Sau một vài vụ cháy chung cư nhưng chuông báo cháy không hoạt động, thời gian gần đây cư dân ở nhà cao tầng lại bất an với tình trạng không có cháy nhưng chuông báo cháy vẫn “báo động” inh ỏi, khiến người dân không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả.
Thiết bị báo cháy cần được kiểm tra và bảo dưỡng thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn PCCC |
Báo cháy khi không có cháy
Mới đây, vào lúc khoảng 19 giờ tối 28-4-2018, cả ngàn người đã nháo nhào bỏ chạy tán loạn khi chuông báo cháy ở Trung tâm thương mại Crescent Mall (101 Tôn Dật Tiên, quận 7) báo động inh ỏi. Lúc đó, lực lượng bảo vệ cùng nhân viên đã nhanh chóng hướng dẫn người dân thoát ra khu vực an toàn. Nghe tiếng chuông báo dồn dập, nhiều người đang lấy xe trong tầng hầm tòa nhà cũng hốt hoảng bỏ chạy. Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng PCCC quận 7 đã cử lực lượng cùng phương tiện chữa cháy đến hiện trường tiếp ứng. Sau khi khảo sát, lực lượng chức năng xác định thực tế không xảy ra cháy ở trung tâm thương mại, nhưng chuông báo cháy hoạt động là do lỗi kỹ thuật. Là một trong những người có mặt tại hiện trường, anh Nguyễn Ngọc Thắng (ngụ quận 7) cho biết, vào lúc xảy ra cháy gia đình anh đang ăn uống ở khu vực nhà hàng Lào trong Crescent Mall. Khi có lệnh sơ tán, quản lý nhà hàng đã hối thúc khách hàng sơ tán mà không cần tính tiền. Tuy nhiên, anh đã quay lại để trả tiền vào ngay ngày hôm sau. Theo anh Thắng, “chuông báo cháy giả là cơ hội để hơn một ngàn người diễn tập, rất may không xảy ra giẫm đạp gây thương vong. Chỉ lo là nếu để xảy ra tình trạng chuông báo cháy giả nhiều lần, người dân sẽ trở nên xem thường, đến khi có cháy thật lại không kịp thoát thân thì thiệt hại không biết đâu mà lường”.
Tình trạng xem thường chuông báo cháy do báo cháy giả nhiều lần cũng đang là vấn đề đáng lo ngại ở nhiều chung cư trên địa bàn thành phố, trong đó có chung cư 8X Đầm Sen (57 Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú). Với kết cấu 18 tầng, 594 căn hộ, khi mới đi vào hoạt động từ năm 2017, hệ thống chuông báo cháy đã được kiểm tra hẳn hoi, nhưng khi xảy ra vụ cháy căn hộ B10 (tầng 6) vào lúc 20 giờ ngày 12-12-2017 thì toàn hệ thống chuông báo cháy lại im re. Anh Trương Văn Tuyên (chủ căn hộ B22 tầng 6) cho biết, sau vụ căn hộ cùng tầng bị thiệt hại 100% do cháy, hệ thống chuông báo cháy ở chung cư đã được kiểm tra kỹ càng hơn, nhưng sau đó cư dân lại mệt mỏi vì tình trạng chuông báo cháy giả. Cảm thấy quá phiền phức, một số hộ dân đã đề nghị tắt chuông báo cháy. Tuy nhiên, sau vụ cháy chung cư Carina, cư dân chấp nhận tình trạng này vì “thà có báo cháy còn hơn im re”. Sau đó, ban quản lý đã trang bị hệ thống loa phát thanh để đính chính kịp thời mỗi khi có chuông báo cháy giả, nhưng nhiều người vẫn chưa an tâm.
Chỉ cách 8X Đầm Sen hơn 1km, cư dân ở chung cư Quang Thái (111B Lý Thánh Tông, Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) hiện cũng đang trong tình trạng “thấy chuông báo cháy cũng chẳng thèm quan tâm”. Vào lúc 11 giờ 30 ngày 30-4, căn hộ của chị Đinh Phương Thảo (căn 04 tầng 7, block A) có gần 20 người đang quây quần ăn mừng lễ, tức thì chuông báo cháy vang lên inh ỏi, nhưng chủ nhà bình tĩnh như không có gì. Em trai chị Thảo là anh Đinh Thiện Ngôn (chủ căn hộ 04 tầng 11, block B) cho biết, chuông báo cháy mỗi ngày báo động trên dưới 5 lần là… chuyện bình thường. Theo anh Ngôn, chuông báo cháy hú là do đầu báo khói hoạt động quá “nhạy cảm”. Minh chứng cho điều mình nói, anh Ngôn cho biết vào ngày 24-4 vừa qua, khi đốt nến sinh nhật cho con trai lớn, khói nến yếu ớt chưa được bằng khói của một cây nhang nhưng cũng làm cho chuông báo cháy hoạt động tức thời. Ngay sau đó bảo vệ tòa nhà đã vào đến cửa căn hộ để “điều tra” nguyên nhân gây báo cháy giả.
Cần bảo dưỡng hệ thống báo cháy thường xuyên
Theo khuyến cáo của Trung tá Lê Mạnh Hà (Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra xử lý cháy nổ, Cảnh sát PCCC TP.HCM) tình trạng chuông báo cháy giả tiềm ẩn mối nguy hiểm khó lường. Do đó, người dân ở chung cư hoặc tòa nhà cao tầng cần tránh nấu nướng, đốt vàng mã, không hút thuốc lá… trong phòng kín có đầu báo khói, báo cháy nhằm tránh gây “hiểu lầm” cho hệ thống báo cháy vốn rất nhạy với khói. Trong quá trình sử dụng, các hộ dân cần lưu ý vệ sinh đầu báo khói, báo cháy thường xuyên. Vì khi có côn trùng chui vào hoặc mạng nhện bám bẩn cũng làm cho chuông báo cháy hú vang. Để đảm bảo an toàn trong PCCC, Trung tá Hà lưu ý các hộ dân cần gắn đầu báo cháy ở những nơi phù hợp theo từng vị trí công năng. Ví dụ như ở khu vực kín như trong hầm cáp, trần giả, các phòng đóng kín khi cháy sẽ không thể thấy khói mà phải căn cứ vào nhiệt độ. Do đó, một số vị trí thay vì dùng đầu báo cháy thì có thể dùng đầu báo nhiệt, vì khi nhiệt độ đạt ngưỡng chuông báo mới hú.
Theo Trung tá Huỳnh Quang Tuyến (Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM), thiết bị báo cháy ở chung cư và tòa nhà cao tầng cho dù hoạt động rất tốt khi được thẩm định trước khi đi vào hoạt động, nhưng nếu không được bảo dưỡng thường xuyên cũng sẽ bị xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh tình trạng không được bảo dưỡng duy tu, còn có thể do một số nguyên nhân khác như chủ đầu tư sử dụng hệ thống thiết bị PCCC không chất lượng có tuổi thọ thấp, nên không có tín hiệu hoạt động khi có cháy thật. Hoặc thực tế còn có tình trạng các hộ dân làm thay đổi kiến trúc, hệ thống PCCC, câu mắc điện tùy tiện cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả hoạt động của thiết bị PCCC. Theo quy định chung, vấn đề an toàn PCCC ở tòa nhà hoặc chung cư là do ban quản lý chịu trách nhiệm kiểm tra thường xuyên, Cảnh sát PCCC chỉ được phép kiểm tra hệ thống PCCC ở chung cư hoặc nhà cao tầng mỗi năm một lần. Trong trường hợp có phản ánh của người dân về nguy cơ cháy nổ thì lực lượng chức năng mới đến kiểm tra đột xuất.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)