Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mệt vì chúc Tết đối tác

Tạp Chí Giáo Dục

Ngồi gần một giờ trên xe để vượt qua đoạn đường tắc nghẹt, chị Vân mới đến được trụ sở công ty đối tác cách đó khoảng 5 km để chúc Tết. Sau 20 phút chờ, chị được thông báo vị Phó tổng giám đốc đang bận họp đến tận trưa, đầu giờ chiều quay lại.

Chị Vân lại thất thểu ra cổng, trên tay cầm bịch quà nặng trĩu. Chị nhẩm tính, đây là nơi thứ hai chị đến rồi về với lý do tương tự – sếp bận họp không thể tiếp, mặc dù trước đó chị đã đặt lịch hẹn đàng hoàng qua thư ký.

Ngày giáp Tết, thì giờ là vàng bạc. Chị Vân chẳng thể nấn ná lâu, vội vã vẫy taxi để đến điểm tiếp theo chúc Tết. Một chiếc, hai chiếc rồi ba chiếc taxi lướt qua đều đã có người, chị đành vẫy anh xe ôm gần nhất. Trời lạnh buốt, gió vù vù, chị Vân ôm gói quà lỉnh kỉnh nào là rượu Tây, chocolate, cafe, thuốc lá… trở về công ty. Đầu tóc rối bù, mặt mũi tím tái vì lạnh, chị tự pha cho mình ly trà nóng cho ấm bụng rồi lại lên kế hoạch cho những vị khách sẽ phải chúc Tết trong buổi chiều.

"Tết với chả nhất chỉ có trẻ con là sướng còn người lớn thì khổ trăm bề, hết đối nội lại đến đối ngoại. Đường xá thì tắc nghẽn đi cả ngày mới đến được vài nơi. Tính sơ sơ mỗi ngày mất tới 3 giờ đồng hồ bị kẹt ở đường và khoảng 500.000 tiền taxi", chị lẩm nhẩm.

Gần Tết, tắc đường xảy ra thường xuyên. Ảnh: Hoàng Hà.

Là giám đốc một công ty nhỏ chuyên về quảng cáo mới thành lập chưa đầy 3 năm, mọi công việc làm ăn đều mới ở giai đoạn sơ khai nên 2 năm liền, chị Vân đều đảm nhận công việc đi chúc Tết đối tác. Rút kinh nghiệm năm ngoái, để tránh cập rập nên từ cách đây 3 tuần, chị đã lên kế hoạch cho Tết: Đầu tiên là danh sách các nhân vật quan trọng, những bạn hàng thường xuyên, những người hỗ trợ chị các công việc trong năm. Ứng với từng vị trí là khoản tiền Tết, kèm theo các phần quà sẽ được “tế nhị” gửi tới người nhận.

Từ ngày mùng 10 tháng Chạp, chị Vân đã gạt hẳn các công việc sang một bên để thực hiện cái “sự nghiệp chúc Tết”.

Vào dịp Tết cổ truyền, "phong trào tặng quà" cứ như là sự đương nhiên, chẳng cần ai phải nhắc ai. Chị Lan – phu nhân "sếp tổng" một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ than thở chuyện mấy tuần nay ngày nào anh xã về nhà cũng trong tình trạng mệt mỏi, người đầy mùi rượu. Chị gặng hỏi thì được vị sếp này nói rằng đi chúc Tết sếp trên, chỗ nào cũng cụng ly hết rượu Tây rồi đến các loại rượu thuốc. Ngày lễ Tết chẳng tiện từ chối thành ra cứ phải uống, uống rồi thì say, từ trạng thái say chuyển sang mệt mỏi. "Năm nào cũng vậy, cứ Tết xong là anh nhà tôi sụt tới vài cân", chị Lan than thở.

Mua sắm quà Tết. Ảnh: Hoàng Hà.

Gặp VnExpress.net vào sáng 23 tháng Chạp – ngày lễ ông Công – ông Táo, chị Quỳnh Anh – Giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội hớn hở khoe đã hoàn tất việc đi chúc Tết sau gần 3 tuần trên từng cây số, một mình một lái xe lần tìm từng nhà đối tác, bạn hàng để chúc Tết. "Mỗi việc đi Tết thôi mà mình sụt tới 2 cân đấy, nhưng đổi lại mình học được rất nhiều điều bổ ích trong giao tiếp và ứng xử", chị Quỳnh Anh nói.

Theo chị, việc tặng quà, chúc Tết là hoàn toàn tự nguyện, nó xuất phát từ truyền thống cho nên để làm đẹp lòng người được tặng cũng là cả một nghệ thuật. Quà tặng sẽ mất đi giá trị khi nó biến thành một gánh nặng hay một nghĩa vụ cho người tặng nó. Sau 3 năm ròng đảm đương công việc đi chúc Tết, chị đã đúc rút cho mình rất nhiều kinh nghiệm từ cách chọn quà cho từng đối tượng đến cách thức tặng, lời chúc tụng…

Chị Quỳnh Anh cho rằng chọn quà được coi là khâu khó nhất đối với những người đi tặng bởi các sếp thường là những người có cuộc sống khá sung túc, chẳng thiếu thứ gì, nên không thể tặng rượu ngoại, hàng hiệu hay các vật dụng thông thường khác. Thành thử, trong quá trình làm việc, chị Quỳnh Anh vận dụng hết khả năng quan sát thói quen, sở thích của đối tác bạn hàng để chọn lựa các món quà sao cho độc đáo, ý nghĩa.

Theo chị đối với các sếp nữ, món quà phù hợp nhất là mỹ phẩm, nước hoa, kèm theo phiếu làm đẹp tại các trung tâm spa. Đối với các sếp nam thì ngoài rượu Tây, caravat, đồng hồ, giầy hàng hiệu… kèm theo đó phải là thẻ tham gia các câu lạc bộ tennis, golf, thậm chí là phong bì.

"Tôi có anh bạn thân và tôi thường gọi anh là sư phụ bởi những chiêu chúc Tết và các món quà độc đáo", chị Quỳnh Anh nói.

Theo lời kể của chị, anh bạn này làm việc cho một doanh nghiệp có tiếng tại Sài Gòn. Năm nào, anh cũng được giao nhiệm vụ ra Hà Nội để làm công tác đối nội. Biết các sếp chẳng thiếu thứ gì nên có năm, anh chở tới 3 xe đầy toàn bưởi Năm Roi, 3 xe đầy gạo Nàng Hương, hay vài chục thùng nước mắm hạnh phúc, thậm chí cả xe cua bể… để tặng cho đối tác, bạn hàng.

"Đây là những món quà được coi là bình dân đạt độ cao cấp, không phải ai cũng biết vận dụng để làm đẹp lòng người được tặng", chị Quỳnh Anh nhận xét.

Phan Linh Anh(VnE)

Bình luận (0)