Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Máy khắc đa năng “made in” sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Không tốn nhiều công sức của người sử dụng, máy khắc laser đa năng của Nguyễn Lê Anh Hạ (sinh viên Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn) có thể khắc, vẽ, thậm chí tạo mẫu lên nhiều vật dụng khác nhau thông qua kết nối bluetooth.

Nguyễn Lê Anh Hạ đang biểu diễn máy khắc laser đa năng cho mọi người xem

Theo đó, máy khắc laser đa năng này truyền động bằng đai răng và bánh xe. Hệ trục hoạt động của máy được bố trí theo hệ tọa độ Descartes gồm 3 trục chính X, Y, Z. Trong đó, trục Y hoạt động trên suốt chiều dài khung đồng thời nâng đỡ trục X và Z, còn module laser được cố định trên trục X. Trong khi đó trục Z có chức năng nâng hạ viết.

Anh Hạ cho biết, trong lúc vận hành bluetooth kết nối không dây với máy tính, phần mềm xử lý ảnh sẽ chuyển đối tượng hình ảnh, chữ… thành hệ các tọa độ vector. Hệ này tiếp tục chuyển thành Gcode và được truyền liên tục vào vi xử lý thông qua phần mềm máy tính. Cuối cùng vi xử lý đọc các chuỗi tọa độ từ Gcode, chuyển thành tín hiệu điện điều khiển góc quay động cơ, tắt mở module laser.

Mô hình máy khắc

Anh Hạ cho biết thêm, do tính chính xác nên máy có thể tạo khuôn mẫu chữ, hình ảnh trên gỗ, nhựa… đơn giản hóa, giảm chi phí cho việc thiết kế và gia công. Hoặc máy có thể cắt, khắc lên nhiều vật liệu, vật dụng như ví da, ốp lưng điện thoại, thẻ nhựa, giấy, trái cây tròn… bằng tia laser đốt nóng. Đặc biệt, máy còn tạo khuôn, hình ảnh nổi cho các loại thiệp mời, vẽ hình ảnh, mô phỏng chữ viết tay bằng viết với độ chính xác cao. “Chính tính đa năng, nhiều chế độ hoạt động trên cùng một khung của máy là điểm nổi bật so với việc cắt laser thông thường. Đặc biệt, giá bán máy khắc laser đa năng dao động từ 3 đến 5 triệu đồng, tùy vào kích thước khung, công suất laser và số chức năng”, Anh Hạ nói.

Hình ảnh con gà được khắc lên ví da

Trong quá trình thiết kế máy, Anh Hạ gặp không ít khó khăn, mất nhiều thời gian khi phải tìm kiếm, lựa chọn linh kiện. Quá trình thiết kế cơ khí để vận hành nhiều chức năng cùng lúc cũng gặp không ít trục trặc. Chưa kể, việc tinh chỉnh các thông số máy để tối ưu độ chính xác, tăng tốc độ làm việc gặp nhiều trở ngại do có nhiều kiến thức mới lạ. Tuy nhiên, dưới sự động viên của thầy chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo của trường, cũng như sự ủng hộ kinh phí từ Khoa Điện – Điện tử và sự hỗ trợ từ một sinh viên khác, Anh Hạ đã quyết tâm thực hiện. Mặt khác, trước đây Anh Hạ đã từng nghiên cứu, làm một máy khắc mô hình nhỏ với chức năng vẽ tranh từ ổ đĩa CD cũ của máy tính qua một tài liệu trên mạng cũng là động lực để em tiếp tục thực hiện. Và sau 4 tháng nghiên cứu tìm tòi, sản phẩm cũng hoàn thành.

Với chiếc máy khắc laser đa năng, người sử dụng có thể khắc, vẽ, thiết kế tùy ý các mẫu chữ, hình ảnh… lên bất cứ vật dụng nào. Chính những tính năng này đã giúp sản phẩm đạt giải vàng trong Cuộc thi thiết kế, chế tạo ứng dụng do Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.

Trinh Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)