Dòng chữ đó đã cảnh tỉnh tôi, rằng dù con là ai, con thành công hay thất bại thì con vẫn là con của tôi, không ai thay thế.
Bạn trẻ tham gia khóa học "Bí quyết teen thành công" dành cho học sinh ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN
Nga là bạn học cùng lớp, một trong bốn cô bạn thân của con. Nga học giỏi và ngoan, hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn cố gắng học tập.
Nhiều ông bố bà mẹ biết đến tên Nga do trong các buổi họp phụ huynh Nga luôn trong số những học sinh được nêu tên để biểu dương.
"Nếu con được như Nga…"
Thỉnh thoảng Nga cũng đến chơi nhà tôi. Đó là đứa bé hơi cầu toàn, làm việc gì cũng cẩn thận, lễ phép và đặc biệt khá gọn gàng, ngăn nắp. Thú thật, đôi lúc trong đầu tôi cũng nhen lên ý nghĩ giá con mình được như Nga thì tôi bớt lo lắng.
Một lần, giận con lại bị cô giáo nhắc nhở quên vở, quên làm bài tập, tôi buột miệng: "Con chơi với Nga sao không học lấy cái tốt của bạn. Nếu con cũng cẩn thận, có trách nhiệm với việc của mình như Nga thì mẹ đâu phải lo lắng cho con thế này. Con làm cho mẹ buồn lắm".
Con sững nhìn tôi, trên tay nó vẫn cầm cái kéo, miếng giấy màu. Tôi nhìn quanh phòng con, nỗi bực càng lớn hơn khi chăn gối bừa bộn. Những mảnh vụn giấy màu, sợi len dùng làm trang trí đồ handmade rơi tung tóe trên sàn.
"Sao con mình không giống cái Nga có phải tốt không?", tôi đã nghĩ như thế khi đóng cửa phòng con.
Sáng hôm sau sinh nhật tôi. Thay vì tấm thiệp chúc sinh nhật tự cắt dán như mọi năm của con, tôi tìm thấy mảnh giấy ghi dòng chữ "Mẹ hãy nhận bạn Nga là con đi".
Trong tôi tràn ngập sự ân hận.
"Nếu mẹ đã thất vọng vì con đến thế, nếu mẹ thấy bạn Nga tốt hơn con thì hay bảo bạn ấy làm con của mẹ đi", tôi hiểu con bé muốn nói như thế. Đó chỉ là phản ứng tức thời của trẻ con ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa ấm".
Ngày mai có thể con sẽ quên chuyện này. Nhưng nếu tôi tiếp tục phạm sai thì có thể tôi sẽ gây tổn thương nặng nề hơn cho con. Thật kì lạ là dòng chữ đó đã cảnh tỉnh tôi, rằng dù con là ai, con thành công hay thất bại thì con vẫn là con của tôi không ai thay thế.
Mẹ con tôi làm lành sau đó. Con xin lỗi vì đã quên sinh nhật tôi và làm tôi buồn. Và tôi tự nhủ không bao giờ đem con ra so sánh với ai trong bất cứ trường hợp nào.
"Xin đừng so sánh con với bạn"
So sánh sẽ làm con mất tự tin và bị tổn thương – Ảnh minh họa: DreamsAmbassador.co
Gần nhà tôi có Lan, học cùng trường với con tôi. 13 tuổi, con bé đã bỏ học đi chơi. Mỗi lần bị bố nhốt trên tầng đánh thì nó lại lén điện thoại cho con gái tôi nhờ sang "giải cứu".
Thường tôi sang nhà bạn cùng con. Tôi nói chuyện với bố mẹ Lan còn con gái tôi tót lên phòng Lan, nó bảo "con phải an ủi bạn".
Lần nào mẹ nó cũng nói với tôi: "Giá con Lan nó được như con nhà em thì tốt quá". Con tôi đặc biệt không thích nghe câu đó. Tôi nghĩ con ngại khi được người lớn khen trước mặt. Nhưng có lần, con đề nghị:
– Mẹ có thể nói với mẹ bạn Lan giúp con không, bảo bác ấy đừng bao giờ so sánh con với Lan nữa. Nhất là lúc nó có lỗi.
Nét mặt con chưa bao giờ nghiêm túc hơn thế. Tôi nhìn con và trong tích tắc nhớ lại ánh mắt con hôm tôi đem Nga ra so sánh với con. Nhưng tôi vẫn thử gợi chuyện:
– Nhưng bác ấy nói thế là có ý khen con đấy!
– Con thấy không thoải mái. Có thể bác chẳng thích khen con đâu nhưng bác muốn đem con làm gương để mắng bạn Lan. Mẹ không biết là khi bị so sánh với bạn khác, bọn con thấy tồi tệ thế nào đâu.
– Bạn Lan phàn nàn với con về việc bị so với con à?
– Bạn ấy từng nói không thích chơi với con nữa!
– Tại sao lại thế? Con đâu có lỗi trong chuyện này?
– Vâng, nhưng không ai thích chơi với người mà mình bị so sánh. Con cũng từng có cảm giác đó với Nga.
Sau này khi có dịp được mời tham gia một buổi chia sẻ với các bậc cha mẹ tại một khóa học kỹ năng sống dành cho tuổi teen, tôi thử làm một trắc nghiệm nhỏ với những người tham gia buổi nói chuyện.
Hầu hết trong số đó đã thừa nhận từng ít nhất một lần lấy ai đó làm gương khi mắng con, khi con phạm lỗi, nhưng chỉ có 1-2 vị cho rằng có tác dụng tích cực, một số khác cho biết "không để ý thái độ của con" vì không thấy có biểu hiện gì khác, và khoảng hơn 10 vị cho biết họ nhận được phản ứng tiêu cực từ con.
"Tôi rất bực và cho rằng cháu hỗn láo", một ông bố bày tỏ suy nghĩ. Một người khác cũng chia sẻ: "Con trai tôi tỏ ra cáu kỉnh. Thậm chí mỗi khi tôi định nhắc nhở con điều gì thì nó nói trước luôn: Con biết rồi, con không được bằng bạn Khánh, thế được chưa mẹ? Tôi biết đó là cách phản kháng, nhưng đôi khi không kiềm chế được".
Khoảng 3-4 năm sau khi nói 'Mẹ hãy nhận bạn Nga là con đi', con gái chia sẻ với tôi: "Cách mẹ so con với Nga khi đó khiến con cảm thấy con không có chút giá trị nào trong mắt mẹ. Con từng ước mình làm được điều gì đó để mẹ coi trọng, để chứng tỏ con cũng có thể làm mẹ tự hào. Và con đã rất bất lực. Sau này nghĩ lại con thấy chuyện ấy cũng bình thường thôi, đâu có gì ghê gớm. Nhưng ở tuổi 13, con đã nghĩ khác" Vĩnh Hà |
Trong phần điền thông tin vào hồ sơ của khóa học này, tôi nhớ có một học viên 13 tuổi viết về câu chuyện nêu gương: "Bố mẹ so sánh em với chú Ngô Bảo Châu hay so sánh với bạn A, B nào đó ở Mỹ, Pháp, kể cả châu Phi cũng được, nhưng em ghét nhất bị so với thằng Đạt, hàng xóm nhà em".
Thì ra xung quanh việc so sánh con với ai đó, tưởng như chỉ là sự buột miệng nói ra, là việc không kiềm chế cơn giận của cha mẹ. Chuyện qua đi như gió thoảng nhưng lại để lại trong đầu những đứa trẻ thật nhiều điều phải nghĩ…
So sánh con với những đứa trẻ khác sẽ làm con: – Mất đi sự tự tin về bản thân – Mất đi mối quan hệ yêu thương với cha mẹ – Tổn thương – Khó khăn trong việc kết nối với bạn bè Cha mẹ hãy: – Không so sánh con với người khác, nhất là với bạn bè cùng trang lứa – Chấp nhận những tài năng vốn có của con – Luôn chia sẻ những tổn thương, thất bại của con – Thường xuyên khen ngợi con – Luôn vui vẻ và trò chuyện cùng con |
VĨNH HÀ/TTO
Bình luận (0)