Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Michael Pease – Người vực dậy thị trường khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Michael Pease - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam, TGĐ của Ford Việt Nam Hễ cứ có thị trường nào khó khăn là có mặt ông. Và rồi chỉ một thời gian ngắn sau,

thị trường đó không chỉ hồi phục mà còn phát triển nhanh chóng. Ông là Michael Pease – hiện là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam, TGĐ của Ford Việt Nam và vẫn thường được gọi là người chuyên đi vực dậy những thị trường khó khăn cho Ford Motor, nhất là tại Châu Á.

Trong giai đoạn được xem là khó khăn của ngành doanh nghiệp ôtô tại Việt Nam hiện nay, Báo DĐdoanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông về những khó khăn, thách thức, những kinh nghiệm của thị trường các nước, của thị trường, ngành doanh nghiệp ôtô Việt Nam.

Việt Nam không phải là một thị trường gặp quá nhiều khó khăn, nhưng với sự có mặt của Michael Pease, người ta hi vọng Ford Việt Nam sẽ có nhiều bước đột phá mới. Điều đó hiện đang đúng. Còn tương lai – như Pease vẫn thường nói là khó có thể dự báo được, chỉ biết cam kết và nỗ lực hết mình để công việc được tốt nhất. Sự nỗ lực đó phần nào  thể hiện ở việc Michael Pease hầu như không có thời gian rảnh rỗi, lái rất nhiều loại xe, tập trung lựa chọn, học những gì tốt nhất về mặt quản lý của cả phong cách Châu Âu lẫn Châu Á để quản lý doanh nghiệp, coi trọng tình bạn, lòng trung thành, những khoảng thời gian đẹp và khiếu hài hước trong cuộc sống.

Đón nhận thách thức

– Tôi đã đọc và nghe nhiều người nói ông là “anh hùng”, là chuyên gia vực dậy những thị trường khó khăn của Ford tại Châu Á?

Tôi nghĩ rằng từ “anh hùng” chưa thực sự thích hợp. Cũng như mọi người, tất cả những gì tôi có thể làm là cam kết và nỗ lực hết mình để công việc được tốt nhất. Các thị trường đang phát triển có nhiều thách thức hơn, nhưng chưa hẳn đã khó. Đó là điều tôi thấy thích thú khi làm việc tại Ford. Phải biết đón nhận thách thức.

– Nhưng, ông có nhiều thành công và kinh nghiệm tại thị trường ASEAN khi vượt qua thách thức, khó khăn. Đó là gì vậy?

Cũng đúng khi nói rằng tôi có kinh nghiệm tại các thị trường đang phát triển ASEAN. Trong 16 năm qua tôi đã làm việc tại Ford ASEAN, đầu tiên là Indonesia, Thái Lan, Malaysia và bây giờ là Việt Nam. Kinh nghiệm tôi rút ra tại thị trường các nước này là dù sôi động hơn nhưng lại không ổn định và có nhiều thách thức lớn trong việc quản lý kinh doanh. Các thị trường này thường là nền kinh tế nhỏ, nơi mà tăng trưởng nhanh chóng cho tới tăng trưởng chậm lại là hiển nhiên; nơi chính sách của Chính phủ đang hoàn thiện và có xu hướng dao động khi có các sự kiện xảy ra; nơi người tiêu dùng vẫn còn lạ lẫm với thị trường và có thể gây ra những thay đổi nhanh chóng trong lựa chọn sản phẩm.

Tại các thị trường phát triển thì ngược lại, có xu hướng ổn định hơn với tăng trưởng kinh tế có thể dự báo được do các chính sách  dài hạn của Chính phủ và với định hướng mua đã được thiết lập của khách hàng. Đó là hiểu về kinh nghiệm. Còn thách thức? Thách thức lớn nhất là chúng ta biết sẽ có những thay đổi trên thị trường, nhưng lại rất khó để lập kế hoạch khi nào thì sự thay đổi này sẽ diễn ra. Điều này có nghĩa là chúng tôi luôn luôn phải để mắt tới thị trường và chuẩn bị để phản ứng thật nhanh với xu hướng của thị trường. Tất cả đều rất thử thách và phải biết đón nhận thách thức.

Giải quyết thách thức

– Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, thị trường mỗi nước có những yếu tố khác nhau. Ông có thể nêu cụ thể?

Đúng. Tại Indonesia Chính phủ đã cố gắng tung ra một loại xe toàn quốc khi Ford mới tạo lập công việc kinh doanh tại đó. Sau khi ngành ôtô không có được sự chấp thuận của Chính phủ cho việc đối xử công bằng cho mỗi doanh nghiệp, chúng tôi đã phải nhanh chóng xem xét lại chiến lược kinh doanh và kế hoạch đầu tư. Và cuối cùng, chúng tôi quyết định rằng đó không phải là thời điểm thích hợp để có mặt tại đây. Về cá nhân tôi thì đó là một bài học kinh nghiệm quý giá vì tôi đã làm việc với các ban, ngành trong Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách. Và sau đó đã phải đưa ra một quyết định khó khăn dựa trên những đánh giá về độ rủi ro và dựa vào kinh nghiệm hiểu biết về quốc gia này

Tôi đến Thái Lan vào lúc nền kinh tế vừa trải qua một thay đổi lớn và chúng tôi cũng đang bắt đầu công việc kinh doanh tại đây. Chúng tôi đã rất nhanh làm việc lại với kế hoạch kinh doanh và tập trung vào sản phẩm Ford Ranger sản xuất trong nước hơn là việc nhập khẩu Ford Explorer và các sản phẩm khác. Ban đầu chúng tôi cảm thấy khủng hoảng kinh tế đúng là một thảm hoạ, nhưng khi xem xét lại, chúng tôi nhận biết các cơ hội và với kiến thức từ khách hàng Thái Lan. Cuối cùng, chúng tôi đã tăng được thị phần nhanh hơn nhiều so với những gì chúng tôi nghĩ.

Tại Malaysia, chúng tôi cũng vấp phải những thách thức là làm thế nào để phát triển kinh doanh tại một thị trường mà xe nhỏ và xe quốc gia là chủ yếu. Chúng tôi đã thành công phần nào, nhưng cũng nhìn thấy rằng ít có cơ sở để đầu tư thiết bị hay phát triển nhà cung ứng nếu chính sách của Chính phủ không tích cực đối với ngành doanh nghiệp ôtô.

Hiểu và làm hài lòng khách hàng

– Thế còn tại Việt Nam?

Chúng tôi đã làm việc rất nhanh để làm thế nào sản xuất được thêm xe chỉ vài tháng trước đây và đã làm được bằng việc mở rộng sản xuất. Bây giờ thì đang cố gắng đoán xem doanh số sẽ giảm thấp như thế nào trong năm 2008 và 2009. Tất cả đều rất thử thách. Nhưng trong mọi trường hợp thì chúng tôi đã được giúp đỡ vì Ford được biết đến như một thương hiệu mạnh toàn cầu với cam kết ở các thị trường nơi chúng tôi sản xuất, bán xe. Trong kế hoạch của chúng tôi, cam kết này là để đảm bảo rằng chúng tôi là những công dân tốt. Hi vọng duy nhất của tôi là Chính phủ sẽ không hạn chế ngành doanh nghiệp ôtô quá nhiều đến nỗi chúng tôi sẽ bị giảm hơn nữa doanh số. Tôi dự đoán là doanh số của nửa sau năm 2008 sẽ trở lại mức năm 2006. Nếu nó giảm sâu hơn mức hiện tại thì chúng tôi có thể phải xem xét lại đáng kể kế hoạch đầu tư và nội địa hoá.

– Những kinh nghiệm của ông liệu có thể áp dụng tại Việt Nam?

Điều quan trọng nhất là hiểu được người tiêu dùng và nhu cầu cũng như ưu tiên của họ. Nếu các bạn thực sự hiểu khách hàng thì bạn có thể điều chỉnh các sản phẩm và công việc kinh doanh của mình để đáp ứng nhu cầu của họ, nhất là khi nhu cầu của họ thay đổi trong thời kỳ khó khăn. Điều thứ hai là quản lý chi phí trong mọi lúc mọi nơi. Nếu chi phí được giảm thiểu, kể cả trong thời kỳ làm ăn tốt, thì công ty càng có khả năng sống sót trong bất kỳ sự suy thoái nào và sẽ đạt nhiều lợi nhuận hơn khi thời kỳ vàng son quay lại. Điều thứ ba mà tôi học được là biết đánh giá và phát triển năng lực, sức mạnh của nhân viên, yêu cầu đào tạo và giữ được những nhân viên tốt nhất. Tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc đảm bảo có những sản phẩm hợp lý, động cơ thiết kế cho điều kiện địa hình của Việt Nam và với các thiết kế đặc trưng mới nhất. Chúng tôi cũng muốn có các khách hàng hài lòng nhất tại Việt Nam. Vì vậy chúng tôi đang xem xét mọi lĩnh vực liên quan đến khách hàng, tăng phụ tùng dự trữ, tiến hành nhiều lơp đào tạo chuyên sâu cho các kỹ thuật viên, đặt mục tiêu chất lượng cao cho sản phẩm và lấy xe nhập khẩu làm chuẩn để đảm bảo rằng các sản phẩm lắp ráp trong nước ít nhất cũng phải đạt được chất lượng như vậy. Ford Việt Nam tin tưởng khách hàng sẽ thấy được điều này. Phải hiểu và làm hài lòng khách hàng một cách tốt nhất. Tôi có thể đảm bảo rằng Ford có mặt tại Việt Nam để phát triển và lớn mạnh.

– Vai trò Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam có giúp gì cho ông không?

Bên cạnh việc theo sát thị trường, cương vị trên giúp tôi nhiều trong việc tiếp xúc với các doanh nghiệp, doanh nhân và các ngành công nghiệp khác, với quan chức Chính phủ. Do vậy, tôi có thể có cái nhìn tốt hơn về tổng quan nền kinh tế.

– Xin cảm ơn ông !

Ngoài việc liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm mới như Everest số tự động, Mondeo nhập khẩu…, Ford cũng nâng cao chất lượng, hệ thống bán hàng, dịch vụ, bảo hành, bảo dưỡng. Cụ thể là việc nâng cấp hệ thống đại lý và tăng thời hạn bảo hành cho các loại sản phẩm lên 3 năm hoặc 100.000 km.

Linh Anh (dddn.com.vn)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)