Khai giảng lớp “Bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học” tại Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM |
Những năm gần đây, du học tự túc đã không còn xa lạ với những gia đình có điều kiện muốn cho con mình ra nước ngoài học tập. Đáp ứng nhu cầu đó, các công ty tư vấn du học quốc tế “mọc” lên khá nhiều. Điều này đem đến sự đa dạng trong việc lựa chọn cho phụ huynh, HS nhưng cũng nảy sinh những vấn đề đáng quan tâm.
Du học là một trong những con đường để các bạn trẻ có cơ hội thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Bên cạnh nhiều HS, SV đi học theo chương trình học bổng của Chính phủ thì cũng có không ít bạn lựa chọn con đường du học tự túc.
“Choáng ngợp” trước thông tin du học
Theo lời nhân viên tư vấn của một công ty tư vấn du học nằm trên đường Trần Quang Khải (quận 1), thời gian này đang là mùa cao điểm của dịch vụ tư vấn du học. Ngoài những điểm đến là các trường ở những “miền đất hứa” như Mỹ, Anh, Úc, Singapore… thì các trường ở Malaysia, Philippines… cũng thu hút khá nhiều sự chú ý tại các hội thảo, các buổi tư vấn. Trên nhiều tuyến đường của thành phố, không khó để bắt gặp những băng rôn quảng cáo về các hội thảo du học quốc tế. Có mặt tại hội thảo của 3 công ty tư vấn du học, chúng tôi cảm thấy như bị lạc vào mê hồn trận. Các tư vấn viên đều nói về một “tương lai màu hồng” với những ngôi trường, những thành phố lý tưởng mà du HS sẽ đến để sinh sống, học tập và làm việc. Bên cạnh đó là những chương trình xét học bổng du học lên đến 100% học phí, miễn phí dịch vụ, miễn phí đặt ký túc xá, đưa đón sân bay hai chiều…
Đây cũng chính là mối băn khoăn của không ít gia đình khi có ý định cho con đi du học tự túc bởi họ bị “ngập” giữa thông tin và những chương trình ưu đãi khi nộp hồ sơ du học. Mai Qui, một du HS Việt Nam hiện đang theo học tại Trường ĐH Portsmouth (Anh quốc) chia sẻ: “Mình mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu cặn kẽ về ngôi trường mình sẽ theo học qua các công ty tư vấn, các hội thảo du học và các trang mạng xã hội. Thời đại thông tin mở, nếu các trường quốc tế muốn tuyển SV hay có những suất học bổng thì mọi thông tin đều được đăng trên mạng”. Tuy vậy, không phải phụ huynh nào cũng dành thời gian để tìm hiểu cụ thể nên họ chỉ biết giao phó, đặt niềm tin vào các công ty tư vấn du học.
Năm 2012, nhiều công ty tư vấn du học bị báo chí phanh phui vì các vụ lừa đảo với nhiều hình thức tinh vi. Các công ty này đã cho khách hàng ăn “bánh vẽ” khi cam kết sẽ xin được Visa 100% và kèm theo chương trình tặng học bổng, miễn phí nhiều dịch vụ… Nhiều du HS khi nhập học rồi mới “vỡ mộng” bởi ngôi trường mình học khác xa so với những hình ảnh quảng cáo được giới thiệu trong các đoạn phóng sự tại hội thảo. Các thủ đoạn lừa đảo này đã được cảnh báo nhưng có khá nhiều trường hợp phải ngậm ngùi không biết kêu ai khi phát hiện mình bị “dính bẫy”. Thời gian gần đây, theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều phụ huynh đã có sự cảnh giác hơn. Chị Hoàng Oanh (quận 3, TP.HCM) cho biết: “Tôi có nghe nói đến dịch vụ bao đậu một hồ sơ du học Mỹ với giá 25.000-30.000 USD nhưng thấy sợ quá. Tôi muốn tìm một công ty tư vấn đảm bảo cho con trai mình đi du học sau khi cháu tốt nghiệp lớp 12. Hai mẹ con đi dự nhiều hội thảo rồi mà vẫn chưa biết lựa chọn ra sao”.
Khi quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15-1-2013 (gọi tắt là QĐ 05) của Thủ tướng Chính phủ về quản lý dịch vụ tư vấn du học chưa được ban hành, sự quản lý hoạt động các công ty tư vấn du học còn khá lỏng lẻo thì nhiều gia đình đã trở thành “miếng mồi ngon” của những dịch vụ tư vấn lừa đảo. Hạn chế về thông tin và thời gian tìm hiểu của phụ huynh là một trong những nguyên nhân để các trung tâm tư vấn du học, “cò” du học đánh vào tâm lý, thuyết phục phụ huynh làm hợp đồng sớm để nhận nhiều ưu đãi. Khi phát hiện thấy dấu hiệu lừa đảo, phụ huynh đơn phương hủy hợp đồng thì đương nhiên sẽ bị trừ 30% khoản phí đã nộp cho công ty tư vấn.
Cân nhắc lựa chọn
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Phạm Thị Cẩm – Phó trưởng phòng GDCN & ĐH, phụ trách du học tự túc của Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Sau hơn một năm thực hiện QĐ 05 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý dịch vụ tư vấn du học, việc quản lý hoạt động của các công ty tư vấn du học đã bước đầu ổn định. Phụ huynh, HS nên tìm đến những công ty tư vấn uy tín, được cấp giấy phép hoạt động của Sở GD-ĐT để có sự lựa chọn phù hợp nhất”.
Nhằm tránh tình trạng hoạt động tràn lan của các công ty tư vấn du học, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành thông tư số 23/2013/TT-BGDĐT, ngày 28-6-2013 quy định về tổ chức, bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn du học và thông tư số 29/2013/TT-BGDĐT, ngày 25-7-2013 ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học. Ở khu vực phía Nam, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, tổ chức kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn du học theo quyết định 2842/QĐ-BGDĐT, ngày 5-8-2013 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Đến nay, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM đã hoàn thành 8 khóa học lớp “Bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học” với gần 400 học viên theo học và được nhận chứng chỉ. Ông Phan Minh Phụng, Phó trưởng khoa Quản lý giáo dục của trường cho rằng: QĐ 05 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý dịch vụ tư vấn du học là một bước tiến trong quản lý hoạt động của các công ty tư vấn du học, hạn chế tình trạng thả nổi dịch vụ tư vấn du học.
Tuy nhiên, khả năng những công ty hoạt động chui, không giấy phép, tình trạng “cò” du học vẫn tồn tại là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, khi có ý định cho con mình đi du học tự túc, phụ huynh cần có sự cân nhắc lựa chọn thật kỹ để tránh “tiền mất tật mang”. Phụ huynh cũng có thể tìm hiểu thông tin qua website của trường, qua lãnh sự quán, qua các trang mạng xã hội… để có thêm những thông tin chính xác hơn.
Con đường du học không phải là màu hồng. Với nhiều du HS, du học còn là nỗi lo toan, vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Du học tự túc cũng không hề dễ dàng. Để việc du học có kết quả như mong đợi cần phải xác định rõ phương hướng, mục đích, lên kế hoạch cụ thể chứ không nên đi du học theo phong trào, đi cho bằng bạn bè như không ít những trường hợp hiện nay.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)