Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Mê cung “chợ” online: Sập “bẫy” hàng online

Tạp Chí Giáo Dục

Minh họa: Nguyễn Tài
Phần lớn hàng trên mạng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu không có kinh nghiệm, khách dễ mua nhầm hàng dỏm, hàng giả.

Những nạn nhân mua hàng trên mạng ví von mua hàng online giống như đánh bạc, “may nhờ rủi chịu”, muốn khiếu nại sau khi mua hàng cũng khó.

Thế giới của hàng không xuất xứ
 
Mới đây, anh Nghi, nhà ở quận 3-TPHCM, phản ánh đến Báo NLĐ về việc anh mua máy tính xách tay mới qua mạng nhưng bị giao hàng tân trang. Truy cập trang web www.maytinh…com và thấy rao bán máy tính xách tay hiệu HP mới 100%, rẻ hơn giá thị trường khoảng 300.000 đồng/máy, anh Nghi chat trao đổi kỹ với người bán về tính năng máy và đồng ý mua với giá hơn 14 triệu đồng tại một công ty ở quận 10. Sử dụng được vài ngày, anh phát hiện máy bị trầy ở cạnh đáy. Kiểm tra kỹ, anh phát hiện máy còn dán tem bằng tiếng Anh là “Refurbished” nghĩa là hàng đã được tân trang. Anh Nghi nhiều lần liên lạc với nhân viên công ty để đổi máy mới 100% nhưng không được giải quyết. Bực dọc vì bị lừa, anh Nghi cho biết sẽ gửi đơn khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 
 
Theo giới săn hàng online, thương mại điện tử đang phát triển mạnh và ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Có không ít địa chỉ mua sắm uy tín của những doanh nghiệp lớn. Tuy vậy, hàng online chỉ thật sự rẻ đối với những người am hiểu về mặt hàng và có kinh nghiệm mua hàng (nhất là hàng điện tử). Riêng đối với các loại trang sức, quần áo, giày dép… giá vài trăm ngàn đồng trở xuống, hầu như “luật bất thành văn” là ai đi chợ trên mạng đều bị một – hai lần mua nhầm hàng “đểu”. Đáng ngại nhất là chất lượng hàng bán qua mạng. Phần lớn các loại mỹ phẩm, điện tử, điện máy, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng… trên mạng đều được quảng cáo là hàng xách tay, hàng chính hãng 100% nhưng hoàn toàn không có gì chứng nhận và không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Vỏ sản phẩm toàn in tiếng Anh, Nhật, Hoa… không có nhãn phụ bằng tiếng Việt nên người bán vô tư “nổ”.
 
Theo Cường, một đầu nậu chuyên cung cấp hàng “sung sướng” và mỹ phẩm qua mạng, có đến 90% hàng loại này từ Trung Quốc tuồn về theo đường nhập lậu và tiểu ngạch. Chỉ cần post hình thật ấn tượng, quảng cáo thật “bay bổng” bảo đảm đắt như tôm tươi. Vì thế, bán hàng qua mạng sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân.
 
Khó phân biệt thật – giả
 
Nhiều bạn trẻ sập bẫy những kẻ lừa trên mạng với chiêu bán hàng hiệu thanh lý nhưng thực chất là hàng nhái, hàng giả. Vốn mê hàng hiệu, thấy chủ đề rao bán thanh lý toàn đồ hiệu trên trang muare.vn, Tâm chat với chủ hàng tên Tú Anh để mua. Nghe người bán quảng cáo là dân “máu mặt” toàn sưu tập đồ hiệu, mỗi loại có đến vài chục cái, Tâm tin tưởng mua ngay một túi xách Louis Vuitton.
 
Mua bán với nhau được 5-7 lần nhưng toàn gặp nhân viên giao hàng, Tâm ngỏ ý muốn đến tận nơi xem hàng và gặp gỡ chủ nhân của mớ đồ hiệu thanh lý đó nhưng lần nào cũng bị hủy hẹn vào giờ chót. Nghi ngờ, Tâm tìm hiểu qua các diễn đàn và bạn bè có mua bán qua mạng, được biết tất cả hàng hiệu Tú Anh rao bán thanh lý đều là hàng nhái, hàng giả hiệu được lấy lại từ một facebook chuyên bán đồ giả hiệu và từ các website khác, về kê giá cao hơn và rao bán thanh lý để lấy lời. “Tính ra, tôi đã mất gần 10 triệu đồng cho mớ đồ hiệu giả đó. Không thể để những người buôn bán gian lận kiểu này tiếp tục lừa gạt người khác, tôi sẽ đưa việc này lên các diễn đàn để cảnh báo mọi người và báo công an…” – Tâm cho biết.
 
Kỹ thuật viên của một hãng điện thoại di động khá lớn tên Quốc Đoàn chuyên mua bán sang tay các mặt hàng điện tử qua mạng cho biết: Mặt hàng dễ “chết” nhất là điện thoại di động. Hầu hết điện thoại di động bán trên mạng là hàng cũ, hàng nhái, hàng giả giống y như thật do Trung Quốc sản xuất, chỉ đến khi sử dụng, người mua mới biết mình mua nhầm hàng giả.
 
Dân kỹ thuật nhưng không để ý cũng có thể mua nhầm hàng “đểu”. “Lúc mới vào nghề, tôi cũng từng bị lừa khi mua chiếc iPhone 3G giá 4,5 triệu đồng. Lúc nhận máy, tôi kiểm tra kỹ thông số kỹ thuật, chức năng điện thoại do chính hãng Apple sản xuất nhưng quên kích hoạt máy bằng sim của mình. Về nhà, lắp sim vào thì điện thoại báo không nhận sóng. Gọi điện thoại cho người bán mắng vốn, người này trắng trợn cho biết đó là hàng Trung Quốc mang qua Mỹ rồi xách tay về VN. Muốn đổi lại chiếc khác thì… phải trừ 20% phí hao mòn” – Quốc Đoàn kể.

Phí vận chuyển đắt hơn giá hàng

Nhiều người tin rằng bán hàng online không tốn phí mặt bằng, phí quản lý, thuế… nên giá cả thấp hơn thị trường 5% – 20%. Tuy nhiên, mua hàng qua mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất thời gian, tiền bạc… Nhiều trường hợp, do chủ quan, người mua không thương lượng kỹ chi phí vận chuyển, khi hàng được giao đến nhà, phải ngậm bồ hòn làm ngọt trả thêm phí vận chuyển… trên trời.

Trường hợp chị Thanh Hoa, ở quận Thủ Đức – TPHCM, mua một cây son có xuất xứ từ Malaysia trên mạng giá 70.000 đồng. Khi giao hàng, người bán tính thêm tiền… xe lên đến 80.000 đồng nữa. Tiền mua son lỡ chuyển rồi, không lẽ bỏ hàng không lấy nhưng trả thêm 80.000 đồng một cách vô lý, chị Hoa rất ấm ức.

Theo Người Lao Động

Bình luận (0)