“Nếu nhiễm HIV em sẽ ở lại trung tâm cùng các con, chấp nhận ly dị”. Cô giáo Đinh Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Việt Mông (Ba Vì, Hà Nội) quả quyết gắn sự nghiệp gieo chữ với những “mảnh đời bất hạnh”, mặc chồng và người thân ra sức can ngăn.
Ở tuổi 37, chị Thủy vẫn quyết định nhận đứng lớp với gần 20 số phận đeo trong mình căn bệnh quái ác – AIDS ở Trung tâm Lao động xã hội số 2, Nông trường Việt Mông.
"Yêu bằng cả trái tim"
10h sáng 17/11, chúng tôi tới được 2 lớp học của cô Thủy và cô Hà. Phó Giám đốc Trung tâm Lê Tiến Thắng niềm nở “năm nay, trung tâm mới được tăng cường thêm cô Hà, chứ 3 năm chỉ mình cô Thủy dạy lớp ghép khối 1, 2, 3 khá vất vả. Tuy vậy, ít khi cô than phiền”.
Gặp cô Hà vừa lúc thu bài khối 3. Cách ứng xử thân mật khiến chúng tôi quên đi “khoảng cách” đó là những học sinh (HS) “đặc biệt” với sự sống mong manh. Có con thay vì “thưa cô” lại gọi “mẹ ơi”, chạy đến bên cô nộp bài rồi đứng như cứ muốn gần cô mãi. Chị giải thích “các con ở lớp thường vậy, rất thích trò chuyện… ”.
Rời lớp anh, chị – chúng tôi qua lớp 1 của cô Đinh Thị Thủy. Cách lớp khoảng 10m, đã nghe giọng cô sang sảng. Ngỡ lớp đông nhưng buổi học sáng chỉ 4 cháu đến lớp, 3 cháu nghỉ ốm. Vẫn những phép tính "cộng, trừ trong phạm vi 5", cô vừa nói vừa giải thích bằng cách minh họa 2 bàn tay để các con dễ tiếp thu. Cả 4 trò đọc đúng kết quả, nhưng lại không viết đúng. Cô lại tận tình cầm tay nắn nót từng nét.
"Có lần xem ti vi làm phóng sự về các con, tôi đã khóc. Từ đó, tôi luôn nghĩ mình có thể giúp được các con và tìm cách được gần gũi…”. Rồi “vận may đến vào dịp Tết thiếu nhi năm 2006 khi Ban Giám hiệu (BGH) Trường Tiểu học Việt Mông dẫn HS vào giao lưu tại trung tâm. Liền sau đó, BGH gợi ý để giáo viên tự nguyện gieo chữ cho các bé. Chị là giáo viên duy nhất gắn sự nghiệp “trồng người” với những số phận xấu số. 19 HS độ tuổi từ 5-14 cũng vì thế có… mẹ!
Sau đó, chị phải mất 2 tuần thuyết phục ông xã”. Chị nhớ lại “có lúc, biết không cản được anh dọa, nếu vào đó nhiễm HIV thì sẽ bỏ”. "Nếu mắc, em sẽ điều trị hoặc ở lại trung tâm".
Ai cũng là bố mẹ
Cả lớp học chỉ vẻn vẹn 9 cháu, nhưng lại ở nhiều độ tuổi khác nhau: 1994, 1996, 2000, 2001… Ban đầu, mình cô Thuỷ quản cả lớp. Được ba năm, cô Hà về, tách được thành khối 2, 3 và khối 1, công việc đỡ vất vả.
Trẻ đặc biệt, lớp đặc biệt, phần lớn các cháu đều chưa qua lớp mầm non nên việc đảm bảo chương trình theo quy định của Bộ càng khó. Có những bài học yêu cầu kể về những người thân trong gia đình, nhưng vì xa thực tế nên các em không hiểu gia đình, bố mẹ là thế nào, không hiểu họ nội, họ ngoại quan hệ ra sao.
"Giải thích những điều đó cho các con hiểu rất khó, vì mỗi con một hoàn cảnh: đứa bị bỏ rơi, đứa bố mẹ đều AIDS mất sớm…", cô Thủy trầm tư. Do vậy, phải lấy những ví dụ gần gũi: như ông Thắng (PGĐ trung tâm) phải gọi là ông, những người quản lý trẻ hơn gọi cô, chú, bác… Thế nhưng, dù giải thích nhiều lần, các em vẫn gọi những người ở trung tâm là bố, mẹ tất. Lúc đầu nghe là lạ, sau dần cũng quen lại thấy tình cảm.
Trong lớp, ngoài việc giảng bài còn phải theo dõi động thái của các em. Nhiều bé có những hành động rất thương. Do không được "ti" mẹ nên có bé hay mút ngón tay. Thậm chí, có em còn khiến cô giáo bất ngờ khi nhìn thấy khói bếp bỗng thốt lên nhớ nhà và đòi được về nhà. Nhưng khi hỏi nhà ở đâu, có bé trả lời "nhà ở bệnh viện", có em ngây ngô "con sinh ra ở cổng trại".
Hoà nhập: Bao giờ?
Cô Đinh Thị Thủy (1968), tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Hà Nội (1989), công tác tại Trường Tiểu học Vân Hòa (Ba Vì) một năm. Năm 1990, chuyển sang Trường Tiểu học Việt Mông. Từ năm 2006, xung phong dạy gần 20 HS nhiễm AIDS ở Trung tâm Lao động xã hội số 2. Cô Phùng Thị Hà (1975), tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Xuân Mai (1995). Sau 7 năm công tác tại Trường Tiểu học miền núi Minh Quang A, nhận thêm bằng đào tạo ĐH từ xa. 3 năm giảng dạy tại Trường Tiểu học Vạn Thắng. Từ đầu năm 2008, về công tác cùng cô Thủy. |
Cuối năm 2007, trung tâm đề xuất đưa 5 bé học được, có năng khiếu múa hát ra học hòa nhập cùng HS Trường Tiểu học Việt Mông. Nói là hòa nhập nhưng các cháu được sinh hoạt và học cách ly tại 2 phòng riêng biệt, có cán bộ y tế, người chăm sóc đi kèm. Thế nhưng, ngay buổi học đầu, nhiều phụ huynh HS đã phản đối kịch liệt. Thậm chí mắng chửi giáo viên và có nhiều lời lẽ không tế nhị. Được một thời gian, các bé sợ "hoà nhập" nên quay về trung tâm, không dám nhắc đến việc ra trường.
Phó GĐ Trung tâm Lê Tiến Thắng cho rằng, việc phản đối vì chưa hiểu hết sự phát triển cũng như nguy cơ lây nhiễm. Như cô Thủy và nhiều người quản lý hàng ngày gần gũi cũng không có vấn đề. Đối với những số phận không may mắn, họ cần sự cảm thông, chia sẻ hơn sự khinh miệt.
May mắn hơn chị Thủy, chị Hà được chồng ủng hộ (do ông xã làm tại Trại cai nghiện số 1) nên sau một thời gian làm việc, nhiều lúc không nhớ phải giữ khoảng cách, trò cứ ôm chầm, bá vai, bá cổ. “Các con cũng giống như nhiều trẻ khác cùng độ tuổi: cần được an ủi, vỗ về… nên ít khi cáu giận” – chị Hà chia sẻ.
Cô Thủy thì đã 2 năm đón các bé về nhà ăn Tết. Thậm chí, những ngày nghỉ như 20/11, các bé đều được đến nhà. Thấy các con vui đùa hồn nhiên nên ông xã cũng thương và thông cảm hơn với công việc chị chọn.
Tùng Linh (Theo Vietnamnet)
Bình luận (0)