Du lịch MICE – loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Du lịch MICE mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến.
Du lịch MICE định hướng phát triển du lịch của TP.HCM và Việt Nam
Nhiều cơ hội cho MICE
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.
Trong thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều đầu tư cho loại hình du lịch MICE. Không chỉ các đoàn MICE từ các doanh nghiệp tại TP.HCM đi các tỉnh thành mà TP cũng ghi nhận sự gia tăng của nhiều đoàn MICE từ các địa phương đến đây. Đặc biệt, nhiều đoàn khách MICE từ thị trường quốc tế cũng chọn TP.HCM là điểm đến để du lịch và tổ chức các hội nghị, hội thảo.
Bà Vũ Thị Thanh Hiền – Phó Giám đốc khách sạn Grand Sài Gòn cho biết, từ đầu năm đến nay, khách sạn đã hợp tác với các hãng lữ hành và tổ chức thành công nhiều đoàn MICE. Để làm được điều này, khách sạn đã nỗ lực nhanh chóng phục hồi, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp phòng ốc lưu trú, sảnh tiệc, phòng hội họp, cũng như tập huấn cho nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ. “Nắm bắt được xu hướng du lịch MICE thì khách sạn Grand cũng đã khai thác thị trường này và doanh thu đem lại có tăng trưởng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện các dịch vụ, sản phẩm, các trang thiết bị và làm công tác marketing tốt hơn để du khách họ biết đến TP.HCM và khách sạn Grand là một trong những nơi có thể cung cấp dịch vụ cho thị trường MICE” – bà Hiền nói.
Về phía doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng phục vụ nhiều đoàn khách MICE. Công ty Vietravel cho biết từ đầu năm đến nay đã phục vụ hơn 300 đoàn MICE với tổng số lượng trên 20.000 khách. Công ty lữ hành Saigontourist cũng phục vụ gần 14.000 khách MICE, riêng trong tháng 3 có tới 80 đoàn MICE.
Đoàn khách MICE đến TP.HCM vừa qua
Đây là một tín hiệu rất vui cho ngành du lịch TP.HCM nhưng cũng có không ít thách thức được đặt ra. Khách MICE đa phần là khách hàng đến từ những phân khúc có thu nhập cao, từ những tập đoàn lớn, do đó yêu cầu về chất lượng, dịch vụ cũng cao.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – cho biết, để phục vụ thị trường du lịch đối với loại hình du lịch MICE, từ đây đến cuối năm 2022, ngành du lịch TP sẽ phối hợp với các sở, ban ngành, doanh nghiệp chuẩn bị nhiều sản phẩm cũng như nhiều sự kiện để mời gọi du khách đến với TP.HCM. Có thể kể đến Lễ hội khinh khí cầu; Giải Marathon quốc tế; Tuần lễ du lịch TP.HCM; Tuần lễ MICE thế giới tại TP.HCM… Bên cạnh đó là hàng loạt sản phẩm du lịch của các quận, huyện cũng như của Sở Du lịch TP.HCM cũng sẽ giới thiệu trong thời gian tới. “Chúng tôi hy vọng với sự chuẩn bị, truyền thông mạnh mẽ, TP.HCM sẽ thu hút nhiều khách nội địa cũng như khách quốc tế từ nay đến cuối năm”, bà Hoa kỳ vọng.
Cần đột phá
Tại Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7-2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.
“Để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp; liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch MICE”, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch lưu ý! |
Ông Hùng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE – loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025. Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm.
Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt khoảng trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, tổ chức hội nghị, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu thị trường kết hợp các hoạt động tham quan, mua sắm, giải trí. Đây chính là tiềm năng, dư địa rất lớn để phát triển mạnh mẽ du lịch MICE, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hồ Trinh
Bình luận (0)