Sự kiện giáo dụcTin tức

Mẹ ở nhà “ổ chuột”, con ở nhà trẻ “chui”

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một vài năm trở lại đây, tại Đà Nẵng nhiều khu công nghiệp mở ra, kéo theo đó là hàng chục ngàn lao động từ khắp các miền quê đổ về thành phố này để làm việc và sinh sống. Vì thế nhu cầu về nhà ở cho công nhân cũng như nhà trẻ để trông giữ, dạy dỗ cho con em họ cũng ngày càng tăng cao. Thế nhưng cả doanh nghiệp (DN) lẫn các ban ngành chức năng tại Đà Nẵng vẫn không mấy mặn mà trong vấn đề này…
Nhà trọ… “ổ chuột”!
Thống kê cho thấy, hiện nay thành phố Đà Nẵng có hơn 50.000 công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp (KCN). Con số cụ thể này đã phần nào nói lên nhu cầu bức thiết về nhà ở cho những công dân lao động nhập cư về thành phố này.
Trong vai người tìm phòng trọ, chúng tôi đã lê la vào chục dãy phòng tại phường Hòa Khánh (Liên Chiểu) và phường Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) để hỏi thuê. Nhưng đi đến đâu cũng đều nhận được cái lắc đầu: “Hết”. Tầm 12 giờ trưa, thấy chúng tôi vẫn đội cái nắng 37 độ đi hỏi thăm, chị Nguyễn Thị Mai (quê Thừa Thiên – Huế), công nhân đang làm việc tại KCN An Đồn (Sơn Trà) vui vẻ: “Bữa nay tìm phòng khó lắm, nếu thấy tiện, em qua ở cùng với các chị. Phòng chị có ba người. Trước đây chỉ mình chị nhưng hai tháng trước chủ nhà tăng tiền trọ lên 1,2 triệu đồng/ tháng, chưa tính tiền điện nước nên chị tìm thêm hai bạn để bớt chi phí”. “Mục sở thị” căn phòng rộng chưa đầy 9m2, mái nhà lợp tôn cũ nát, trần nhà thấp quá đầu tầm một cánh tay với, không có lỗ thông gió. Hơi nóng hầm hập, phòng tối om vì ba mặt của khu trọ đều bị bít kín, lối đi vào rộng chưa đầy 1m…
Sống chật chội đối với người độc thân như chị Mai xem ra còn đỡ vất vả. Thuê căn phòng khoảng 10m2, nhưng gia đình chị Bình (quê Quảng Trị) là công nhân KCN ở quận Liên Chiểu lại có thêm hai đứa con. “Bốn người chen chúc nhau ngột ngạt lắm, nhất là đến mùa hè thì hai đứa con cứ khóc ngặt nghẽo vì nóng. Nhưng vì cuộc sống, đành chịu! Chẳng biết bao giờ mới có nơi ở rộng rãi…”, chị Bình buồn buồn cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, là địa bàn tập trung nhiều KCN, nên vấn đề nhà trọ cho công nhân luôn “căng thẳng”. Chỉ tính riêng lượng công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh, Thanh Vinh (Liên Chiểu) đã lên tới hơn 30.000 người. Hầu hết họ phải thuê nhà trọ xung quanh nơi làm việc, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt, an ninh trật tự vì thế không bảo đảm.
Nhắm mắt đưa con gửi nhà trẻ “tự phát”
Vì không có ai chăm con giùm như ở quê, chị Nguyễn Thị Lan (30 tuổi, ở Quảng Nam), công nhân KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang gửi con ở nhà trẻ tư thục gần nơi trọ. Chị Lan cho biết: “Mấy hôm nay được nghỉ lễ ba ngày nên ở nhà cùng con. Bình thường thì mình gửi ở nhà trẻ tư thục ngay đầu ngõ”. Thấy tôi băn khoăn vì sao cháu đã bốn tuổi mà vẫn chưa đến nhà trẻ công lập, chị Lan tâm tư: “Lương chị và chồng cộng lại chưa đến 4 triệu đồng/tháng, trong khi đó phải lo đủ thứ tiền nào nhà, điện nước, ăn uống, sữa cho con… Mình cũng đã tham khảo nhiều trường công lập nhưng tiền học phí quá cao nên cho bé học nhà trẻ tư thục mới đủ chi phí (650 ngàn đồng/ tháng)!”.
Dạo một vòng quanh các KCN ở Đà Nẵng, chúng tôi thấy có rất nhiều tấm bảng gỗ ghi “Giữ trẻ tại nhà, giá rẻ…”. Tuy nhiên theo tìm hiểu được biết trong số đó có nhiều nhà trẻ không được cấp phép. Thậm chí “bảo mẫu” ở những nhà trẻ tại gia này hầu hết đều chưa hề qua đào tạo, không có chuyên môn nghiệp vụ, có “bảo mẫu” đến 60, 65 tuổi… họ tận dụng nhà ở của mình làm nơi trông trẻ để kiếm thu nhập!
“Làm cha mẹ ai lại chẳng muốn gửi con vào trường lớp đàng hoàng? Nhiều khi thấy ti vi đưa tin trẻ bị bạo hành mình cũng lo lắm nhưng đành nhắm mắt đưa chân. Bọn mình làm tăng ca, mà trường công lập chỉ trông trẻ từ 7 giờ sáng đến 16, 17 giờ chiều thì làm răng (sao) đón cháu? Đó là chưa kể việc mình không có hộ khẩu thành phố thì làm răng xin được cho con vào trường công lập?”, chị Nguyễn Thị Linh (37 tuổi, quê Quảng Bình) bộc bạch.
Đại diện một DN chế biến hải sản ở KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang (có gần 90% là công nhân nữ đang làm việc) khi được hỏi đã cho rằng, việc xây dựng nhà trẻ, công ty chưa nghĩ đến. Lâu nay công nhân vẫn gửi con ở nhà trẻ tư nhân mà chưa hề xảy ra điều gì đáng tiếc(?). 
Theo bà Trần Chân Châu, Trưởng phòng Quản lý cơ sở hạ tầng và an ninh KCN An Đồn thì: “Hiện có gần 4.000 công nhân đang làm việc tại đây có nhu cầu nhà bức thiết về chỗ trọ. Do chưa có quy định nên chúng tôi chỉ vận động, tùy vào sự quan tâm của DN đối với công nhân của mình chứ không thể ép họ xây nhà ở cho công nhân được”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đàm Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn các KCN và KCX thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện ở 6 KCN có trên 51.000 lao động, với 80% là nữ, 50% trong số này đang ở độ tuổi sinh đẻ nên vấn đề nhà trẻ cho con em công nhân đang là vấn đề cấp thiết”. Theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 439 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo thuộc trường tư thục, trong đó có hàng chục nhóm chưa được cấp phép hoạt động. Đó là chưa kể những cơ sở trông giữ trẻ kiểu gia đình tự phát không khai báo, chưa thống kê được.
Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)