Sự tế nhị, cảm thông, yêu thương chân thành sẽ là chất keo kết dính mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Ảnh: I.T |
Thời nay, mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu không còn là nỗi ám ảnh của nhiều nàng dâu. Suy nghĩ hiện đại, lối sống cởi mở đã dần xóa bỏ những định kiến, cái nhìn khắt khe đã có tự bao đời về mối quan hệ này.
Cho đi yêu thương
Bảy năm về làm dâu nhà chồng, chị Hồng Anh (Q.5, TP.HCM) hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Trong những cuộc trò chuyện với đồng nghiệp, bạn bè về cuộc sống gia đình ở nhà chồng, chị làm người khác phải “ghen tỵ” khi chị kể về mẹ chồng của mình. Từ ngày về làm dâu, chị đã được mẹ chồng xem như con gái ruột. Bất kể chuyện gì dù lớn hay nhỏ, bà đều tham khảo ý kiến chị, nhờ chị tư vấn. Vốn là con gái út trong gia đình nên từ bé đến lớn chị được cha mẹ cưng chiều, việc bếp núc hầu như chị không bao giờ phải đụng đến. Ngày chân ướt chân ráo về nhà chồng, chị lo lắng nhất là khoản nấu nướng của mình. Bữa cơm đầu tiên do chị trổ tài làm bếp chính không được như mong đợi. Chị ngại ngùng không biết giấu mặt vào đâu. May mắn khi chị có mẹ chồng thông cảm, từ tốn chỉ bảo. Biết bà về hưu, loanh quanh ở nhà hoài sẽ rất buồn nên thỉnh thoảng chị lại dùng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để mời cha mẹ chồng đi du lịch. Thời đại công nghệ số, dù kinh tế cũng chẳng dư dả gì nhưng chị vẫn nói chồng mua tặng mẹ một chiếc điện thoại smartphone để những khi rảnh rỗi, bà có thể lướt web, kết nối facebook với bạn bè, con cháu. “Cô bạn đồng nghiệp hỏi tôi sao lại kết bạn với mẹ chồng trên facebook, mất cả tự do. Tôi chỉ mỉm cười rồi nói mình không làm việc gì mờ ám thì có gì đâu mà sợ”, chị Hồng Anh chia sẻ.
Đâu đó trong cuộc sống hiện đại này, vẫn còn rất nhiều nàng dâu may mắn như chị Hồng Anh khi có được mẹ chồng tâm lý, gần gũi. Ngày nhận lời lấy một người con trai ở tận miền Trung, chị Ngọc Hà bị gia đình phản đối bởi xa xôi quá. Khi đã có cuộc sống hôn nhân viên mãn, nhìn lại một chặng đường đã qua, chị chỉ biết cảm ơn cuộc đời đã cho chị được gặp một người mẹ chồng quá tuyệt vời. Ngày chị sinh con đầu lòng, bà lặn lội từ quê vào TP.HCM để chăm sóc chị. Trong thời gian ở cữ, bà không cho chị làm bất cứ việc gì. Đôi lúc, bà còn la con trai mình khi làm điều gì đó khiến chị buồn. Ngày tiễn mẹ chồng về quê, chị cầm tay bà không nói được điều gì, chỉ thấy nước mắt mình rơi xuống.
Nhận về hạnh phúc
Năm nay đã 67 tuổi nhưng nhìn bà Thu Thanh (Q.10) vẫn trẻ trung, sôi nổi. Từ khi có con dâu, bà càng thấy phấn chấn tinh thần vì nhà cửa đông vui hơn. Biết các con đều bận rộn nên bà không phiền hà bất cứ việc gì từ nấu ăn, đón cháu… Nhiều người góp ý bà nên nghỉ ngơi, để mọi việc con dâu lo, bà chỉ mỉm cười rồi nói: “Mình làm được việc gì thì làm thôi, miễn là tập cho con cháu không có tính ỷ lại. Mình cho đi yêu thương thì sẽ nhận về hạnh phúc”. Quả vậy, hơn 10 năm chung sống dưới một mái nhà, con dâu chưa khi nào dám lớn tiếng cãi lại bà. Người ta nhìn thấy nụ cười bình yên, hạnh phúc của bà Thanh mỗi lúc kể về con dâu của mình. Khi có cháu nội, bà và con dâu cũng không hề có “cuộc chiến” trong việc nuôi trẻ như một số gia đình khác bởi họ tìm được tiếng nói chung. Khi có ai đó thắc mắc về cách nuôi dạy con của nàng dâu, bà liền bảo vệ. “Thấy tụi nó đi làm cả ngày về đã mệt rồi, mình tạo không khí gia đình vui vẻ, đầm ấm thì mọi việc mới êm xuôi. Khắt khe, bảo thủ quá thì vô tình mình chỉ đẩy các con ra xa mình mà thôi”, bà Thanh chia sẻ.
Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu trong một số gia đình hiện nay đã trở nên gần gũi, nhẹ nhàng hơn. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý – tình yêu – hôn nhân và gia đình Trần Hoàng Yến, “mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ gia đình nào nhưng quan trọng là người trong cuộc biết cách ứng xử.
Sự tế nhị, cảm thông, yêu thương chân thành sẽ là chất keo kết dính mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Người chồng đóng một vai trò quan trọng khi làm cầu nối giữa hai người phụ nữ, mọi mâu thuẫn sẽ nhẹ nhàng hơn nếu người chồng thấu hiểu đạo lý”.
Khoảng cách giữa hai thế hệ sẽ thu hẹp dần bởi tình cảm, sự yêu thương thật sự. Xã hội ngày càng phát triển, gia đình càng ít con cái, mỗi gia đình hiện đại chỉ thường từ một đến hai con, chính vì vậy để giữ nếp nhà đầm ấm, yên vui, con cháu sum vầy là điều hết sức quan trọng.
Yên Hà
“Nàng dâu cần có sự tinh tế, khéo léo trong việc nuôi dạy con cái cùng với mẹ chồng, không phải lúc nào cũng khăng khăng nuôi con theo cách của mình. Điều đó rất dễ làm người già bị tổn thương. Nếu thu xếp được thời gian, mẹ chồng – nàng dâu cùng tham gia những lớp học nuôi dạy con, dinh dưỡng cho trẻ…”, chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Hoàng Yến nhấn mạnh. |
Bình luận (0)