Một trong những nguyên nhân khiến trẻ thụ động, máy móc và thậm chí có những biểu hiện chống đối người lớn chính là việc cha mẹ thực hiện sai nguyên tắc trong giáo dục.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ thụ động thường có nguyên nhân từ cha mẹ do quan niệm cổ hủ bắt trẻ phải nhất nhất làm theo mình. Ảnh: PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đang tư vấn tâm lý cho học sinh THCS. Ảnh: N.Anh |
Họ coi: Mệnh lệnh là phương châm giáo dục tuyệt đối. Bởi quan niệm cổ hủ truyền thống, cha mẹ là tối thượng và bắt con trẻ phải nghe theo, “Cá không ăn muối cá ươn”… là tư tưởng giáo dục vẫn tồn tại ở khá nhiều phụ huynh ngày nay.
Giáo dục bằng mệnh lệnh, tức là không cần bàn bạc, không cần trao đổi với con cái mà bắt buộc con trẻ phải tuyệt đối chấp hành. Trong đó, mệnh lệnh về hiểu biết tức là cha mẹ bắt con cái phải tuân thủ tuyệt đối ý kiến của cha mẹ, bởi họ luôn quan niệm mình là người đi trước, là người sinh con ra nên có quyền bảo thế nào con phải nghe vậy. Đương nhiên tư tưởng này đã tạo ra những đứa trẻ “vâng lời thụ động”, sợ sệt, thiếu chính kiến, thiếu bản lĩnh. Tuy nhiên, một số trẻ vì không đồng ý với quan điểm của người lớn, các em ngấm ngầm hoặc công khai chống đối thậm chí còn phản kháng kịch liệt, cha mẹ thường xuyên xung đột với con cái, không khí gia đình luôn ngột ngạt, căng thẳng. Từ chỗ trẻ phải nghe theo, rồi đến bắt chúng phải thể hiện thái độ giống như người lớn và đương nhiên cỗ máy cái hoạt động thế nào thì máy con cũng phải làm theo. Bởi vậy, có những người lớn không biết cách dạy con chia sẻ, đồng cảm với những người xung quanh nên họ cũng quên mất dạy con bày tỏ và thể hiện cảm xúc với người khác. Vậy là, sống với cha mẹ vô tâm thì con cái cũng cứ vậy mà vô cảm là điều tất yếu.
Muốn giáo dục con cái đúng hướng, nhất định cha mẹ cần có quan niệm mới về cách giáo dục, nhất là tránh kiểu giáo dục quyền uy, áp đặt. |
Câu chuyện giáo dục mà nhiều giáo viên hay đưa ra để học sinh nêu chính kiến, đó là: “Một người mẹ chở đứa con trai 7 tuổi trên chiếc xe máy, tình cờ gặp một người bị nạn, chiếc xe máy đè lên người, máu me và đang cầu cứu những người đi đường. Thấy vậy, cậu bé ngồi sau liền nói với mẹ là xuống giúp đỡ người ta. Bà mẹ, liền tăng ga và quay lại quát đứa trẻ: Có phải đó là chuyện của con không! Không khéo thì người ta ăn vạ đấy. Lần sau thấy tai nạn đừng có để ý nữa nhé… Thế là thằng bé mặt tụt ngũn… và phải nghe lời mẹ”. Trong tình huống này, vô hình trung những bài học nhân nghĩa, đồng cảm, chia sẻ mà cậu bé được học bởi thầy cô sẽ chỉ là vô ích bởi chính sự áp đặt qua câu mệnh lệnh vô tâm của người mẹ đã gieo mầm cho trẻ sự vô trách nhiệm và thiếu tình yêu thương giữa con người với con người.
Vì quyền uy, vì mệnh lệnh thái quá đã dẫn đến không ít cha mẹ hiện nay thường hay kể công với con trẻ và họ muốn rằng, người lớn có công nuôi dưỡng chăm sóc thì đương nhiên trẻ con phải tuyệt đối phục tùng. Khi con không tán thành thậm chí là chống đối thì họ lại áp đặt, khi con nỗ lực đạt được những thành tích cá nhân thì họ cũng lại kể công như muốn răn dạy con, kiểu: không có cha mẹ thì con không thể đạt được thành tích như ngày hôm nay, hoặc may mà có cha mẹ đi cùng chứ nếu không thì con đã trượt… Tất cả điều đó, hàng ngày, hàng giờ sẽ gieo rắc vào tâm hồn trẻ và cũng sẽ phản chiếu ít nhiều tư tưởng của cha mẹ trong cuộc sống sau này của chúng. Điều đó, chẳng có lợi ích gì khi mà cuộc sống của mỗi con người còn phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực, ý chí quyết tâm của mỗi cá nhân.
Như vậy, muốn giáo dục con cái đúng hướng nhất định cha mẹ cần có quan niệm mới về cách giáo dục, nhất là tránh kiểu giáo dục quyền uy, áp đặt. Cha mẹ là điểm tựa vững chắc, là người hỗ trợ định hướng giúp con trẻ nhưng họ không phải là người quyết định toàn bộ cuộc đời của con.
ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)