Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Me Quảng làng phong

Tạp Chí Giáo Dục

Ở tuổi 60, cô Quảng vẫn miệt mài bên trang giáo án để tìm phương pháp dạy Anh văn tốt nhất cho học trò làng Vân

Không tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, nhưng vì thương những đứa trẻ làng phong thiệt thòi nên cô đã cất công đi học tiếng Anh rồi xin nghỉ hưu sớm về truyền lại ngôn ngữ mới cho học trò của mình. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Quảng (60 tuổi), ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng). Các em học trò ở làng Vân thường gọi cô với cái tên trìu mến là “me Quảng” (PV: mẹ Quảng)…

Lần lữa mãi cuối cùng chúng tôi cũng có dịp theo chân cô giáo Quảng để đến với lớp học Anh văn của trẻ em làng phong. Mới 6 giờ sáng nhưng con đường dẫn đến làng Vân đã nóng như hỏa lò, không khí oi nồng đến nghẹt thở. Cô Quảng nói: “Đường đi xa và vất vả lắm! Nếu không quen cuốc bộ thì phải chuẩn bị tinh thần nhé”. Rồi như sợ chúng tôi nản lòng, cô tiếp: “Cách đây 5 năm, lần đầu tiên ra làng Vân dạy tình nguyện cho các em, cô cũng rất lo lắng. Đường xa lại vắng vẻ, heo hút, điện thoại lúc đó cũng chưa có nên cứ nơm nớp sợ lạc đường, lo lỡ ngất xỉu giữa chừng thì không biết nhờ ai. Những lúc như vậy, chỉ cần nghĩ đến những gương mặt rạng rỡ của các em và các phụ huynh đang ngóng ở đầu làng là cô quên hết mỏi mệt”.
Học “lỏm” nghề ở trung tâm ngoại ngữ
Bấy lâu nay, mỗi khi nhắc đến cô Quảng dạy Anh văn, người ta liên tưởng đến một cô giáo từng tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ hay một ngành nào tương đương thế. Nhưng ít ai biết rằng, để thành thạo ngoại ngữ như ngày hôm nay, cô phải cất công đi học “lỏm” một thời gian dài ở trung tâm ngoại ngữ. Và các thầy cô giáo ở trung tâm ấy có lẽ cũng không ngờ được rằng, một ngày kia, “cô học trò” của họ lại mang những kiến thức học được giúp đỡ cho những mảnh đời kém may mắn vươn lên trên con đường học chữ.
“Những năm 90 của thế kỉ trước, khi Anh văn bắt đầu phổ biến trong nhà trường, cô quyết định đăng ký đi học Anh văn trình độ B ở Trường CĐ Giao thông vận tải 5 (Đà Nẵng) nhằm lận lưng chút vốn ngoại ngữ để còn ra ngoài giao lưu với bạn bè, bày vẽ cho con cái”, cô Quảng bộc bạch.
Hồi còn đi dạy ở Trường Tiểu học Hòa Vân (quận Liên Chiểu), cô Quảng đảm nhiệm luôn vị trí chủ tịch công đoàn của trường nên mỗi năm có đến vài lần ra thăm làng phong. Sau mỗi chuyến đi trở về, cái ý nghĩ phải học tốt môn Anh văn để có ngày giúp các em ở đây cứ thôi thúc cô. Thế là không dừng lại ở việc học trên trung tâm, cô giáo Quảng còn tranh thủ thời gian lên mạng, ra hiệu sách và tìm đến các giáo viên dạy tiếng Anh để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu về phương pháp truyền đạt hiệu quả. Cô Quảng tâm sự: “Mình cũng đã từng trải qua những lúc khốn khó, từng khát khao có được một cuốn sách hay hoặc ước ao có thời gian để học hành cho bằng chúng bạn nên bây giờ mình rất hiểu nỗi lòng của các em ở làng Vân”.
Nghĩ là làm, cô Quảng quyết định xin nghỉ hưu sớm hai năm và ngay sau đó (năm 2006), cô nộp đơn lên Hội Cựu giáo chức thành phố tình nguyện dạy tiếng Anh cho con em Hòa Vân với mong muốn giúp các em có thể theo kịp chương trình khi vào đất liền học THCS.
Những bước chân không mỏi

Cô giáo Quảng đang dạy ngoại ngữ cho trẻ làng Vân
Làng Vân thuộc Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) một thời được xem là chốn lánh đời của những người mắc bệnh phong. Cuộc sống của 138 hộ dân Hòa Vân chủ yếu chỉ nhờ vào nương rẫy, đánh bắt cá ven bờ và trợ cấp xã hội. Nằm sát dưới chân đèo Hải Vân, Hòa Vân gần như biệt lập với thế giới bên ngoài bởi ba mặt giáp biển, mặt còn lại dựa lưng vào núi. Muốn ra thăm ốc đảo này chỉ có cách đi bằng thuyền máy hoặc đi bộ men theo tuyến đường sắt và buộc phải chui qua đường hầm khá dài. Chính vì vậy, con chữ đến với trẻ em làng Vân cũng lắm gập ghềnh. Học hết tiểu học, học sinh làng Vân phải vào đất liền trọ học. Môn ngoại ngữ trở thành gánh nặng với các em khi các bạn ở đất liền đã làm quen với tiếng Anh từ lớp 3.
Cùng với tấm lòng và chút kiến thức ngoại ngữ có được nhờ tự học, cô Quảng quyết tâm vượt núi ra làng Vân tình nguyện dạy học với mong muốn tiếp thêm niềm tin để các em không bỏ dở ước mơ đến trường của mình.
Hành trang của cô giáo Quảng không khác gì một người đi rừng! Ngoài giáo án, sách vở còn có đèn pin, gậy, đôi giày vải leo núi, thuốc men, một ít gạo, thức ăn, nước uống… Cô Quảng kể: “Lần đầu tiên ra làng Vân tôi cũng sợ lắm. Sợ nhất là đi qua đường hầm, đã có không ít tai nạn xảy ra bởi không biết lúc nào thì có tàu mà tránh. Tiếng gió rồi tiếng sóng vỗ vào núi đá cũng gần với tiếng tàu nên khó mà phân biệt được. Nhưng đi dần rồi cũng có… kinh nghiệm”.
“Để đảm bảo an toàn khi đi trong hầm, mình nên đếm bước chân. Khoảng 30 bước là có một vách ngăn nhỏ để tránh tàu chạy qua. Thế nên, phải điều tiết bước chân để kịp chạy vào chỗ nấp. Ngoài ra, khi đi qua hầm cần chú ý tiếng gió. Thấy luồng gió mạnh bất thường là biết sắp có tàu. Khi không kịp chạy vào vách lõm đường hầm thì cách duy nhất để tránh tàu là nằm sát xuống mép ngoài đường ray chịu trận” – cô Quảng chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi.
Ra khỏi đoạn đường hầm đầy nguy hiểm ấy, còn phải đi thêm một đoạn đường sắt khoảng 1km nữa trước khi cắt đèo băng rừng xuống làng Vân. “Có lần quay trở lại trường sau hai tháng nghỉ hè, cây cối mọc thêm lên, những chỗ mình đánh dấu không còn như cũ nữa nên đi lạc vào rừng. 1 giờ chiều tìm mãi không ra con đường mòn mà mình thường lên xuống. Cô cứ bám vào cây dọc ta luy đường sắt rồi nhảy lên nhảy xuống mấy lần để tìm đường. Xế chiều, gặp được một bác nông phu đi rừng về đưa xuống núi. Hôm đó, cả làng Vân kẻ đi tìm, người đợi cô ở đầu cổng làng. Nhìn cảnh đó mình cảm động đến rơi nước mắt”.
“Chúng em phải đuổi kịp”
Trường Tiểu học làng Vân vỏn vẹn có hai phòng. Trong lớp học ngoại ngữ của cô Quảng, mười mấy đứa trẻ từ lớp 3 đến lớp 5 được ghép ngồi quay lưng vào nhau. Trước giờ lên lớp, cô giáo phải soạn cùng lúc 3 giáo án riêng. Bảng đen được chia làm 3 phần cho 3 lớp. Giảng bài, giao bài tập cho lớp này xong, cô lại quay sang phần bảng của lớp khác. “Vào đất liền em có theo kịp chương trình các bạn ở thành phố đang học không?”, tôi hỏi. “Nhất định chúng em phải đuổi kịp!”, em Hồ Hoàng Phúc, năm nay lên lớp 6 tỏ rõ quyết tâm.
Không riêng Phúc, 5 năm nay, có rất nhiều học sinh làng Vân đã khẳng định được khả năng học ngoại ngữ của mình bằng những tấm bằng khen cấp quận, thành phố. Em Trần Minh Thuận, học sinh lớp 5 đã 2 năm liền đứng trong đội tuyển học sinh giỏi Anh văn của quận Liên Chiểu. Thành tích ấy so với các trường ở thành phố có lẽ còn quá nhỏ nhưng đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những đứa trẻ làng phong cùng tấm lòng của cô giáo Quảng sau bao năm băng rừng lội suối.
Ban đầu cô chỉ nghĩ rằng dạy được ngày nào hay ngày đó. Nhưng rồi cứ sau mỗi giờ tan lớp, các em lại hỏi: “Ngày mai cô có ra làng Vân nữa không?”, cô chỉ biết gật đầu. 5 năm rồi, đều đặn một tuần 3 buổi, cô Quảng vượt chặng đường 16km cả đi lẫn về “cõng” tiếng Anh ra làng Vân. “Nghe đâu cuối năm nay, dân cư Hòa Vân sẽ chuyển vào định cư ở đất liền. Các em sẽ được học chung trường với các bạn ở thành phố. Biết tin ấy tôi mừng rơi nước mắt. Tôi sẽ tiếp tục hành trình ra đảo cho đến khi các em được vào hết đất liền”, cô Quảng trải lòng.
Bài, ảnh: Phan Lệ

“Làng phong này được thành lập hơn 40 năm rồi nhưng cái nghèo vẫn cứ bám riết lấy mỗi nóc nhà của bà con dân đảo. Trẻ em vì thế cũng chịu lắm thiệt thòi”, cô Quảng cho biết.

 

Bình luận (0)