Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Mẹ của các nam nghệ sĩ nổi tiếng!

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải ngẫu nhiên mà các nghệ sĩ khi đoạt giải thưởng nào đó trong lĩnh vực nghệ thuật, câu đầu tiên đều gửi lời cảm ơn mẹ. Bởi lẽ, mẹ chính là thần tượng, là điểm tựa vững chắc nhất để họ cống hiến hết mình cho nghệ thuật.


NSƯT Bạch Long (bìa trái) cùng ba mẹ và em trai Thành Lộc (ảnh tư liệu)

NSƯT Bạch Long: “Kiếp sau, xin được làm con của má”

Nếu không có má bên cạnh, tôi khó mà vượt qua những khó khăn và thất bại trong nghề để có những thành công hôm nay. Má của tôi là nghệ sĩ hát bội Huỳnh Mai, thuộc thế hệ nghệ sĩ Năm Đồ, Ba Út, Minh Tơ, Khánh Hồng… Sau năm 1975, má lui vào hậu trường, chấp nhận xa nghề hát để làm hậu phương vững vàng cho ba tôi – NSND Thành Tôn và cho các con yên tâm đi hát. Từ nhỏ tôi đã hiểu được nỗi cơ cực của má vì thời điểm đó gia đình tôi rất nghèo lại đông con. Tôi đã từng thấy má khóc vì nhớ sân khấu, nhớ những vai diễn. Và rồi, má vượt qua tất cả, lấy thành công của các con làm niềm vui cho mình. Đối với tôi, đó là một sự hy sinh rất lớn lao. Tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều dặn lòng sẽ cố gắng thành đạt trong sự nghiệp để đền đáp lại sự hy sinh đó. Công việc buộc tôi phải đi suốt cả ngày, có khi về nhà mà không chuyện trò được với má câu nào. Nhưng hôm nào tôi ăn cơm ở nhà là má vui lắm, bởi vậy cho dù đã ăn ở đâu đó rồi nhưng về nhà, tôi vẫn ráng ăn thêm một chén cơm nhỏ hoặc húp một chén canh để má vui lòng. Má kể tất cả những chuyện đã thấy, đã nghe được; còn tôi cứ ngồi im lặng nghe, thỉnh thoảng xen vào một vài câu. Tôi nhận ra niềm vui của má khi được “trút bầu tâm sự” với tôi.

Má tôi mất năm 2019, thọ 90 tuổi, đó là một mất mát rất lớn trong cuộc đời tôi. Bản thân tôi vẫn luôn ấp ủ ước mơ sẽ đưa hình ảnh của má lên sân khấu. Dù có thể má tôi không lý tưởng bằng những bà má khác, nhưng má là một nghệ sĩ lớn trong lòng tôi, là một tấm gương sáng cho cuộc đời tôi. Có thể những kiến thức, kinh nghiệm sống quý báu mà má tự trang bị để truyền lại cho con cái không hề có trong bất kỳ sách vở nào… Nếu có kiếp sau, tôi xin được tiếp tục làm con của má…!


Diễn viên Lý Hùng và mẹ

Diễn viên Lý Hùng: “Mẹ là nội tướng của cả nhà”

Nhiều người bảo rằng: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” quả thật đúng với gia đình tôi. Ba tôi – NSND Lý Huỳnh và mẹ tôi có 6 người con thì đã có 4 người nối nghiệp gia đình là anh đạo diễn Lý Sơn, tôi và Lý Thanh, Lý Hương. Từ nhỏ, mẹ tôi đã không hề áp đặt chúng tôi phải theo nghề của gia đình mà để chúng tôi nếu thực sự yêu thích, say mê thì tự tìm đến. Bởi mẹ tôi nói nghệ thuật bao giờ cũng đòi hỏi năng khiếu, sự say mê và khổ luyện.

Mẹ tôi tên Đoàn Thị Nguyên. Ba tôi kể sau ngày giải phóng, mẹ nuôi heo, lập tổ sản xuất bút bi ngay tại nhà, một tay mẹ điều phối dây chuyền sản xuất và các đầu mối giao hàng để ba tôi yên tâm đi cả năm trời hoàn thành các vai diễn. Năm ba tôi quyết định bước vào nghề sản xuất phim, mẹ bán đi đàn heo, sau đó tạm ngưng cơ sở sản xuất bút bi để đi theo làm người đứng phía sau hậu trường lo cho chồng. Sáu đứa con lần lượt ra đời, một tay mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng. Ba tôi chẳng bao giờ biết trong nhà còn bao nhiêu gạo hay trong tủ còn bao nhiêu tiền, bởi tất cả đều do mẹ quán xuyến hết.

Thành quả của anh em chúng tôi hôm nay không phải tự nhiên mà có, đó là sự vạch đường chỉ lối rất tận tâm của mẹ. Còn đối với ba tôi thì mẹ là trợ thủ đắc lực. Lúc ba còn sống, thỉnh thoảng khi tiếp xúc với đồng nghiệp hay phóng viên mà bỗng dưng quên chuyện gì thì ba tôi đều quay sang mẹ nhờ nhắc giùm. Có thể nói, mẹ trở thành “bộ nhớ” của ba tôi cả chuyện đời lẫn chuyện nghề.

Mẹ tôi rất tích cực ủng hộ, tham gia các chương trình quyên góp từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ. Trong những chuyến đi từ thiện này, mẹ thường bảo các con phải ủng hộ, phải đi theo để hiểu thêm với sự khốn khó của người dân để tự răn với mình, cuộc sống muốn có hạnh phúc ấm no, phải có sự chia sẻ và đồng cảm với những mảnh đời đáng thương.

Hồi tôi làm phim thi tốt nghiệp, ở phần cuối, tôi ghi là “Xin cảm ơn gia đình bà Đoàn Thị Nguyên”. Bạn bè tôi thắc mắc hỏi: “Gia đình bà Đoàn Thị Nguyên là ai, họ cho mượn bối cảnh hả?”. Tôi trả lời: “Bà Đoàn Thị Nguyên là mẹ của Hùng, mẹ của Hùng cho tiền làm phim tốt nghiệp nên Hùng cảm ơn, chứ ghi gia đình ông Lý Huỳnh thì “lộ” quá…”.  Lúc đó, các bạn tôi đều cười khoái chí…


NSƯT Hữu Châu và mẹ trong một chuyến đi từ thiện

NSƯT Hu Châu: “M hy sinh s nghip vì chng con”

Mẹ tôi là nghệ sĩ Thanh Lệ của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga trước giải phóng. Khi sinh tôi được hai tuổi, ba tôi là nghệ sĩ Hữu Thìn đã khuyên mẹ nên nghỉ hát để ở nhà quán xuyến gia đình, dạy dỗ con cái. Thế là mẹ hy sinh vì chồng con, mặc dù nghe chú sáu Bảo Quốc kể là nhiều lần thấy mẹ khóc bên cánh gà vì nhớ sân khấu. Là con trai trưởng, hiện tại tôi sống với mẹ và cũng được mẹ cưng chiều nhất. Mỗi khi tôi ra đường, mẹ đều nhắc nhở: “Nhớ đội mũ bảo hiểm, phải nhìn kỹ đèn xanh đèn đỏ, đừng ăn thực phẩm không an toàn nghen con!”. Điều đặc biệt là chưa bao giờ mẹ tôi nhận xét về những vai diễn của tôi. Nghe dư luận khen vở nào tôi đóng hay, mẹ mới đòi đi xem, nhưng về nhà lại khen… những đồng nghiệp của tôi. Những năm trước đây, mỗi lần đến sinh nhật mẹ, tôi đều mua tặng mẹ một xấp vải để may áo dài. Bây giờ sắp đến ngày này là mẹ dặn trước không được mua nữa vì áo quần đã quá đủ. Tôi nghĩ không phải vậy, mà do tính mẹ giỏi chịu đựng trong mọi hoàn cảnh, không tiêu pha hoang phí, dù cực cũng chẳng bao giờ than vãn điều gì.

Nhớ hồi mới ra trường, tôi theo đoàn nghệ thuật đi lưu diễn xa, mẹ lặn lội gần 300 cây số xuống thăm tôi. Nhìn thấy cảnh tôi tập luyện và cuộc sống sinh hoạt thiếu thốn, mẹ đã động viên tôi phải cố gắng học tập rèn luyện, vượt qua những khó khăn để thành công trong nghề. Mẹ luôn dạy cho tôi một bài học lớn lao là làm nghề phải giữ chữ tín. Hơn 30 năm đi diễn, tôi ít khi nào bỏ tập tuồng hoặc bỏ diễn, trong công việc và nghề nghiệp tôi luôn giữ sao cho trọn vẹn.

Bản thân tôi cũng đã từng diễn rất nhiều vở nói về tình mẫu tử. Tôi đã khóc với nhân vật của mình khi có những đứa con hiếu hạnh, hy sinh vì mẹ. Nhưng cũng tự trách những nhân vật sao lại bất hiếu, vô tình với mẹ mình. Kịch nói cũng chính là cuộc đời, người xem kịch nói sẽ học hỏi hoặc loại bỏ những điều không hay để sống tốt đẹp hơn.

Anh Khôi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)