Tòa soạnThư đi – tin lại

Mẹ bức tử con rồi tự sát: Vì đâu nên nỗi?

Tạp Chí Giáo Dục

Nỗi đau của một người chồng khi có vợ bức tử con rồi tự sát. Ảnh: I.T

Những vụ mẹ bức tử con rồi tự sát liên tục xảy ra khiến dư luận bàng hoàng.
Mới đây nhất, người dân ngụ ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè không khỏi rơi nước mắt khi hay tin người mẹ trẻ Nguyễn Thị Hoài An, 25 tuổi đã dùng gối đè con gái 1 tuổi Nguyễn Phạm Anh Thư đến chết rồi ôm con treo cổ tự tử bằng dây điện đã chuẩn bị từ trước. Vụ việc được hàng xóm phát hiện, chị An được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện trong tình trạng mắt bị phù do thiếu ôxy, riêng cháu Thư đã tử vong. Ngay khi nhận tin báo của người dân, Công an huyện Nhà Bè đã có mặt khám nghiệm hiện trường, xác minh và kết luận là do chị An nghi ngờ chồng có người yêu, quá nóng giận không kiểm soát được hành vi của mình. Hàng xóm cũng cho biết, giữa hai vợ chồng có xảy ra mâu thuẫn nhưng không ai nghĩ chị An lại có hành động dại dột như vậy. Theo người thân, chồng chị An làm nghề phụ hồ, ở công trình rày đây mai đó, ít có dịp về nhà nên nảy sinh nghi ngờ. Mâu thuẫn chưa giải quyết được thì chị đã tìm đến cái chết cùng với đứa con thơ dại.
Trước đó, ngày 13-10, tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã xảy ra cái chết đau lòng của ba mẹ con chị Nguyễn Thị Thu H. Cả xóm nghèo đều bàng hoàng, thương xót cho gia đình khi chị H. và hai đứa con (đứa lớn 3 tuổi và đứa nhỏ gần 1 tuổi) của chị chết trong tư thế treo cổ ở nhà bếp. Trong không khí tang thương thì gia đình phát hiện lá thư tuyệt mệnh mà chị H. để lại trước khi bức tử con rồi tự sát. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của ba mẹ con chị H. là do người chồng đã có những lời lẽ nghi ngờ chị H. ngoại tình với người đàn ông khác và đứa con lớn không phải là con của anh. Hết nước giải thích nhưng người chồng vẫn một mực không tin, nhiều lần nặng lời với chị H. Thời gian này, con nhỏ thường xuyên bệnh tật, gia đình khó khăn nên chị cùng quẫn, lâm vào bế tắc và đã có hành động mất kiểm soát như trên.
Cũng trong ngày 13-10, một người mẹ tên Đặng Thị L., ngụ Bình Dương cũng đã chết trong tư thế treo cổ. Trên giường, đứa bé chỉ 4 tháng tuổi con của chị L. cũng đã chết. Hàng xóm của chị L. cho biết, chị L. hiền lành, thường xuyên qua lại hỏi han với bà con lối xóm nhưng từ khi sinh em bé chị trở nên ít nói, nét mặt lúc nào cũng căng thẳng. Biết có chuyện, gia đình, hàng xóm thường xuyên gần gũi, chia sẻ nhưng trạng thái chị L. không thay đổi và đã xảy ra chuyện đau lòng.
Nhiều vụ bức tử con rồi tự sát xảy ra liên tục trong thời gian qua đều là những người phụ nữ vừa mới sinh con chưa lâu. Liệu có phải những người mẹ trẻ mắc chứng trầm cảm sau sinh hoặc loạn thần là nguyên nhân dẫn đến những hành động thiếu tính kiểm soát?
Hiện tượng tâm lý bế tắc
Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, tìm giải pháp ngăn ngừa hành động mất kiểm soát dẫn đến những vụ bức tử đau lòng, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa – du lịch.
PV: Thưa tiến sĩ, gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ mẹ bức tử con rồi tự sát. Với góc độ nhà nghiên cứu tâm lý, ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến hành vi thiếu kiểm soát này?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Việc bức tử và tự sát là hiện tượng tâm lý bế tắc không chỉ riêng họ mà còn liên quan đến tình thương của người mẹ với đứa con. Người mẹ cho rằng nếu bà chết thì con sẽ khổ, vì thế muốn tìm cách cho con được chết như mình. Đây là hiện tượng nặng nề về tình cảm và bế tắc cuộc sống trong khi không chia sẻ được với ai. Ngoài ra cũng có thể có sự đau đớn nội tâm nào đó đến độ tự trọng lên quá cao mà thực tế phũ phàng.
Trong các trường hợp đều xảy ra ở người mẹ sau sinh. Vậy theo tiến sĩ, có phải chứng trầm cảm hay loạn thần sau sinh đã dẫn đến những chuyện đau lòng?
Không phải chứng rối loạn và trầm cảm sau sinh mà do sau khi sinh không được người thân như chồng, cha mẹ… quan tâm đúng mức, trong khi cuộc sống lại liên quan đến con của họ và sự nghĩ đơn giản “mẹ con cùng chết” là hết chuyện. Và cũng có khi là sự phẫn nộ nào đó để họ nghĩ đến “trả thù”. Còn chứng trầm cảm là cả quá trình chứ không đột ngột xuất hiện sau sinh.
Biểu hiện của người mắc chứng trầm cảm và loạn thần như thế nào thưa tiến sĩ?
Biểu hiện của người trầm cảm và loạn thần là sợ chỗ đông người, sợ gặp mọi người, sống khép kín, ít tâm sự với mọi người, có những lý luận tiêu cực và luôn luôn cho mình là người nghĩ đúng, không nghe lời khuyên của ai.
Có những tác động môi trường nào dẫn đến hành vi bức tử con rồi tự sát không thưa ông?
Môi trường chủ yếu là gia đình, người thân và có khi do nơi làm việc; còn môi trường xã hội nếu có thì cũng là chất xúc tác. Ví dụ: Khi một người tự tử, báo chí đưa tin có thể vô tình “chỉ dẫn” cho người có tâm trạng gần người tự tử hành động theo hình thức “bắt chước”.
Tại sao người mẹ lại bức tử con rồi tự sát, tại sao họ không tự sát một mình, thưa tiến sĩ?
Như đã nói ở trên, tình cảm mẹ con với họ là trên hết, khi người mẹ bị bế tắc họ rất thương con và sự suy nghĩ của họ là mẹ con “cùng được chết”. Người mẹ lúc đó không đứng về phía đứa con mà áp đặt suy nghĩ vào đứa con họ.
Ông có thể chia sẻ những kỹ năng, biện pháp nhằm hạn chế những hành động vượt ngoài tầm kiểm soát của người mẹ khi mắc phải các chứng nói trên? 
Những người thân trong gia đình cần quan sát và đặc biệt phải ra tay cứu sự bế tắc của người mẹ, nhất là khi thấy người mẹ có những cử chỉ bất thường.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Trần Tuy An

Bình luận (0)