Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mẹ bán rau củ 
đưa 3 con vào giảng đường

Tạp Chí Giáo Dục

Những vòng xe đạp thồ rau củ của người mẹ nghèo ở Quảng Nam đã lần lượt đưa ba cậu con trai vào giảng đường đại học.

Mẹ bán rau củ 
đưa 3 con vào giảng đường
Hằng ngày bà Lệ mưu sinh bằng chiếc xe đạp chở rau củ này để nuôi cả gia đình – Ảnh: TẤN LỰC

“Đừng lo học phí, cứ thi đậu đi, rồi để mẹ tính!

Bà Ngô Thị Lệ​ (49 tuổi, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, 
tỉnh Quảng Nam)

Bà bảo chỉ cần mường tượng ra cảnh các con cầm tấm bằng mạnh dạn bước vào đời và được thay đổi số phận nghèo khó, là bà như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua bao thách 
thức đời thường.

“Con cứ để mẹ tính, đừng lo!”

“Mẹ nề, chừ con đi thi mà đậu, thì nhà mình lấy tiền đâu nhập học?”, đó là câu hỏi của các con mỗi khi mùa thi đến. Và bao giờ trước mặt con, bà Ngô Thị Lệ (49 tuổi, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cũng xoa đầu con cười tươi, bảo: “Đừng lo, cứ thi đậu đi rồi để mẹ tính!”.

Bà nói lúc đó động viên con mới nói vậy chứ trong bụng cũng lo ngây ngấy, chạy chọt vay mượn khắp nơi đưa tiền cho con đi thi. Thoáng một cái, hai cậu con lớn là Trần Quang Hiếu và Trần Quang Nghĩa đã là sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Điểm thi của hai bạn lần lượt là 23,5 và 25,5 điểm, thuộc hàng tốp đầu của trường cấp III đang theo học. Còn cậu con út Trần Quang Nhân (16 tuổi) mới đây cũng tạm biệt gia đình ra Đà Nẵng gia nhập một trung tâm thể thao 
học nghề đấu võ.

Trong căn nhà nhỏ đóng bằng mấy tấm gỗ sơ sài trên đồi là những hàng giấy khen học sinh giỏi dán kín tường. Những tấm giấy khen của các cậu con trai sau nhiều năm đã bạc màu in, chỉ còn dòng chữ đề tặng thành tích học tập từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Hai vợ chồng coi đó là tài sản quý giá nhất của gia đình.

Nhà có hai chiếc giường, ba mẹ nhường chiếc giường to phía trong cho các con ngủ thoải mái, còn mình nằm ngủ trên chiếc giường nhỏ bên ngoài. Thấy nhà cửa của bà Lệ dột nát, người chồng ốm đau bệnh tật liên miên, chính quyền xã Đại Lãnh ngỏ ý hỗ trợ một số tiền dựng lại căn nhà cho gia đình có chỗ trú ngụ tươm tất hơn. Nhưng vợ chồng bà không dám nhận vì không kiếm đủ tiền đắp vào xây nhà.

Hằng ngày, bà Lệ dậy sớm nấu cơm cho cả nhà ăn xong rồi tất bật ra chợ xã mua rau củ, cá thịt xuống đò qua sông Vu Gia đạp xe đi bán dạo cho bà con xã Đại Hồng bên kia sông. Những ngày mưa gió, người làng vẫn thấy bà mặc áo phao cùng chiếc xe đạp trên con đò tròng trành sóng nước.

Trước khi có chiếc xe đạp cũ này (do một người bà con cho), suốt 20 năm từ khi lấy chồng, bà làm bạn với đôi quang gánh mưu sinh. Chừng ấy năm xuôi ngược chợ búa, người phụ nữ ấy chưa bao giờ dám ăn tô bún hay đĩa bánh bèo một mình vì nghĩ đến con.

Nhà quá khó khăn, thỉnh thoảng lúc đi chợ bà mua về một cái bánh bao rồi chia làm ba phần cho mấy đứa con ăn cho đỡ cơn thèm khi thấy 
chúng bạn ăn quà vặt.

Săn học bổng cho con

Bà Mai Thị Miễn (56 tuổi), hàng xóm của bà Lệ, kể rằng từ lúc mấy đứa con vào đại học, lại thấy bà bận rộn xuôi ngược in sao giấy tờ để xin học bổng cho con. Hễ đi bán mà nghe ngóng có chỗ nào tài trợ học bổng hay quỹ nào giúp đỡ sinh viên nghèo là bà lại tất tả ôm hồ sơ đón xe đi nộp ngay.

“Mấy ngày trước con Lệ chạy qua khoe với tui, giọng vui mừng bảo vừa có nhóm thiện nguyện đến thăm nhà rồi cho 5 triệu đồng. Nhận tiền xong là chạy ngay ra bưu điện gửi liền cho thằng lớn đóng tiền học phí học kỳ đầu năm. Ba đứa con nhà nó đứa nào cũng cao lớn, tính tình hiền lành, ai tới thăm nhìn thấy là thương đành thương đoạn vậy đó” – bà Miễn nói.

Cầm cuốn sổ vay vốn hộ nghèo trên tay, bà Lệ lật giở khoản vay 30 triệu đồng mới được giải ngân. Bà cười bảo vay của bà con hết tiền rồi, nên giờ chuyển qua vay của Nhà nước. Miễn đâu có tiền cho con đi học là bà đều gõ cửa.

“Vay nhiều quá vợ chồng cũng hoảng nhưng mấy đứa nhỏ nói cứng lắm, bảo mẹ cứ vay đi, sau này tụi con ra trường đi làm rồi trả chứ không bắt mẹ phải trả đâu mà sợ. Nghe con nói vậy tôi rớt nước mắt, biết là chúng nó thương mình” – bà nói.

Hiếu giờ đây đã là sinh viên năm 3 ngành cơ điện tử ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Từ 4g sáng, Hiếu đã dậy đi nướng thịt cho quán bún rồi mới về đi học. Những buổi rảnh rỗi hay ngày cuối tuần, Hiếu lại cọc cạch đạp xe đến công trình xây dựng nhận việc đúc đá móng. Tiền công nhận được, Hiếu tiết kiệm nộp tiền phòng trọ và trang trải chi phí ăn uống hằng ngày.

Dù nhà cách trường chỉ 60km nhưng chỉ vào dịp lễ tết hay nghỉ hè mấy anh em Hiếu mới đón xe về thăm ba mẹ một lần để tiết kiệm tiền. Hiếu bảo nhà nghèo không dám tiêu pha, mấy anh em hứa với nhau cố gắng học hành thật giỏi để giúp ba mẹ trả hết nợ nần.

 

TẤN LỰC (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)