Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Mẹo” đưa dẫn chứng trong bài văn

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với bộ môn ngữ văn, quá trình làm bài cần thiết phải có dẫn chứng để bài viết tăng sức thuyết phục, tạo nên văn phong hấp dẫn, sinh động. Dẫn chứng đưa vào bài nhằm khẳng định, củng cố phần đã phân tích, cảm nhận. Vì vậy, dẫn chứng phải được chọn lọc, tiêu biểu, chính xác, dẫn đúng lúc, đúng nơi… Có khi chỉ sai một từ mà câu thơ hoàn toàn mất ý nghĩa. Ví dụ: Thay vì viết “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” thì lại viết “Người ra đi đầu không để lại” thì không thể bào chữa nổi.

Do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, bài làm văn của học sinh mấy năm gần đây thường đơn điệu, nghèo ý, thiếu dẫn chứng minh họa dẫn đến kết quả chưa cao. Nhiều em than phiền rất muốn đưa dẫn chứng cho thêm sinh động nhưng theo yêu cầu thì dẫn chứng phải trích nguyên văn, chính xác từng câu, từng chữ, từng dấu phẩy; trong lúc đó, các em chỉ nhớ nội dung chính, ý chính… Điều đó gây khó khăn cho các em khi muốn tìm dẫn chứng nhưng bị quy định trên đành phải chịu. Vậy làm thế nào để đưa dẫn chứng vào bài làm một cách tự nhiên, thỏa đáng và chấp nhận được? Sau đây là một số “mẹo” đưa dẫn chứng trong trường hợp không nhớ được nguyên văn một cách chính xác:

Một là nêu đại ý dẫn chứng sau khi phân tích, lý giải vấn đề. Cách nêu đại ý chứng tỏ người viết nhớ được nội dung chính của dẫn chứng và sử dụng phù hợp. Ví dụ: Khi phân tích một bài thơ có cùng chủ đề mùa xuân, chúng ta muốn trích dẫn một khổ thơ trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải) nhưng không nhớ rõ, có thể viết: Bên cạnh đó, có những con người muốn làm một mùa xuân nho nhỏ để làm đẹp, để cống hiến cho cuộc đời, dù ở thời điểm nào của cuộc đời cũng có ý nghĩa… (nguyên văn: Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc).

Hai là diễn xuôi dẫn chứng, nêu các ý chính và diễn đạt theo ý của mình. Như vậy, dẫn chứng vẫn có tác dụng làm tăng sự phong phú của bài làm. Trong trường hợp này, việc diễn xuôi dẫn chứng phải bám sát nội dung, không tách rời cốt lõi của nội dung thì mới có kết quả. Ví dụ: Khi muốn đưa dẫn chứng sau (nguyên văn): “Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; cho khỏi hổ thẹn vì những dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình… Để đến khi nhắm mắt xuôi tay mà có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta; ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp giải phóng nhân loại” ( N. Axtơ rốp xki – Thép đã tôi thế đấy).

Có thể chúng ta diễn xuôi dài, ngắn tùy theo yêu cầu của vấn đề đang cảm nhận, phân tích: Cuộc đời con người ai cũng chỉ sống có một lần; do vậy phải sống thật đẹp, thật xứng đáng để khỏi nuối tiếc, khỏi hối hận về sau.

Ba là nắm chắc từ khóa trong dẫn chứng, dựa vào đó để triển khai ý. Thông thường, chúng ta chỉ nhớ những từ ngữ quan trọng của dẫn chứng mà không nhớ được trọn vẹn, nguyên văn. Các từ khóa sẽ giúp chúng ta “cấu trúc lại” thành dẫn chứng. Ví dụ: Lênin nói: “Những phút giây hờ hững của tuổi trẻ là những năm tháng ân hận của tuổi về già”. Chúng ta cần nhớ các từ “hờ hững”, “tuổi trẻ”, “ân hận”, “về già”, “phút giây”, “năm tháng”. Sau đó diễn đạt lại: nếu lúc “tuổi trẻ”, chỉ cần chúng ta hoài phí trong một vài “phút giây” thì cũng mang lại hậu quả là những “năm tháng”; những khoảng thời gian dài sống trong sự giày vò, “ân hận”… Vì vậy, tuổi trẻ chúng ta cần phải biết quý trọng thời gian.

Trên đây là một vài gợi ý, mong các em học sinh vận dụng thành công trong kỳ thi sắp tới.

Lê Đc Đng
(Sóc Trăng)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)