Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Mẹ A

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn mâm cơm đạm bạc được dọn bên hiên nhà rộn ràng tiếng cười nói trong trẻo của đám học trò, cứ có cảm giác đó là một mái ấm gia đình. Thật ra đó là nhà cô giáo A và những cô cậu học trò vùng lũ của mình. Đã 20 năm rồi cô vẫn một thân một mình gắn bó với học trò nghèo rốn lũ miền hạ lưu sông Côn ở Tuy Phước, Bình Định.

Những ngày lũ cô giữ các em lại nhà và kèm cặp thêm – Ảnh: B.Trung
Cách đầm Thị Nại một đoạn là nhà cô giáo Lê Thị A ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, Bình Định. Đây là vùng trũng nhất của rốn lũ miền Trung. Lũ lụt năm nào cũng vậy, có khi hai, ba tháng ròng học trò xứ này phải dầm trong lũ lụt đến trường. “Dép đeo trên cổ nhiều hơn mang chân, người ta bảo quê tui “chín áo một quần” là vậy. Chín cái áo rách rồi mà cái quần vẫn còn mới vì quấn cổ lội nước quanh năm làm sao cũ” – múc cơm canh chia cho học trò tranh nhau tíu tít, cô giáo A khôi hài giải thích.
Nuôi dạy học trò như con
Căn nhà của cô dựng lên hơn 20 năm nay đã xiêu vẹo, là nơi tá túc mùa lũ của học trò nghèo chừng ấy năm. Trận lũ mấy hôm rồi cũng vậy. Chiều, vừa dạy xong mưa to, lũ thượng nguồn sông Côn ầm ầm đổ về, nước tràn ngập sân trường. Học trò lớp 4A của cô 32 em hầu hết ở xa, em nào có cha mẹ chèo ghe đến đón thì về, còn lại đứa sau nắm tay đứa trước bì bõm lội theo cô về nhà.
"Lũ lụt năm nào cũng vậy, có khi hai, ba tháng ròng học trò xứ này phải dầm trong lũ lụt đến trường. “Dép đeo trên cổ nhiều hơn mang chân, người ta bảo quê tui “chín áo một quần” là vậy"
“Nhiều học trò ở xa lắm, cách trường mấy cây số, tít tắp tận cuối đê ven đầm Thị Nại, mà đê ngập nước, thả các em về là lũ cuốn, mình không giữ, không nuôi thì làm sao” – cô A nói. Vậy là những ngày lũ, một mình cô lo hết, cơm ăn nước uống và dạy kèm luôn tại nhà.
Bao nhiêu thế hệ học trò ven đầm Thị Nại đã lớn lên trong căn nhà nhỏ của cô, nhiều em đã học xong đại học, làm ăn xa lâu lâu vẫn ghé về thăm mẹ A. Các em gọi cô là mẹ, lứa học trò nào cũng vậy. Phụ huynh thương cô, có người cậy nhờ gửi luôn cả mùa lũ, có người đi làm ăn xa cũng giao cho cô coi ngó, dạy dỗ. “Không chỉ giúp học trò mùa lũ, cô A luôn là người tình nguyện dạy bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, dạy suốt thôi, 20 năm qua như thế và cũng không bao giờ nhận tiền bồi dưỡng” – hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Thắng Cáp Văn Nhân nói.
Nuôi dạy học trò mùa lũ ở nhà cũng vậy, cô chắt chiu đồng lương của mình nuôi các em. “Cũng không có gì đâu, tui sống tằn tiện, đạm bạc quen rồi, không giúp các em thì tui giữ tiền để làm gì, lương bổng của mình vài triệu thôi, cố giữ cũng chẳng giàu có được” – cô phân trần.
Lớp 4A của cô chủ nhiệm hầu hết là học trò nghèo. “Quê tui nghèo quanh năm nhưng học trò hiếu học lắm. Có những em chưa bao giờ có bộ quần áo mới. Đứa em mặc đồ đứa anh lớn nhường lại, rách thì vá, cứ vậy, rồi dép mũ cũng thế nhưng chịu khó lắm, học siêng lắm, đi mò cua cũng mang vở ra tận chân đê, đi trông vịt cho ba mẹ cũng mang vở học bên mành vịt ven đầm, vậy mà giỏi lắm” – cô cười rạng rỡ.
Em Nguyễn Hoàng Sơn bị hen suyễn từ bé, có hôm đang học lên cơn hen nằm lăn ra bàn, cô phải lo. Em Phan Phong Nhã ở với bà ngoại già yếu, có hôm nhịn đói đi học, ngất, cô tất tả chạy mua hộp sữa. Lớp 4, tuổi mới lên 10, hay đau ốm vặt, “vậy mà trời thương rồi nó cũng qua, ở nhà cô nuôi cơm canh, mắm muối đạm bạc vài tuần đứa nào cũng phổng phao, có da có thịt” – bà con hàng xóm kể. Thương cô giáo nghèo đùm bọc học trò, có người đi làm đồng nhặt được dăm trứng vịt đẻ non, kiếm được con cá, con ốc, mớ rau, đi ngang thỉnh thoảng ghé lại gửi bớt cho mẹ A nuôi học trò nghèo.
Quên tình riêng
20 năm trước, học xong cao đẳng sư phạm ra trường cô xin về dạy tiểu học gần nhà. Cô kể mình cũng nghèo khó, cố công ăn học trở thành cô giáo là may mắn rồi, bây giờ chịu khó bám trụ ở đây lo cho học trò nghèo là hạnh phúc lắm. Cũng có một vài mối tình đến với cô rồi đi, cô cam chịu, an phận.
“Hồi trước có người ngỏ ý rồi, nhưng tui làm sao bỏ mẹ già đi theo chồng, mà ở lại đây thì người ta không muốn, quê nghèo quanh năm lũ lụt, khó níu giữ chân khách. Vậy rồi thôi, cũng vài mối tình, cũng dăm ba lần thề non hẹn biển rồi dở dang, thôi thì ở vậy, mình không làm mẹ vài đứa thì làm mẹ vài chục đứa luôn” – mẹ A nói đùa mà giàn giụa nước mắt trên gò má hằn dấu chân chim.
Lâu lâu viết thư gửi bạn bè đây đó ở thành phố cô kể: “Nói thiệt là thăm hỏi chỉ một phần, quan trọng là hỏi xin. Xin đủ thứ, xin quần áo cũ cho học trò, xin giấy vở, sách truyện. Có nhiều nhà bạn bè dư thừa quần áo không dùng nữa nhưng còn khá mới mình xin về, rã ra cắt may lại cho các em, nhìn tụi nó mặc bộ quần áo mình sửa sang lại thấy vui lắm, sướng hơn là mình mặc”.
Học trò vùng lũ quần áo đã ít ỏi mà lúc nào cũng ẩm ướt, mau rách lắm, cha mẹ các em ở quanh đầm Thị Nại đều nghèo, quanh năm lặn ngụp trên đồng, lo cái ăn cho chúng đã chật vật, lấy đâu ra quần áo, dép mũ. Cô nói có hôm nhìn nhiều em mặc bộ quần áo vá chằng vá đụp, rách rưới, cô nghẹn đắng. Lũ học trò ngơ ngác hỏi “Sao khóc vậy cô?”. Các em còn ngây thơ lắm.
Hồi đầu năm gần chục học trò ở các thôn Lạc Điền, Phổ Đồng, An Lợi muốn nghỉ học. Có bữa lên lớp thấy vắng các em, vậy là dạy xong cô tất tả đạp xe tìm đến từng nhà. Nhà nghèo quá, chưa có tiền mua sách giáo khoa, cô lên trường mượn giùm, thiếu vở, bút thì cô mua cho. “Đừng nói tên tụi nó xấu hổ tội nghiệp – cô kể – Lớp có gần chục em chỉ có một bộ quần áo đi học”. Chưa xin ai được, cô mượn trước tiền lương mua vải may cho từng em. Trong gian nhà chật hẹp có một kệ gỗ nhỏ chứa đầy thư học trò cũ.
Cô khoe: “Đó là tài sản lớn nhất, lớp này đến lớp khác lớn lên, ra đi, nhiều em học hành thành đạt, làm việc tận Sài Gòn, vậy mà tết năm nào cũng gửi thư về thăm cô. Quê nghèo cũng không níu giữ chân các em được, chúng nó như bầy chim tung cánh, miễn còn nhớ quê, nhớ cô giáo cũ là nó còn nhớ cội nguồn, tui nghĩ vậy thôi…”.
BẢO TRUNG / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)