Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Men rượu “hạ thủ” men gan

Tạp Chí Giáo Dục

Người xưa có câu: Nam vô tửu như kỳ vô phong; vô tửu bất thành lễ; rượu vào lời ra… Do vậy, rượu đã trở thành thước đo bản lĩnh đàn ông, là khởi đầu cho mọi giao tiếp. Rượu được uống khi vui vì làm chúng ta hưng phấn nhưng cũng được uống khi sầu vì mượn cơn say để quên hết mọi chuyện. Uống rượu vì vậy có thể mọi lúc, mọi nơi rồi dần dần trở thành… con nghiện!
Rượu là một độc chất đối với cơ thể mà gan giữ nhiệm vụ khử bỏ độc chất đó. Nếu uống ít và không liên tục, gan có đủ khả năng và thời gian để hoá giải chất độc này, còn như uống quá nhiều, liên tục trong nhiều năm, gan phải làm việc quá sức sẽ bị kiệt quệ và chất aldehyd (độc chất được tạo ra từ rượu) sẽ trực tiếp phá huỷ tế bào gan.
Tửu lượng bao nhiêu là vừa?
Tác hại của rượu đối với gan không liên quan đến loại rượu mà tuỳ thuộc nồng độ cồn có trong loại rượu đó. Người ta ước tính trung bình một lon bia (330ml) tương đương với một ly rượu vang (120ml) hoặc 45ml rượu whisky hay rượu mạnh vì cùng chứa một lượng cồn là 10g. Một người được gọi “bợm nhậu” khi mỗi ngày uống trên 30g cồn (hơn ba lon bia hoặc nửa chai rượu vang hoặc hơn nửa xị đế) và kiên trì trên… năm năm!
Có lẽ ai cũng đều biết rượu có hại cho gan nhưng tác hại đến mức nào thì rất ít người có thể hình dung được. Một điều đáng lo ngại là mặc dù gan bị bệnh nhưng lại không có triệu chứng gì rõ rệt trong giai đoạn đầu, cho nên cứ uống, cứ say nhưng vẫn cảm thấy bình thường. Chính vì vậy rất dễ đưa người ta đến tình trạng nghiện rượu mạn tính. Đặc biệt, dân nhậu chỉ cần uống chứ ít cần ăn. Vài trái cóc hay một ít khô mực là đủ làm mồi để “uống ít ly, y một lít”. Một gam cồn khi uống vào cung cấp 7 calo nhưng đây chỉ là loại năng lượng rỗng vì nó tạo cảm giác không buồn đói và không cung cấp bất kỳ một thành phần dinh dưỡng nào cho cơ thể. Uống rượu kiểu này lâu ngày sẽ bị suy dinh dưỡng. Càng tai hại hơn vì rượu làm tăng nhu cầu các dưỡng chất và vitamin giúp hoá giải độc chất, tái tạo lại tế bào gan. Nếu ăn quá ít càng bị thiếu trầm trọng và gan rất khó hồi phục.
Rượu tiếp sức để mau… xơ gan
Rượu và bia là nguyên nhân gây viêm gan thường gặp. Ở nước ta bệnh gan do rượu đứng hàng thứ hai sau bệnh viêm gan siêu vi. Rượu thường làm rối loạn chuyển hoá mỡ, tăng tích tụ triglyceride ở gan, làm cho gan nhiễm mỡ. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì đặc biệt ngoài xét nghiệm có tình trạng tăng men gan (men AST, ALT và GGT). Nếu kiêng rượu trong giai đoạn này, gan có thể hồi phục hoàn toàn mà không cần dùng bất kỳ một loại thuốc nào. Còn như vẫn tiếp tục uống, gan sẽ bị ngộ độc và hư hoại kéo dài, dần dần dẫn đến xơ gan.
“Dân nhậu thường mách bảo nhau muốn uống rượu lâu say thì nên uống thêm paracetamol. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ làm cho gan bị viêm hoại tử nặng hơn”
Người ta nhận thấy dân da trắng, khi uống hơn 60g cồn/ngày, sau tám năm sẽ bị xơ gan. Còn dân châu Á có khả năng giải độc rượu kém hơn nên chỉ cần một tửu lượng thấp và thời gian ngắn hơn đã đủ bị xơ gan. Mặt khác, dân châu Á thường bị mắc thêm bệnh viêm gan siêu vi B hoặc C nên mức độ hư hại gan càng nặng và thời gian tiến triển thành xơ gan càng nhanh. Gan khi bị xơ sẽ teo cứng, bề mặt lổn nhổn, lúc đó việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu kiêng được rượu thì vẫn “cứu vớt” được phần gan còn lại và bệnh tình có thể thuyên giảm. Còn như cứ tiếp tục uống, gan mất dần các khả năng hoạt động sẽ gây ra các biến chứng như cổ trướng (tích tụ nước trong bụng), ói ra máu, hôn mê, suy thận và chuyển thành ung thư gan. Nhiều bệnh nhân khi đã bị xơ gan nặng hoặc ung thư gan do rượu, đến lúc đó mới cảm thấy ân hận thì đã quá muộn.
Có thuốc bổ gan, giải rượu hữu hiệu?
Nhiều người hay than phiền “bây giờ làm ăn mà không biết nhậu chỉ có cách giải nghệ”, và rủ nhau đi săn lùng những kinh nghiệm dân gian, những loại thuốc có tác dụng bổ gan và giải độc rượu để có thể thoải mái uống mà gan vẫn “chạy” tốt. Trong đó có một kinh nghiệm mà dân nhậu thường hay mách nhau: “muốn uống rượu lâu say thì nên uống thêm paracetamol”. Điều này rất nguy hiểm, làm cho gan bị viêm hoại tử nặng hơn vì rượu ảnh hưởng đến sự chuyển hoá một số thuốc. Khi uống rượu nhiều rất dễ bị ngộ độc thuốc, nhất là các thuốc có hại cho gan như paracetamol.
Người khác thì khuyên nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để giải độc rượu. Thật ra đây là cách để bù lại lượng vitamin thiếu hụt do gan tăng mục đích sử dụng nhằm chuyển hoá rượu. Nếu không bổ sung các vitamin này sẽ dẫn đến các biến chứng thiếu máu và tổn thương dây thần kinh gây teo cơ, tê nhức tứ chi… Gần đây lại có một nhóm người quảng cáo mật gấu hay các chất chiết xuất từ mật có khả năng bổ trợ gan. Thật ra điều này cho đến nay chưa có cơ sở khoa học rõ ràng nên nếu dựa vô đó mà nốc rượu như uống nước, sẽ làm cho các “tửu gia” càng sớm bị xơ gan nặng hơn. Nói chung, lời khuyên thiết thân nhất cho các đệ tử lưu linh là đừng trông chờ vào các phương thuốc bổ gan. Muốn chữa lửa thì tốt nhất đừng “châm dầu vào lửa”. Đó cũng chính là con đường sống dành cho lá gan của bạn!
TS.BS Bùi Hữu Hoàng (SGTT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)