Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Máy tính bảng, điện thoại vào tiết học

Tạp Chí Giáo Dục

Nhờ biết tận dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để truyền thụ kiến thức nên tiết học Phản ứng oxi hóa khử trong sự sống do thầy Lợi Minh Trang (giáo viên bộ môn hóa học Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) giảng dạy đã tạo được hào hứng cho các em học sinh lớp 10A3.

Tiết dạy ứng dụng đồ dùng học tập hiện đại của thầy Lợi Minh Trang. Ảnh: N.Q

Cùng với tập vở, sách giáo khoa…, những chiếc điện thoại thông minh, máy tính  bảng đã trở thành dụng cụ học tập hữu ích cho cả thầy và trò trong một tiết dạy – học ở bộ môn hóa học vốn khô khan, khó hiểu.

Ứng dụng “đồ dùng học tập” hiện đại

Các giáo viên tham dự tiết dạy Phản ứng oxi hóa khử trong sự sống của thầy Trang rất ngạc nhiên khi các em học sinh đem điện thoại di động, máy tính bảng để trên bàn cùng với các đồ dùng học tập khác. Vì đây là điều ngoại lệ đối với bất cứ lớp học hay trường học nào. Tuy nhiên, như chia sẻ của thầy Trang, cách học này sẽ giúp học sinh có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng các loại máy móc hiện đại để ứng dụng tích cực cho việc học tập, trong đó có điện thoại thông minh và máy tính bảng. Vì thế ngoài việc chuẩn bị bóng đèn 40W, hũ thủy tinh, rong rêu để trang trí hồ cá, 6 nhóm học sinh trong lớp còn được sử dụng điện thoại và máy tính bảng có cài đặt các app như Onenote, Pollev, QR Code reader. Giáo viên đứng lớp cũng được trang bị các công cụ CNTT rất hoành tráng như Office 365, Window 10, Pollev… Không còn là tiết dạy học thủ công của thế kỷ 20, tất cả đều sử dụng các thiết bị CNTT hiện đại của thế kỷ 21 để kích thích sự hứng khởi ban đầu cho người học. 

Ngay tiết mục mở màn là phần Khởi động, các em học sinh được vận động nhẹ bằng một trò chơi hấp dẫn thông qua công cụ Kahoot từ smartphone surface. Sau khi quét mã QR để lấy link, các nhóm được thầy Trang cho chọn ảnh đúng về các phản ứng oxi hóa khử trong đời sống. Thay vì dùng ngôn ngữ nói hay viết ra giấy trả lời những câu hỏi của giáo viên như truyền thống, các em chỉ chọn lựa qua công cụ PowerPoint và Pollev là đã có câu trả lời hiện lên màn hình.

Tiết dạy càng thu hút người học khi thầy Trang chuyển sang nội dung Khám phá với nhiều hoạt động tích cực và hấp dẫn hơn. Nhờ công cụ Onenote cùng với Pollev tiếp sức, các em dễ dàng ghi được kết quả vào phiếu học tập về nguồn gốc khí tự nhiên mà phần gợi mở của thầy Trang ở nội dung Khởi động là chất xúc tác. Không chỉ ngồi học tại chỗ, các nhóm còn có cơ hội thảo luận, làm việc sôi nổi khi tiến hành làm thí nghiệm phản ứng quang hợp với sự tiếp sức của giáo viên. Sau các thí nghiệm của từng nhóm, thầy Trang quan sát và lấy một sản phẩm tốt nhất trình chiếu cho cả lớp xem. Đây là cơ hội để các em ghi nhận lại trong phiếu học tập sau khi lý giải cặn kẽ quy trình xảy ra của thí nghiệm bằng các câu hỏi: như thế nào và tại sao lại như vậy?

Tối ưu hóa thiết bị CNTT

Cũng nhờ đưa ra các phương trình phản ứng quang hợp và đốt cháy glucozơ tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động mà các em học sinh có thêm cơ hội khắc sâu bài học qua việc biết và hiểu được vai trò của phản ứng oxi hóa khử trong sự sống. Cao hơn nữa các em còn biết vận dụng kiến thức tích hợp lý – hóa – sinh để giải thích ảnh hưởng của phản ứng oxi hóa khử trong sự sống. Làm đục nước vôi trong theo sự hướng dẫn của thầy Trang là thí nghiệm cuối cùng trong bài học giúp các em đưa ra kết luận: “Khi con người thở ra trong khí có chứa CO2”.

Ở phần bài tập cuối cùng, các nhóm không phải làm trong tập giấy hay lên bảng mà chỉ cần sự giúp sức của ghi chú Onenote là cho ra kết quả. Công việc chuẩn bị cho Webinar cũng được thực hiện trong khâu này. Theo đánh giá của nhiều thầy cô, ngoài kỹ năng giúp học sinh tiếp cận với CNTT hiện đại, tiết dạy đã rèn luyện từng bước kỹ năng hợp tác chặt chẽ, kỹ năng làm việc nhóm bài bản và kỹ năng phản biện sâu sắc. Đây cũng là bước khởi đầu giúp các em chạm ngõ và làm quen với phương pháp STEM mở ra một không gian hào hứng, tích cực và hứng thú trong học tập dù kiến thức có nặng nề hay phức tạp bao nhiêu. Biến cái có hại thành có lợi, đây cũng là cách để các em dễ dàng “cai nghiện” và ứng dụng, khai thác ưu thế hữu dụng những thiết bị CNTT hiện đại với những mục đích giải trí vô bổ và không cần thiết đang bị lạm dụng để tập trung vào sứ mệnh học tập.

Phan Ngọc Quang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)