Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mẹ SV bị sát hại tại Nga: Mong thi thể con sớm về Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Bát bún cua đầy ứ, nguội ngắt để trước mặt chị Liễu đã nửa tiếng. Những bát bát bún, phở được dọn đến, rồi bê đi, vẫn ứ đầy như thế. Hai ngày trôi qua, chị Liễu không thể ngờ, đứa con duy nhất của mình sang Nga mới tròn năm đã vĩnh viễn không trở về.
>> Nga xem xét yếu tố sắc tộc trong vụ sinh viên VN bị sát hại

Sau khi hung tin về cái chết thương tâm của Tăng Quốc Bình tại Matxcơva (Nga) về đến Việt Nam, chiều 11/1, chúng tôi tìm đến gia đình em. Căn nhà nằm ở một ngõ nhỏ trên con đường vành đai Nguyễn Lương Bằng dẫn vào thành phố Hải Dương thấp thoáng người ra vào.
Từng nhóm người ngồi rù rì trò chuyện hỏi han, chia buồn rồi lại lặng lẽ đi. Từng mẩu chuyện về cái chết thương tâm, không đầu không cuối được ghép nối, chắp vá từ những người thân, bạn bè và gia đình.
 

Người thân, bạn bè, hàng xóm đến chia buồn, thăm hỏi cùng gia đình. (Ảnh: VNN)
Phạm Thu Hiền, SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bạn hàng xóm thân nhất của Bình, là một trong những người đầu tiên nhận được hung tin.
Khoảng 22-22h30 phút ngày 9/1 (giờ Việt Nam), Bình vừa thi xong thì lên mạng nói chuyện với Hiền. Nhận thấy thời gian trò chuyện qua chat khá ngắt quãng mà từ trước đến nay chưa như vậy, Hiền có hỏi vì sao thì nhận được câu trả lời "có chút việc bận".
Đến khoảng 22h30, không thấy Bình trả lời online. Gần 1 giờ sau đó, Hiền nhận được điện thoại và tiếng "mấy chị con gái" hỏi số điện thoại nhà Bình để báo sự việc liên quan đến tính mạng.
Sau đó, gia đình Bình ngập tràn không khí căng thẳng chờ tin. Bố Bình, anh Tăng Bá Bảo vội báo ngay cho cậu của Bình là anh Vũ Văn Mơ. Vợ chồng anh Mơ đang định cư làm ăn bên Nga và cũng là người lo cho em Bình sang đó học. Hơn tháng nay, họ về Việt Nam ăn Tết.
Anh Mơ cho biết, ngay khi nhận được tin, đã gọi ngay sang Nga để nhờ bạn bè tìm hiểu tình hình. "Cứ từng giây, từng phút cháu nằm trong bệnh viện, gia đình chúng tôi căng như dây đàn". Sau 4-5 giờ bác sĩ phẫu thuật và xe đẩy ra phòng hậu phẫu, người y tá bệnh viện nói bạn bè có thể về. "Chúng tôi đã mừng!". Nhưng chỉ vài phút sau, cũng người y tá này lại bảo họ đừng về nữa vì khả năng khó qua khỏi. "Khoảng 5h sáng ngày 10/1 (giờ Việt Nam) thì cháu đi!"…
Chuyện được kể tiếp, Bình đang trên đường đến thăm bạn ở trường ĐH và bị tấn công. Nghe nói con bị đâm nhiều nhát, là người trong ngành (Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và phổi Hải Dương), anh Bảo đoán là đa chấn thương nhưng không xuyên tim. Sau khi bị đâm, Bình còn chạy được, vừa chạy vừa ngã nhưng vẫn điện thoại báo tin cho bạn.
Là đứa con duy nhất, Bình được hàng xóm đánh giá ngoan, thân thiện với mọi người. Bà Đỗ Thị Vân, hàng xóm, có con học cùng Bình những năm cấp 3 cũng bày tỏ nhận xét đó.
Nguyên là HS Trường THPT Hồng Quang, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) niên khóa 2003-2006, thi vào Trường ĐH Thủy lợi không đỗ, Bình đã lựa chọn con đường du học.
Bác ruột của Bình, ông Tăng Bá Khánh cho biết, tính đến nay, thời gian em đi Nga vừa tròn 1 năm. Những kết quả học tập ban đầu của Bình đã làm gia đình ấm lòng. Lớp học dự bị 9 người Việt ở trường dự bị Manđi, Bình là 1 trong 3 trường hợp thi đỗ ĐH sau 1 năm học. Anh Bảo cho biết, Bình còn tham gia và nhận giải nhì cuộc thi Olympic Toán của trường.
Chưa kịp phấn khởi với kết quả em đạt được thì hung tin ập đến. "Quá đau xót!", ông Khánh ngậm ngùi.
Thầy chủ nhiệm cấp 3 Vũ Quốc Hùng, giáo viên Toán, nghe tin cũng vội đến hỏi thăm. Lúc đầu, còn chưa nhớ ra, nhưng ngay sau đó, ấn tượng cậu học trò lớp 12 trong lễ bế giảng hát bài "Tạm biệt" khiến cả trường rưng rưng nước mắt ùa về.
"Bình là một học trò ngoan, học khá và đặc biệt là cây văn nghệ không thể thiếu của trường", thầy Hùng kể trong thương xót  người trò cũ vắn số.
Cũng trong hàng ghế kê giữa nhà mời khách, Vũ Văn Tùng, hàng xóm thân thiết của Bình kể, khoảng 20h (giờ Việt Nam) ngày 9/1, Tùng và Bình chat với nhau khoảng 10 phút. Bình vừa thi xong một môn khó nhất, thấy tạm yên tâm và hẹn là có điều kiện hè thì này sẽ về Việt Nam chơi.
 

Ông Tăng Bá Bảo (bố Bình, bên phải) chỉ biết ngồi lặng lẽ dưới cặp kính trắng. Thầy giáo chủ nhiệm Vũ Quốc Hùng liên tục điện thoại hỏi thông tin từ học trò cũ. (Ảnh: VNN)
Nỗi đau quá lớn như kéo trĩu bước chân anh Tăng Bá Bảo. Vừa trò chuyện với chúng tôi theo những chi tiết ngắt quãng, chốc chốc anh lại đi ra, đi vào, nhận sự chia sẻ của mọi người.
Anh Bảo kể, cậu mợ lo cho cháu sang Nga ăn học, bố mẹ chỉ lo kinh phí đi lại. Hàng tháng, tiền ăn ở (trong ký túc xá) và sinh hoạt cũng do cậu mợ cho, khoảng 200 USD. "Biết ở bên đó không an toàn, nên chúng tôi dặn dò cháu rất cẩn thận. Đi chợ hay ra ngoài buổi tối, thường các cháu đi 2 – 3 người, mua đồ cho cả tuần".
Ngay khi nhận được tin, mợ của Bình đã bay sang Nga và đang cùng bạn bè lo thủ tục. Trường cũng hứa sẽ cũng cấp giấy tờ liên quan, tạo điều kiện cho gia đình giải quyết sự việc.
Theo anh Mơ, phải có công hàm của Đại sứ quán mới đưa được thi thể cháu ra viện. Nếu thời gian giải quyết lâu, không đưa thi thể về Việt Nam được thì hỏa táng là phương án cuối cùng.
Khá bình tĩnh khi tiếp chuyện, nhưng đến lúc tiễn chúng tôi, người đàn ông bôn ba khắp các chợ Nga, Đông Âu nghẹn giọng: "Vợ chồng chúng tôi đi biền biệt, con cái ở nhà đều nhờ anh chị chăm sóc. Ở trường, ai cũng nghĩ anh chị Bảo là bố mẹ các cháu. Đưa Bình sang đây cũng còn vì muốn trả ơn anh chị. Sự tình bây giờ thế này…". Nỗi đau đáu của người cậu, tự trong sâu thẳm dường như cảm thấy có lỗi gì đó với cháu, với chị gái, cứ níu kéo bước chân chúng tôi ở cửa.
Từ khi biết tin, mẹ Bình, chị Vũ Thị Liễu (kế toán Công ty Du lịch – khách sạn Hải Dương) ngất lên ngất xuống. Đôi mắt sưng húp, mãi chị mới mấp máy: "Mong muốn được giúp đỡ và tạo điều kiện để có thể đưa cháu về Việt Nam càng sớm càng tốt. Mong mỏi con được về với mẹ!".
Rồi chị lặng người đi, không dám nghĩ tới cảnh đứa con duy nhất, mới hai ngày trước đó vừa trải qua một cuộc phẫu thuật cứu tính mạng, giờ lại một lần khám nghiệm tử thi…
Anh Mơ, sinh sống tại Nga hơn chục năm nay cho biết, không riêng gì người Việt Nam, cả người Ý cũng gặp cảnh bị côn đồ hành hung nếu đi 1-2 người. Bạn bè tôi cũng đã rơi vào trường hợp này. Ở đây, chúng tôi sống khép mình và cố gắng tự bảo vệ. Thời gian nguy hiểm nhất là vào khoảng tháng 4 hàng năm. Ngay cả người Nga cũng hạn chế đi lại ngoài đường phố, nơi công cộng khi tối trời vì rất nguy hiểm.
Theo Bảo Anh – Hạ Anh (VietNamNet)

Bình luận (0)