Việc cạnh tranh giành mua mía nguyên liệu đang diễn ra ở nhiều địa phương dẫn đến tình trạng người dân bán cả mía non.
Trong những ngày này, tại vùng mía Phụng Hiệp (Hậu Giang), ghe của thương lái từ khắp nơi đổ xô về vùng mía lớn nhất ĐBSCL để thu gom. Tình trạng này cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương dù chỉ mới bắt đầu vào niên vụ mía đường 2010 – 2011, báo hiệu một vụ mía đường bất ổn.
Được giá là bán
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Năm nay, bà con trúng mùa, được giá mía. Trung bình năng suất từ 100 – 110 tấn/ha, thương lái mua trên dưới 1.000 đồng/kg mía.
Đối với mía ROC 16 trên 10 chữ đường (CCS) họ mua với giá cao, từ 1.100 – 1.200 đồng/kg. Với năng suất và giá như trên, tính ra mỗi hecta mía, nông dân lãi từ 50 – 90 triệu đồng. “Từ tháng 8, thương lái khắp nơi đã đến đây đặt cọc mua mía, sớm hơn so với thời điểm năm ngoái” – ông Tự nói.
Do được giá nên từ tháng trước, nhiều người đã đua nhau bán mía, kể cả mía non. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), bức xúc: “Mặc dù nhiều nhà máy đường khuyến cáo nông dân đừng bán mía sớm nhưng thấy giá mía cao hơn năm rồi nên người dân vội bán. Nếu để vô chính vụ, trọng lượng, chữ đường tăng, mía bán sẽ có giá hơn”.
Ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, thông tin vụ mía đường mới niên vụ 2010-2011 sẽ đạt từ 900.000 tấn – 1 triệu tấn đường, tăng từ 10%-15% so với niên vụ trước. Tại ĐBSCL có 10 nhà máy đường, hiện 8 nhà máy đã vào vụ (2 nhà máy còn lại sẽ vào vụ trong nay mai).
Thương lái thu mua mía ở ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Ca Linh
Đến tháng 11, tháng 12, các nhà máy ở miền Đông, miền Trung sẽ đồng loạt vào vụ. Nhằm tránh tình trạng tranh mua mía nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL như những năm trước, các nhà máy ở khu vực này đã có nhiều cuộc họp và thống nhất không tranh mua mía non không đủ chữ đường.
Do đó, vụ mía này nhiều nhà máy tuân thủ khá tốt. Tuy nhiên, một số nhà máy khác và các lò đường lại tổ chức người thu mua mía nguyên liệu sớm tại khu vực Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre (không phải là vùng mía nguyên liệu của họ) với giá cao.
Do sợ thiếu nguyên liệu
Giá đường quá cao
Giá đường bán buôn trên thị trường TPHCM hiện đã lên đến 18.000 đồng – 19.000 đồng/kg, kéo giá bán lẻ lên từ 20.000 đồng – 21.000 đồng/kg. Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường VN, lượng đường tồn kho trong lưu thông và lượng đường do 8 nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL đang vào vụ sản xuất đủ đáp ứng được nhu cầu thị trường. Sở dĩ giá đường tăng trong thời gian qua là do rơi vào mùa giáp hạt nên giới kinh doanh đẩy giá lên để trục lợi.
Theo Hiệp hội Mía đường VN, để bình ổn được giá đường trong nước, nên tiến hành ngay từ đầu vụ việc cấp quota để các nhà nhập khẩu có thời gian theo dõi giá cả thế giới lúc xuống thấp để mua vào, tránh tình trạng như hiện nay chỉ nhập đường khi giá cả biến động mạnh.
|
Niên vụ 2010 – 2011, tổng diện tích mía toàn khu vực ĐBSCL khoảng 48.000 ha, ước đạt sản lượng 3,2 triệu tấn. Cân đối giữa sản lượng mía và kế hoạch sản xuất theo đăng ký của 10 nhà máy đường là 3,6 triệu tấn.
Như vậy sẽ thiếu 400.000 tấn mía nguyên liệu. Do đó, việc tranh giành mua mía nguyên liệu đã diễn ra. Ông Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ nông nghiệp xã Phụng Hiệp, cho biết: Mấy ngày qua, thương lái từ Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… đổ xô đến đây mua mía. Họ mua mía xô, dù đạt hay không đạt chữ đường, đều trả từ 1.000 – 1.100 đồng/kg. Nông dân thấy mía có giá nên đua nhau chặt bán.
Ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Casuco, khẳng định: Mỗi ngày, tại huyện Phụng Hiệp thu hoạch khoảng 8.000 tấn mía cây nhưng có đến phân nửa số mía này do các nhà máy ngoài tỉnh cho thương lái đến thu mua, trong khi những nhà máy này không đầu tư, bao tiêu cho vùng nguyên liệu. Ông Sơn cho rằng việc kiểm tra thương lái đến Phụng Hiệp mua mía rất khó vì họ nói mua mía cho nhà máy này nhưng lại chở đi nơi khác.
Tình trạng tranh mua mía hiện cũng đang diễn ra ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung. Bà Bùi Thị Quy, chủ nhiều nhà máy đường ở miền Tây và miền Trung, cho biết một số nhà máy ở các khu vực trên không tuân thủ các quy định của Hiệp hội Mía đường VN, lấn sang các vùng mía nguyên liệu của các tỉnh khác để mua gây khó khăn cho nhà máy tại địa phương. Hiệp hội cần có biện pháp cứng rắn để giải quyết tình trạng này.
Ca Linh – Nguyễn Hải/ NLĐ
Bình luận (0)