Thời gian này, theo các chuyên gia, không phải là lúc thí sinh không học thêm những kiến thức mới mà cần nắm chắc những gì đã được tích lũy.
Thầy Nguyễn Minh Hoàng ôn tập cho học sinh lớp 12 Trường phổ thông Thanh Bình (TP.HCM) vào ngày 19.6. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Với 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ, có những “mẹo” thí sinh cần ghi nhớ để đạt kết quả cao.
Phân tích kỹ câu hỏi để có cách trả lời thuyết phục
Trong môn văn, với câu đọc hiểu, đáp án thường yêu cầu trả lời ngắn gọn, rõ ràng, chuẩn xác. Vì thế cần phân tích kỹ các câu hỏi để có cách trả lời thuyết phục. Theo đó, cần chú ý các câu hỏi có sự chọn lựa nhiều phương án trả lời hay chỉ một phương án đúng. Với câu có các từ “những”, “các” thì cần trả lời từ 2 phương án trở lên. Phải cân nhắc trả lời theo ý gạch đầu dòng hay viết thành đoạn, có yêu cầu độ dài hay không, và không nên viết quá dài. Nếu cách hỏi là “theo tác giả” thì bám vào văn bản để trả lời, nếu cách hỏi cho biết ý kiến của người làm bài thì phải trả lời cách khác ngoài ý kiến tác giả.
Gặp câu hỏi nhiều vế thì phải tách riêng từng ý để trả lời cho rõ ràng. Phải xác định được các “từ khóa” để trả lời đúng ý, vì thông thường giám khảo thấy ý có các “từ khóa” đó là sẽ cho điểm…
Chú ý đoạn và bài văn
Với phần làm văn, gồm viết đoạn văn và bài nghị luận văn học, cần chú ý các yêu cầu trọng tâm sau đây:
Đảm bảo cấu trúc đoạn/bài văn nghị luận. Theo đó, đối với đoạn văn phải có mở đoạn giới thiệu trực tiếp, triển khai theo các thao tác lập luận phù hợp và kết đoạn nêu được ý nghĩa, bài học nhận thức. Với bài văn phải đầy đủ các phần: mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, và kết bài kết luận được vấn đề.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Nghĩa là bài làm phải làm rõ được trọng tâm đề bài yêu cầu, không lạc đề.
Triển khai vấn đề thành các luận điểm. Như giới thiệu, giải thích, bàn bạc, mở rộng, liên hệ… Phần này chiếm thang điểm nhiều nhất.
Phải có sáng tạo của người viết. Phần này sẽ thêm điểm cho thí sinh mà bài làm có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc và có những so sánh, liên hệ bất ngờ, thú vị.
Bài làm phải đảm bảo được quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. Nếu bài viết mắc khoảng 3 lỗi phần này sẽ mất điểm.
Tất cả các yêu cầu trên được giám khảo chấm theo cách cộng điểm toàn bài.
Môn tiếng Anh: Bao quát hệ thống ngữ pháp theo từng chuyên đề
Giáo viên Phạm Tấn Hoàng, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ, để đạt kết quả tốt cho kỳ thi, thời điểm này, thí sinh cần chú ý ôn tập cẩn thận những kiến thức căn bản sau đây: Ôn từ vựng theo chủ đề từng bài trong sách giáo khoa. Xem lại hệ thống từ vựng và các chức năng bao gồm: danh từ (noun), động từ (verb), tính từ (adjective), trạng từ (adverb).
Ngoài ra, đừng quên ôn bao quát hệ thống ngữ pháp theo từng chuyên đề từ thấp đến nâng cao. Chú ý các phần chuyển đổi câu, viết tiếp câu (phần này mấy năm qua cấu trúc đề thường bỏ qua, nay đưa vào đề thi trở lại)…
Thí sinh có 60 phút để hoàn thành bài thi. Các em nên phân chia thời gian, chẳng hạn làm các câu trắc nghiệm liên quan đến ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng tổng hợp, tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa… trong khoảng 30 phút, phần đọc hiểu trong 20 phút và 10 phút còn lại để kiểm tra lại bài và giải quyết các câu chưa hoàn thành.
Gặp những câu khó, học sinh nên đánh dấu lại để làm sau và chuyển sang câu kế tiếp. Khi làm xong bài, các em quay lại các câu này và tuyệt đối không bỏ trống bất kỳ câu nào. Đối với những câu quá khó, học sinh có thể dùng phương pháp loại trừ để chọn ra đáp án đúng nhất. Ngoài ra, học sinh phải tô cẩn thận đúng số câu trong đề thi và trên phiếu làm bài trắc nghiệm, tránh tình trạng tô lệch dòng hàng loạt. Quan trọng hơn hết là học sinh phải bình tĩnh và tự tin khi làm bài để tránh những lỗi sai đáng tiếc.
Hải Dương (ghi)
|
Môn toán: Nên làm bài thành nhiều lượt
Giáo viên Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cho rằng học sinh hãy thay đổi thói quen tư duy từ tự luận sang trắc nghiệm với những lưu ý sau: Xem lại những định nghĩa, khái niệm, công thức đồng thời nắm vững các định lý và tính chất có trong sách giáo khoa. Nắm vững kiến thức cơ bản, hiểu rõ bản chất vấn đề. Cần tìm hiểu thêm ý nghĩa hình học và vật lý của một số khái niệm toán học, cũng như các bài toán thực tiễn. Không quá chú tâm đến các bước giải của một bài toán, mà cần học cách suy luận nhanh để có kết quả. Tìm hiểu thêm một số công thức và tính chất thường dùng. Không nên chú trọng quá nhiều các bài toán giải phương trình, bất phương trình.
Khi làm bài, phải biết đánh giá nhanh câu dẫn để loại bỏ ngay các phương án sai. Đối với các câu cần tính toán, có thể lấy kết quả của phương án thay vào câu hỏi. Nên làm bài thành nhiều lượt. Lượt một làm thật nhanh các câu hỏi dễ. Lượt hai nên làm những câu cần sự tính toán và suy luận. Lượt ba dành cho những câu vẽ hình. Lượt bốn, năm… dành cho những câu còn lại.
Bích Thanh (ghi)
|
Trần Ngọc Tuấn/TNO
Bình luận (0)