Điều khiến các bậc phụ huynh lo ngại là nội dung của các câu chuyện kể không được cơ quan chức năng kiểm duyệt. Thật không thể tin nổi, một sản phẩm dành cho trẻ mà có nội dung bẩn phát ra từ chiếc máy kể chuyện được cho là “sản phẩm của trí tuệ” với giá 80.000 đồng. Mở đầu câu chuyện đã bị “nhồi sọ” âm mưu hãm hại, giết chóc, những kế hoạch đen tối… mà nhà sản xuất cố tình đưa vào. Không khỏi “đứng hình” khi nghe chuyện cổ tích Thạch Sanh Lý Thông được ghi âm sẵn, có đoạn: “Thạch Sanh vung dao chém hàng chục nhát vào chằn tinh, nó giãy giụa cố thoát khỏi lưỡi dao sắc bén của Thạch Sanh, máu bắn tung tóe. Chưa hả giận, Thạch Sanh còn lấy dao mổ bụng chằn tinh, ruột lòi ra ngoài…”.
Trẻ khó kiểm soát hành vi tiêu cực Theo ThS. tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân (Hội quán Các bà mẹ) thì: “Máy kể chuyện với kiểu dáng đa dạng, hiện đại, nhiều màu sắc, “ăn theo” hình dạng những nhân vật hoạt hình mà trẻ em yêu thích nên dễ dàng bị cuốn hút bởi những âm thanh, bởi nội dung câu chuyện phát ra từ máy. Trẻ sẽ học hỏi và bắt chước rất nhanh, thích thú lặp theo lời nói, câu chữ mà không ý thức được đó là những câu chuyện phản cảm, thô tục và dần dần hình thành thói quen trong cách sử dụng từ ngữ của trẻ. Không chỉ vậy, những ngôn từ, nội dung mang tính kích động sẽ khiến trẻ bị ám ảnh, gây cho các em sự căng thẳng, bất an, sợ hãi hoặc khiến các em bị kích thích, bị lôi cuốn, khó kiểm soát bản thân dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, hành vi bạo lực, hành vi hủy hoại bản thân… Phụ huynh cần phải có sự chọn lọc rất kỹ càng khi quyết định mua đồ chơi cho trẻ. Trước tiên đó phải là đồ chơi an toàn, không độc hại, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Những đồ chơi được ưu tiên lựa chọn đó sẽ là những đồ chơi giúp trẻ phát triển lành mạnh, đồ chơi mang tính giáo dục, kích thích sự sáng tạo, phù hợp với từng độ tuổi… Bố mẹ không nên vì chiều theo đòi hỏi của con mà đáp ứng bất cứ loại đồ chơi nào con thích, không nên vì nghe theo quảng cáo mà thiếu đi sự cân nhắc khi mua đồ chơi cho trẻ. Thay vì mua máy kể chuyện thì phụ huynh sẽ là người đọc truyện cho con nghe mỗi ngày. Không thiết bị máy móc nào có thể thay thế được con người, đặc biệt là những người ruột thịt thân yêu của trẻ. Khi kể cho con nghe những câu chuyện đầy tính nhân văn và mang tính giáo dục bằng giọng kể ấm áp, truyền cảm, bằng cử chỉ âu yếm, bằng ánh mắt yêu thương, những câu chuyện này sẽ dễ dàng đi vào lòng trẻ thơ, giúp cho con phát triển trí não, bồi dưỡng lòng nhân ái, khơi gợi niềm đam mê đọc sách cho con…”. |
Càng cao cấp, chuyện càng “bẩn”
Người bán còn nhiệt tình giới thiệu loại máy kể chuyện cao cấp có giá từ 300.000 đồng trở lên. Sở dĩ có giá cao là vì nội dung ghi âm có cả những mẩu thoại của các nhân vật truyện tranh Nhật Bản như Doraemon, Nobita, Xuka… của tác giả Fujiko Fujio. Máy kể chuyện cao cấp thì độ “mặn” hoặc “bẩn” càng nặng. Thật kinh khủng với đoạn thoại giữa mẹ Nobita và cậu ấy: “Nobita à, con làm cái gì cũng khiến mẹ điên tiết lên máu. Con là người chứ đâu phải… súc vật mà mẹ nói nhiều lần con không nghe”. Hay như lời đối đáp của Nobita và Doraemon nghe không khỏi giật mình: “Cậu làm như cứt ấy, chẳng ra trò trống gì cả”. Nobita chẳng vừa, đốp lại: “Cậu như cứt thì có. Tớ cũng đang cố gắng đây”.
Những món đồ chơi thông minh, hay máy kể chuyện cao cấp theo cách gọi của người bán đã đưa chúng tôi từ sững sờ đến bàng hoàng. Nhiều chuyện thần thoại, cổ tích nổi tiếng trong và ngoài nước mà hầu như đứa trẻ nào cũng biết đến đã bị biến tấu, thay đổi cốt truyện với ngôn ngữ thời thượng, nghe không lọt tai mà chúng tôi không tiện nêu ra. Bên cạnh chuyện kể, còn có những bài thơ, mẩu chuyện mang dáng dấp của tuổi học trò được sao chép, thêm mắm muối, thậm chí sặc mùi bạo lực, đen tối. Hay những câu chuyện ma rùng rợn đồn thổi, thêu dệt được ghi âm sẵn. Tệ hại hơn, máy kể chuyện còn có những đoạn ghi âm về lời tỏ tình ướt át, lời cầu hôn lãng nhách, những bài ráp… chửi, lăng mạ nhau thậm tệ của giới trẻ.
Nguy hiểm hơn, các nhân vật, câu chuyện có thật trong lịch sử cũng bị xuyên tạc, bóp méo và gán vào những sự kiện, đoạn thoại nhuốm mùi giang hồ nghe qua không khỏi giật mình. Ngoài ra còn có những câu chuyện không đầu không đuôi, chẳng có ý nghĩa giáo dục gì như người bán quảng cáo.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)