Trong vài ngày qua giá vàng đã nổi sóng liên tục với biên độ chênh lệch lên tới vài triệu đồng mỗi lượng.
Tính đến 15 giờ chiều qua (7-7), giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.368 USD/ounce, quy đổi tương đương 36,83 triệu đồng/lượng. So với phiên giao dịch trước đó, giá vàng thế giới tiếp tục tăng thêm khoảng 2 USD/ounce.
Sau một đêm, mất hàng trăm triệu đồng
Trái ngược với diễn biến trên thị trường thế giới, giá vàng trong nước ngày hôm qua đã lao dốc không phanh. Chỉ trong khoảng một tiếng sau khi mở cửa, vàng miếng SJC liên tục mất giá, giảm mỗi lần đến 500.000-600.000 đồng/lượng. Chính vì vậy, tính đến đầu giờ chiều qua, giá vàng đã mất đến 2,2 triệu đồng/lượng so với giá chốt phiên của ngày hôm trước.
Cụ thể, giá mua vào-bán ra của vàng miếng SJC tại thị trường TP.HCM ở mức 36,5-37,8 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng rộng thêm. Giá bán ra tại thị trường vàng trong nước đã cao hơn thế giới khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, những người đổ xô đi mua vàng vào thời điểm chạm 40 triệu đồng/lượng đã lỗ hơn 2 triệu đồng/lượng. Những ai nổi “cơn say lướt sóng” khi mua tới 50-60 lượng vàng trong ngày 6-7 thì chỉ một ngày sau đã bị mất tới 100-120 triệu đồng. Điều này khiến nhiều người méo mặt.
Đại diện Công ty PNJ cho biết những ngày trước phần lớn khách hàng mua vào, trong đó có ngày lượng vàng PNJ bán ra chiếm tới 80% tổng lượng vàng. Nhưng trong ngày hôm qua số lượng người mua vào-bán ra cân bằng, tương đương với khoảng 300 lượng.
TS Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia vàng thuộc Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhận định: “Chỉ sau một đêm thức dậy, những người mua vàng vào thời điểm cao ngất ngưởng gần 40 triệu đồng/lượng chắc chắn sẽ cảm thấy sốc khi thấy giá vàng rơi không phanh”.
Cũng theo ông Hùng, giá vàng trong nước mấy ngày qua tăng mạnh ngoài việc chịu tác động của sự kiện Brexit thì việc hạn chế nguồn cung cũng góp phần làm giá vàng tăng đột biến. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến người dân mua vàng còn vì lo lắng tỉ giá có thể tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh: “Việc cầu tăng đột biến trong những ngày vừa qua cho thấy tâm lý đám đông vẫn hiện hữu”.
Người dân mua bán vàng tại khu vực chợ An Đông, TP.HCM chiều 7-7. Ảnh: HTD
Mua bán theo đám đông, rủi ro cao
Trước “cơn sóng dữ” của giá vàng, TS Nguyễn Thế Hùng nhìn nhận giá vàng trong nước tăng theo thế giới là điều bình thường bởi kinh tế Việt Nam đang trong xu thế hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sự kiện Brexit đã tác động mạnh đến các đồng tiền mạnh trong rổ tiền tệ và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Song mua bán vàng theo tâm lý đám đông thì nguy cơ rủi ro rất cao vì thị trường vàng thế giới có thể bất ngờ đảo chiều.
“Người dân cần bình tĩnh, không nên mua vàng với bất cứ giá nào khi không hiểu thị trường và biến động của cơ chế giá vàng hiện nay” – ông Hùng khuyến cáo.
Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế cho rằng tham gia “lướt sóng” vàng sẽ gặp phải rủi ro rất lớn. Mặt khác, nhà đầu tư không nên chọn mục đích đầu tư ngắn hạn mà nên cân nhắc cho mục đích trung và dài hạn. Bởi với chu kỳ dài thì vàng có mức lợi nhuận tương đối khá. Ngoài ra, vào những ngày giá trong nước biến động mạnh, biên độ giữa giá mua và bán giãn rộng, khoảng cách chênh lệch với giá thế giới bị đẩy lên cao thì không nên mua vàng.
Trước sự nhảy múa của giá vàng trong những ngày qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên tính đến chuyện thành lập sàn giao dịch vàng, khi đó các thông tin giao dịch trên thị trường kim loại quý này đều minh bạch. Nhà đầu tư thấy giá vàng tăng lên vùn vụt một cách bất thường sẽ biết là tăng ảo; tránh việc đầu cơ, lũng đoạn hoặc tung ra các thông tin bất lợi ảnh hưởng thị trường. Còn hiện nay thị trường vàng không có thông tin minh bạch, do vậy nhiều người thấy người khác đi mua cũng đổ xô đi mua. Đây là rủi ro lớn nhất trong thị trường vàng Việt Nam.
Tương tự, TS Nguyễn Thế Hùng cũng cho biết: “Chúng tôi đang khuyến nghị thành lập sở giao dịch vàng với mục đích tạo thêm công cụ phái sinh, công cụ tài chính… nhằm giảm thiểu rủi ro. Đồng thời khi giá vàng thấp hay cao người dân đều có lợi, không rút hay gửi vàng ồ ạt”.
Mới đây, tại phiên họp của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xem xét vấn đề huy động nguồn lực trong dân, gồm cả tiền và vàng, báo cáo Chính phủ trong phiên họp sau.
“Biến động thị trường chỉ là nhất thời” Trước diễn biến thị trường vàng trong những ngày gần đây, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối thuộc NHNN, nhận định thực tế cho thấy việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24/2012 trong thời gian qua đã ổn định được thị trường, giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát. “Biến động thị trường như mấy ngày qua chỉ là nhất thời, chưa có xu hướng rõ ràng. NHNN đang theo dõi sát diễn biến của thị trường, sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết” – ông Cảnh cho hay. Nhiều chuyên gia cũng liên tục cảnh báo các nhà đầu tư và người dân nên hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán vàng của mình, tránh những rủi ro không đáng có gây thiệt hại cho bản thân như giai đoạn trước đây. Liệu vàng có tiếp tục “sáng lấp lánh”? Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể tiếp tục giữ đà tăng do các nhà đầu tư thế giới vẫn chọn vàng làm tài sản trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, những dấu hiệu bất ổn về kinh tế, chính trị sau sự kiện Brexit vẫn chưa được giải quyết. Trên thực tế hiện giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Tính từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 27%. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo thị trường vàng có mức độ biến động quá lớn vì phụ thuộc nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư và điều này thì chẳng ai có thể đoán trước được. |
THÙY LINH/ PLO
Bình luận (0)