Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Máy phát hiện gian lận thi cử

Tạp Chí Giáo Dục

Giảng viên Tôn Thất Trường Nam

Dù mới ở phiên bản thử nghiệm nhưng thiết bị phát hiện gian lận trong thi cử bằng công nghệ cao do giảng viên Tôn Thất Trường Nam (Khoa tự nhiên – công nghệ, Trường ĐH Tây Nguyên) chế tạo đã “bắt” được hàng chục sinh viên gian lận chỉ trong một buổi thi giữa kỳ 1 tại trường vừa qua. Đây là một trong 53 đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở và trọng điểm vừa được Trường ĐH Tây Nguyên quyết định đồng ý xét duyệt nhằm phát động, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong cán bộ viên chức, giảng viên, sinh viên. Đề tài này anh Nam phối hợp với phòng Thanh tra – Pháp chế của trường thực hiện. TS. Cao Văn Hồng (Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Trường ĐH Tây Nguyên) cho biết qua những đợt thi trước đây, trường phát hiện nhiều hiện tượng sinh viên dùng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử, chẳng hạn như gọi điện thoại ra ngoài. Từ thực tiễn đó, trường giao thực hiện đề tài trọng điểm nói trên, mục đích đầu tiên là ngăn ngừa tình trạng sinh viên gian lận trong thi cử. Hai phiên bản đầu tiên được anh Nam chế tạo vừa được triển khai cách đây hơn 1 tháng. “Trước kỳ thi, trường có thông báo về việc ứng dụng thiết bị này nhưng nhiều sinh viên vẫn… không tin máy có khả năng phát hiện gian lận được. Nhưng chỉ sau buổi thi đầu tiên của kỳ thi giữa kỳ 1 vừa qua, nhờ máy này, thanh tra trường phát hiện tới 50 trường hợp sinh viên dùng thiết bị công nghệ cao, chủ yếu là điện thoại và tai nghe siêu nhỏ. Từ sau buổi đó, các sinh viên nghiêm túc thi hơn, hạn chế hẳn số trường hợp dùng thiết bị công nghệ cao phục vụ mục đích gian lận”, anh Nam chia sẻ.

Thiết bị phát hiện gian lận trong thi cử bằng công nghệ cao phiên bản đầu tiên

Theo anh Nam, đây là thiết bị cầm tay, có cấu trúc nhỏ gọn, nặng 0,5 ký, sử dụng bằng pin, có khả năng phát hiện các thiết bị truyền tin bằng sóng vô tuyến như tai phone, điện thoại… trong phạm vi 10 mét. Máy dò được các loại tai nghe siêu nhỏ, tai nghe không dây, giúp các thầy cô ở phòng khảo thí của trường phát hiện những trường hợp tiêu cực trong thi cử. “Thông qua máy, các thầy cô thanh tra từ bên ngoài phòng thi có thể phát hiện, định vị chính xác thiết bị truyền tin mà sinh viên đang sử dụng nhờ bước dò sóng với nút chỉnh xa – gần; ăng-ten có chức năng xoay về hướng có tín hiệu; có các mức cường độ tín hiệu khác nhau…”, anh Nam thông tin thêm. Tuy nhiên, theo anh Nam, đây cũng mới chỉ là bản thử nghiệm ban đầu, chưa hoàn thiện nên sắp tới còn nghiên cứu cải tiến nhiều. Ở phiên bản này, thiết bị còn bị hạn chế, khó hoạt động trong điều kiện môi trường nhiễu sóng, do sóng di động có rất nhiều tầng.

Anh Nam cho biết, dự kiến tháng 4-2018 sẽ hoàn thành dự án nghiên cứu. Thiết bị chủ yếu hướng đến việc hạn chế sinh viên gian lận trong thi cử, để các em chú tâm học tập tốt hơn. Do chưa xác định được đầy đủ hiệu quả của dự án nên anh chưa tìm đầu ra rộng hơn cho sản phẩm.

TS. Hồng cũng nhìn nhận, đề tài có tính khả thi cao, dù chưa tính chuyện triển khai rộng rãi nhưng qua trao đổi, nhiều trường ĐH khác cũng tỏ ra hào hứng.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)