Chi phí nguyên liệu tăng
Hợp đồng kinh tế được DN ký với đối tác luôn có điều khoản phòng ngừa rủi ro về tỷ giá. Và theo thông báo từ đầu năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2015, biên độ điều chỉnh tỷ giá đồng ngoại tệ sẽ không quá ± 2%. Vì vậy, biên độ rủi ro cũng được DN tính toán dựa trên yếu tố này. Tuy nhiên, đến tháng 8 vừa rồi, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ xuống 4,6%, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ tăng thêm 3%. Động thái này đã khiến chi phí nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất tăng cao và DN không chủ động được để ứng phó. Bà Lê Thị Kim Kiều, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH TM-DV Diên Khánh cho biết, với hơn 70% DN nội có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, phải “ăn đong” nguyên liệu từng tháng, từng quý thì sự biến động tỷ giá ngay lập tức tác động đến chi phí nhập nguyên liệu. Đơn cử, vào thời điểm tháng 8, những DN có xuất khẩu và thu ngoại tệ về sẽ được mua USD thanh toán với giá khoảng 22.300 đồng/USD. Với mức này, DN phải bù khoảng 500 triệu đồng cho 1 triệu USD, so với thời điểm DN chốt giá mua nguyên liệu của đối tác. Còn với những DN chỉ nhập khẩu hàng về tiêu thụ tại thị trường nội địa phải mua USD với giá cao hơn rất nhiều, trung bình từ 22.500 – 22.800 đồng/USD. Sự chênh lệch này buộc DN phải đưa vào chi phí tăng giá nguyên liệu không mong muốn, dù giá nguyên liệu thực sự không tăng.
Chế biến lẩu ăn liền tại một doanh nghiệp trong nước. Ảnh: CAO THĂNG
Với những DN quy mô lớn, vốn mạnh, có khả năng chốt giá nguyên liệu sản xuất theo năm nhưng đây cũng là thời điểm buộc phải tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, thông thường vào tháng 9 hàng năm, DN phải đàm phán ký kết lại hợp đồng kinh tế với các đối tác. Những tuần gần đây, nhiều nhà cung ứng nguyên liệu đã thông báo điều chỉnh mức tăng chi phí nguyên liệu từ 3% – 5%. Sự biến động chi phí này sẽ ảnh hưởng đến giá thành cũng như sức tiêu thụ của sản phẩm trên thị trường trong những tháng cuối năm 2015 và năm 2016.
Lo sức mua lại giảm
Điều đáng nói, trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng mạnh nhưng những DN nội lại không thể tăng giá bán sản phẩm vì sức mua yếu. Lý giải vấn đề này, ông Cao Văn Sang, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Sài Gòn cho biết, có hai nguyên nhân khiến sức mua trên thị trường giảm. Một là theo chu kỳ từng năm, vào thời điểm này người dân không mua sắm nhiều nhằm tiết kiệm chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng cuối năm. Yếu tố này còn được cộng thêm bởi việc tiền đồng mất giá, tạo tâm lý thắt chặt chi tiêu. Một nguyên nhân khác quan trọng hơn, hàng ngoại giá rẻ, chất lượng trôi nổi, phổ biến nhất là hàng Trung Quốc tràn ngập khắp nơi. Qua khảo sát thị trường, so với giá thành sản phẩm cùng loại do DN nội sản xuất, hàng Trung Quốc luôn có giá thấp hơn từ 10% – 15%. Thời gian qua, công ty liên tục nhận được nhiều công văn của các đối tác yêu cầu điều chỉnh theo hướng giảm giá bán sản phẩm để tương ứng với giá hàng cùng loại của Trung Quốc. Tuy rất khó để thực hiện yêu cầu này, nhưng nếu không theo thì công ty sẽ đứng trước nguy cơ bị thu hẹp thị phần tiêu thụ trong năm 2016. Nhiều DN khẳng định, lợi nhuận trong quý 4 chắc chắn sẽ giảm. Thậm chí, với nhiều DN sẽ không còn lợi nhuận do phải bù vào giá thành sản phẩm.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Kinh tế trung ương cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc chưa điều chỉnh phá giá đồng nhân dân tệ, DN Việt Nam cũng đã rất chật vật để có thể cạnh tranh lại sản phẩm của họ, vì phần lớn phải phụ thuộc nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài, đa số nhập từ Trung Quốc. DN Trung Quốc có nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ đã tạo ra lợi thế về giá. Nay thêm yếu tố đồng nhân dân tệ giảm giá, sản phẩm của DN Trung Quốc theo đó càng trở nên rẻ hơn khi xuất khẩu sang các nước khác. Do đó, hàng hóa nội địa sẽ khó có cơ hội để cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về giá. Một cách để đối phó, theo ông Võ Trí Thành, Việt Nam cần xây dựng những rào cản kỹ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp nội trụ vững ngay trên sân nhà, cũng như tạo nội lực để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo SGGP
Bình luận (0)