Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Máy lọc nước “độc nhất vô nhị” từ…con hàu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhiều năm qua, cảng New York rơi vào tình trạng bị ô nhiễm và cạn kiệt sinh vật biển. Người dân New York đã phải bắt tay vào việc lọc nước, làm sạch và phục hồi hệ sinh thái biển ở đây. Và “công nghệ” lọc của họ chính là… những con hàu.
Với mục tiêu khôi phục các rạn san hô ở vùng biển của thành phố New York (Mỹ), từ năm 2014, dự án lọc nước“Billion Oyster” (Một tỷ con hàu) nhằm tận dụng khả năng lọc nước tự nhiên của loài hàu bắt đầu đưa vào triển khai.
Bảo vệ môi trường biển
Dự án thu thập vỏ hàu từ hơn 70 nhà hàng tại New York và sau đó đưa chúng đến đảo Governors – 1 hòn đảo nhỏ nằm ở phía Đông của tượng Nữ thần tự do.
Người ta làm sạch vỏ hàu bằng cách phơi chúng ngoài trời tối thiểu 1 năm. Vỏ hàu sạch được chuyển đến trường New York Harbor – trường trung học chuyên về hàng hải trên đảo Governors. Tại đây, các học sinh của trường sẽ lấy mẫu hàu để kiểm tra kích cỡ và tình trạng sức khỏe. Các chỉ số về mức độ an toàn của nguồn nước cũng được phân tích để đánh giá những thay đổi tích cực do các rặng hàu đem lại.
Học sinh trường New York Harbor đang đo mẫu rạn san hô nhân tạo trên vỏ hàu tái chế.
Học sinh trường New York Harbor đang đo mẫu rạn san hô nhân tạo trên vỏ hàu tái chế.
Hàu con sẽ được nuôi trong phòng thí nghiệm đến khi đạt kích cỡ phù hợp, sau đó sẽ được gắn vào những chiếc vỏ có sẵn, trước khi cấy vào lớp đê sinh học. Nhờ phương pháp độc đáo này, dự án “Một tỷ con hàu” đã khôi phục được khoảng 12 rặng hàu ngoài bờ biển New York, tạo thành con đê dài 3,2km.
Theo các nhà khoa học, mỗi con hàu trưởng thành có thể làm sạch hơn 227 lít nước mỗi ngày. Không chỉ vậy, những con hàu được xếp cạnh nhau sẽ tạo thành các “rặng hàu”, cung cấp môi trường sống cho các sinh vật biển khác như cua, tôm, cá… và giúp bờ biển New York chống lại thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài việc giúp tạo ra môi trường sống lý tưởng cho tôm, cua, cá, đê sinh học làm từ hàu còn giúp chắn sóng và bảo vệ bờ biển, đồng thời làm giảm nguy cơ của sóng lớn đến đời sống con người.
Trưởng nhóm phụ trách dự án Pete Malinowski khẳng định: “Nếu có các rạn san hô do loài hàu tạo nên, toàn bộ hệ sinh thái bờ biển chắc chắn được khôi phục. Các rặng hàu đóng góp quan trọng trong kế hoạch tích hợp, vừa làm sạch nước, vừa giúp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Từ khi đi vào triển khai, dự án “Một tỷ con hàu” đã khôi phục khoảng 30 triệu con hàu cho vùng biển tại thành phố New York. Mặc dù đây mới chỉ là bước đầu trong quá trình khôi phục hệ sinh thái đa dạng từng phát triển mạnh tại thành phố này song Trưởng nhóm Pete Malinowski cho biết, dự án đã thu được những kết quả tích cực trong năm 2018 khi số lượng hàu hoang dã bám vào các rặng hàu nhân tạo ngày càng tăng.
Dư luận quan tâm
Nhờ tính khả thi cao, dự án “Billion Oyster” đã thu hút được rất nhiều người tham gia, đặc biệt là các sinh viên trẻ. Nhóm hợp tác với hơn 75 trường công lập trong 5 quận của thành phố New York. Các học sinh đã được tham gia nhiều chuyến đi thực địa đến những địa điểm có rạn san hô hoặc trạm nghiên cứu để tìm hiểu cách đo chất lượng nước và theo dõi sự tăng trưởng của hàu.
Nhóm cũng thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức và các cá nhân ở New York. Ngoài nguồn tài trợ chính từ Chính phủ Mỹ, mới đây, nhóm đã tiếp tục được Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ gia hạn hỗ trợ và cung cấp khoản tài trợ trị giá 4,5 triệu USD trong hai năm tới. Sau khi hoàn thành mục tiêu dọn dẹp cảng ở New York, dự án sẽ được thực hiện ở những bang khác ở Mỹ như Virginia và Maryland.
Hướng tới mở rộng phạm vi hợp tác, vừa qua, dự án “Billion Oyster” cũng đã “bắt tay” với một nhóm nghiên cứu khác có tên “Living Breakwaters” (Đê chắn sóng tự nhiên) để tạo ra rạn san hô nhân tạo dài hơn 3km dọc bờ biển của đảo Staten, phía Tây Nam thành phố New York. Trong tương lai, hàng tỷ con hàu có thể bám vào đê nhân tạo này và tạo nên các rạn san hô tự nhiên với quy mô rộng và tốc độ nhanh hơn.
Trưởng nhóm phụ trách dự án Pete Malinowski kỳ vọng, dự án này sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho người dân thành phố, đặc biệt là các học sinh tham gia thiết thực hơn vào những vấn đề môi trường và sinh thái. “Người dân sẽ ngày càng nhận thức rõ hơn rằng lý do cảng New York bị ô nhiễm là vì chất thải của con người, bao gồm rác và nhựa. Ngoài ra, nhiều người cũng bắt đầu hiểu vai trò quan trọng của hàu trong việc làm sạch đại dương”, anh Malinowski nói.
Giới khoa học nhận định, để đạt mục tiêu nhân giống một tỷ con hàu và phục hồi hoàn toàn môi trường biển vào năm 2050 sẽ còn cả một chặng đường dài phía trước nhưng nếu thực hiện được, nước Mỹ chắc chắn sẽ đạt được những lợi ích to lớn về môi trường.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)