Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

MERS-CoV: Bệnh dễ lây, dễ tử vong

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tới nay đã có 537 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV), trong đó có 145 tử vong. Các ca bệnh được ghi nhận tại 19 quốc gia, nhiều nhất là ở Trung Đông, ở châu Âu, Bắc Phi, châu Mỹ và châu Á đều đã có ca mắc.
Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 5, tại Hà Lan đã ghi nhận 2 trường hợp mới nhiễm MERS-CoV. Cả hai trường hợp này đều là thành viên trong cùng một gia đình, cùng đi du lịch tới Ả-rập Xê-út từ ngày 26-4 đến 10-5. Cả hai đã có biểu hiện bệnh trong thời gian ở tại Ả-rập Xê-út. Khi trở về Hà Lan được nhập viện, xét nghiệm chẩn đoán xác định dương tính với MERS-CoV. Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông  (MERS) là một bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus. Tác nhân gây bệnh là virus thuộc nhóm coronavirus (CoV) được mô tả lần đầu tiên vào tháng 9-2012 tại Ả-rập Xê-út và được gọi là virus corona gây hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông (MERS-CoV). Phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp như sốt trên 380C, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi và kèm theo hội chứng suy thận cấp. Cũng có nhiều trường hợp nhiễm MERS-CoV nhưng không có biểu hiện triệu chứng. Khoảng 50% các trường hợp mắc có biến chứng nặng và tử vong. MERS-CoV có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc giọt nước bọt nhỏ. Mọi người đều có khả năng nhiễm MERS-CoV, tuy nhiên đến nay hầu hết các trường hợp mắc là người già, nam giới và những người có bệnh mãn tính kèm theo.
Ông Phu khuyên người dân khi có các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, có thể có sốt (380C), ho; nghi ngờ bệnh viêm phế quản phổi; các triệu chứng viêm đường hô hấp chưa giải thích được rõ ràng về căn nguyên, đặc biệt, trước đó có đến vùng bán đảo Ả Rập hoặc các nước láng giềng trong vòng 14 ngày thì cần đi khám để xác định có bị nhiễm MERS-CoV hay không. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị (các phương pháp điều trị hiện nay vẫn là điều trị như đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp) và vaccine phòng bệnh do MERS-CoV, do vậy mọi người cần phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh để tránh bị lây nhiễm.
“Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn; che mũi và miệng khi ho và hắt hơi; tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch; tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung cốc chén…) với người nhiễm bệnh; thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như: Đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa…”, ông Phu khuyến cáo.
Hiện, vẫn chưa có công bố chính thức khẳng định rõ nguồn gốc của MERS-CoV từ đâu. Ban đầu virus MERS-CoV được cho là lây từ động vật (dơi) sang người. Tuy nhiên, gần đây WHO thông tin một nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng ổ chứa MERS-CoV có thể từ lạc đà. Virus MERS-CoV phân lập được từ lạc đà có khả năng nhân lên trong tế bào người và tương tự như virus phân lập được từ bệnh nhân nhiễm MERS-CoV. Thực tế, trong số các bệnh nhân được báo cáo nhiễm MERS-CoV, nhiều bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lạc đà và uống sữa lạc đà tươi.
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)