Sau khi đoạt giải 3 cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng, sản phẩm “Máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh” của một nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện tiếp tục lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp “Bach Khoa Innovation 2021”, và đang tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp khác.
Nhóm sinh viên chế tạo “Máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh” nhận giải 3 cuộc thi “Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng”
Dự án do nhóm 5 sinh viên thuộc Câu lạc bộ Khởi nghiệp Xanh Bách Khoa – BKGI thực hiện, gồm: Lê Huỳnh Đức (Khoa Cơ khí), Trần Ngọc Phụng và Ngô Hoàng Bảo Trân (Khoa Kỹ thuật hóa học), Phan Quốc Trung (Khoa Môi trường và Tài nguyên) và Phạm Thị Khánh Vân (Khoa Kỹ thuật xây dựng). TS. Võ Thanh Hằng (giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Xanh Bách Khoa – BKGI) và TS. Phan Thị Mai Hà (giảng viên Bộ môn Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Khoa Cơ khí) đồng hướng dẫn.
Tăng năng suất, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí
Trong nhóm thực hiện dự án, gia đình Phan Quốc Trung từng kinh doanh mực một nắng với phương pháp sấy thủ công là phơi nắng. Thực tiễn việc kinh doanh này cho thấy phương pháp phơi nắng thường gặp 3 vấn đề, đó là: Không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm từng mẻ không đồng đều (do phụ thuộc nhiều vào thời tiết) và tốn kém nhân công thực hiện. Từ đó chất lượng sản phẩm không đảm bảo (nhất là vào những ngày ít nắng), cùng với chi phí nhân công cao, lợi nhuận thấp; do đó, hiện nay gia đình Trung đã dừng việc kinh doanh này. Trăn trở từ câu chuyện kinh doanh nói trên, Trung cùng các bạn lên ý tưởng sáng tạo ra một máy sấy thông minh nhằm khắc phục những nhược điểm đó. Và ý tưởng “Máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh” đã ra đời. Theo đó, máy sẽ giải quyết các vấn đề của sấy tự nhiên bằng phơi nắng, tránh để côn trùng làm nhiễm khuẩn thực phẩm, sử dụng ngay tại nhà, tiết kiệm nhân công, hiệu quả về mặt kinh tế. “Qua khảo sát tại TP.Vũng Tàu, nhóm nhận thấy lúc phơi mực một nắng phải tốn nhân công canh mẻ hay ra ngoài trời lật trở từng con mực cho khô đều” – Lê Huỳnh Đức (đại diện nhóm) chia sẻ.
Đức cho biết thêm, sau khi làm thí nghiệm trên các sản phẩm như cá khoai, chuối, ớt, hành tây, cà rốt, nhóm đã đưa ra được 3 ưu thế vượt trội của máy so với các phương pháp sấy khác là: Tăng năng suất 2 lần so với sấy tự nhiên; giảm 30% thời gian sấy; tiết kiệm 80% chi phí so với sấy than hoặc sấy điện. Đến nay, nhóm đã có máy hoàn chỉnh và đang được nghiên cứu, cải tiến thêm để trở thành một hệ thống không dây tiện lợi hơn, sử dụng được bất kỳ đâu mà không cần nguồn điện. Trong tương lai, máy sẽ được tích hợp thêm tấm pin năng lượng mặt trời và buồng khí đốt sinh khối để cung cấp thêm năng lượng cho quá trình sấy trong điều kiện thời tiết không thuận lợi hoặc sử dụng vào ban đêm. Về cấu tạo, máy bao gồm 3 bộ phận chính là buồng sấy, hệ thống quạt đối lưu và hệ thống điều khiển. Buồng sấy được thiết kế với vật liệu là tấm polycarbonate để có thể tạo hiệu ứng nhà kính, giúp hấp thụ ánh nắng và duy trì nhiệt độ trong buồng. Hệ thống quạt đối lưu sẽ giúp đưa hơi nước từ vật liệu sấy (cá, mực, trái cây…) ra khỏi buồng và tạo nhiệt độ đồng đều trong buồng sấy. Hệ thống điều khiển sẽ gồm các cảm biến để đo nhiệt độ, độ ẩm và vi điều khiển để điều khiển lưu lượng quạt cho hợp lý. Ngoài ra, vi điều khiển còn có thể tải dữ liệu các mẻ sấy lên hệ thống cơ sở dữ liệu và người dùng sẽ thông qua app để điều khiển, giám sát hệ thống từ xa.
Khởi nghiệp, phục vụ cộng đồng
Với vai trò hướng dẫn dự án, TS. Võ Thanh Hằng cho biết hiện các thành viên trong nhóm đang thiết kế hoàn thiện app ứng dụng tốt nhất, thuận tiện cho người sử dụng, nâng cao hiệu suất sử dụng của máy sấy. “Không chỉ dừng lại ở giải thưởng cuộc thi, nhóm sinh viên đang cùng với các giảng viên trong trường phát triển nghiên cứu cơ bản này thành những sản phẩm có thể đem lại giá trị cho cộng đồng. Dự án máy sấy thông minh này đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp “Bach Khoa Innovation 2021” do trường tổ chức. Khi lọt vào vòng chung kết, các thành viên nhóm có cơ hội được gặp gỡ nhiều doanh nghiệp, những nhà đầu tư và nếu có mặt ở top 5 sẽ được nhà trường hỗ trợ kinh phí để phát triển sản phẩm, hiện thực hóa dự án. Bên cạnh đó, dưới đề xuất của Câu lạc bộ Khởi nghiệp Xanh Bách Khoa – BKGI, nhà trường đang xem xét những dự án nào tiềm năng sẽ cấp vốn để phát triển” – TS. Hằng nhấn mạnh.
“Máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh” giải quyết các vấn đề gặp phải của sấy tự nhiên bằng phơi nắng như không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tốn kém thời gian và nhân công, chất lượng sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Theo đó, máy được tích hợp với 4 tính năng chính: Tấm polycarbonate kết hợp với vật đen dùng để bẫy nhiệt trong lòng buồng sấy, khử vi sinh bằng tia UV, giám sát và điều khiển quá trình sấy từ xa, phân tích dữ liệu và dự báo.
|
Cũng theo TS. Hằng, việc kết hợp sinh viên nhiều khóa, nhiều khối ngành chính là “chìa khóa” giúp các dự án nghiên cứu, sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng hơn nhờ các em bổ sung kiến thức, thế mạnh chuyên ngành cho nhau. Bởi mỗi dự án nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo đều liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Các thành viên trong nhóm cũng nhìn nhận, sức mạnh tổng hợp giúp các em giải quyết được rất nhiều vấn đề gặp phải khi thực hiện dự án. “Vào thời gian đầu, nhóm đã đẩy mạnh việc chế tạo và thực nghiệm máy, do đó buồng sấy đã hoàn thành rất nhanh, mất khoảng một tuần. Nhưng sau đó, nhóm loay hoay trong việc thiết kế hệ thống đối lưu cho buồng. Rất may lúc đó nhóm kết nạp thêm thành viên mới là Vũ Hoàng Lộc (sinh viên ngành quá trình và thiết bị thuộc Khoa Kỹ thuật hóa học), với chuyên môn của mình, Lộc đã giúp giải quyết được khâu này và nhóm đã hoàn thành việc chế tạo máy đúng thời hạn. Sau cuộc thi, nhóm cũng có thêm một số thành viên mới, hỗ trợ các mảng về công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính” – Lê Huỳnh Đức cho biết.
Trong thời gian tới, nhóm sẽ hoàn thiện thiết kế của máy và đăng ký sáng chế – giải pháp hữu ích để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Mê Tâm
Bình luận (0)