Xuất phát từ bến thuyền Chùa Hang đối diện hòn Phụ Tử (Kiên Lương, Kiên Giang) chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá quần đảo Bình Trị (còn gọi quần đảo Bà Lụa) với nhiều hòn đảo còn nguyên sơ ở vùng biển Tây Nam…
Bãi sỏi ba hòn Đầm – Ảnh: Trần Thế Dũng |
Chiếc tàu chạy dọc bãi Hàng Dương rồi qua hòn Kiến Vàng, hòn Trẹm, cảng hòn Chông… cuối cùng là hòn Rễ Lớn, hòn Rễ Nhỏ – hai đảo đá tựa hai pháo đài trấn giữ quần đảo. Tàu lướt nhẹ trên sóng, mặt biển xanh ngăn ngắt, xa xa lấp loáng những bờ cát trắng tinh, những hàng cây thốt nốt lá tua tủa.
Những núi đá thoạt nhìn như đám cây rừng trôi bồng bềnh về vịnh Thái Lan, đến gần mới thấy thiên hình vạn trạng, kết quả của sự bào mòn từ mưa gió, sóng biển… Thiên nhiên đã sáng tạo vô số hang chân sóng quanh chân núi, theo thời gian xâm thực sâu vào lòng núi, trổ thêm nhiều ngóc ngách làm nên những tuyệt tác diệu kỳ.
Chúng tôi đổ bộ hang Tiền, động đá có chiều dài hơn 150m xuyên hẳn qua núi, mở ra hai cửa theo trục tây nam và đông bắc. Càng vào sâu không khí càng mát lạnh, lòng hang mở rộng đến hơn 10m. Từ đây xuất hiện những khối thạch nhũ đồ sộ với đủ hình dáng treo trên vách đá, cái tựa hạt gạo khổng lồ, cái như hoa sen nở rộ…
Thỉnh thoảng, nước từ trần hang rơi tí tách khiến không gian u tịch càng thêm huyền ảo, kỳ bí.
Thông thường, khách thăm động vào cửa tây nam bằng thuyền để khi ra hướng đông bắc được tiếp cận một bãi tắm xanh màu ngọc bích luôn yên ả, phẳng lặng, rời bờ vài trăm mét nước cũng chỉ tới ngực. Những ngày đẹp trời nước trong leo lẻo, ngồi trên thuyền có thể nhìn rõ đàn cá bơi nhởn nhơ dưới đáy biển.
Xa nhất về phía nam quần đảo Bình Trị là ba hòn Đầm, tên chung của ba hòn đảo bao bọc một vụng nhỏ cách hòn Phụ Tử khoảng 15 hải lý. Người ta kể thời Pháp thuộc, các “bà đầm” vợ “quan Tây” hay mặc váy xòe thưởng ngoạn, tắm biển ở đây…
Hình ảnh đó đi vào ký ức cư dân bản địa, rồi thêm vào đặc điểm từng đảo họ đặt tên, phân biệt: hòn Đầm Giếng, Đầm Đước, Đầm Dương như cách cư xử vốn chân thật của người Nam bộ. Mỗi đảo chỉ duy nhất một gia đình sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nên đời sống giản dị.
Bù lại, khí hậu thuần khiết, cảnh quan nguyên sơ, chưa hề bị can thiệp bởi du lịch. Vì thế, những lúc có khách phương xa đến thăm, các thành viên trong gia đình đều trở thành nhân viên phục vụ bất đắc dĩ nhưng lòng hiếu khách, nhiệt tình không thiếu. Khách ngẫu hứng muốn ở lại qua đêm, trải nghiệm cuộc sống Robinson đúng nghĩa, cũng có thể mượn võng, căng bạt, câu cá, tự nấu nướng giữa trời như thời khẩn hoang.
Một bên biển trời mênh mông, một bên là những rặng dừa cao vút đong đưa theo gió, những vườn me cổ thụ xanh um bên bãi tắm đầy sỏi nhỏ đủ màu sắc. Độc đáo nhất là khi triều xuống, trong cái vụng nhỏ ba bề núi đá mặt nước hạ thấp dần, lộ diện bãi cát trắng rộng mênh mông.
Lúc này không gì thú vị hơn đi cào nghêu, bắt ốc, ghẹ bò ngổn ngang hoặc dạo chơi trên bờ cát.
Thủy triều lên, ba hòn đảo lại nằm cách biệt ba góc, xung quanh là mặt nước xanh lai láng, khách có thể bì bõm dưới biển, theo cư dân trên đảo thả vài mẻ lưới kiếm con cá ngon, nướng trui rồi hả hê thưởng thức ngay tại bãi.
Buổi tối nằm trên võng, bên đống lửa tranh tối tranh sáng, ngắm bầu trời đầy sao giữa tiếng sóng vỗ về, khoan nhặt, giấc ngủ sẽ đến dịu dàng lúc nào không hay…
Cửa vào hang Tiền – động đá dài nhất trong quần đảo Bình Trị Quần đảo Bình Trị có khoảng 45 đảo đá vôi lớn nhỏ, độ cao trung bình 100m, đặc điểm hiếm thấy ở miền Nam. Phần đông đảo quần tụ lô nhô ngoài khơi, số ít phân tán rải rác ở vùng biển cạn Kiên Lương, lâu ngày đất bồi thành núi trên đất liền. Trong đó hang Mo So, hang Cá Sấu… đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng.
Những đảo đá ngoài khơi đều có tên riêng, gắn với những truyền thuyết giải thích nguồn gốc hoặc tưởng nhớ các tiền nhân đã đầu sóng ngọn gió, gian nan khai phá.
|
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)