Sự kiện giáo dụcTin tức

Miền Bắc: Cúm mùa “tấn công” trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhi tăng cao tại BV Nhi Trung ương

Từ đầu tuần tới giờ, bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cao đột biến. Nguyên nhân do thời tiết bắt đầu vào giai đoạn chuyển mùa. Tuy nhiên, điều các bậc cha mẹ lo lắng nhất hiện nay tại khu vực phía miền Bắc, đó là dịch cúm mùa thành cúm A/H1N1…
Lo cúm mùa thành cúm A/H1N1
Các trường mầm non, trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đang phải đối phó với không chỉ dịch cúm A/H1N1 mà còn cả các bệnh theo mùa.
Theo một giáo viên tại Trường TH Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ tuần trước tới bây giờ cả trường đã có 100 học sinh phải xin nghỉ vì các lý do sốt, cúm, viêm họng… Đặc biệt, sau hai ngày nghỉ cuối tuần vừa qua trùng với đợt gió mùa đầu tiên tràn về miền Bắc. Có lớp của trường số học sinh nghỉ học lên tới 10 hoặc 20 em trong ngày. Thời điểm thời tiết thay đổi, cộng với dịch cúm A/H1N1 đang lan rộng càng khiến các bậc phụ huynh lo sợ và cảnh giác cao độ. Thầy giáo trên cũng cho hay nhiều vị phụ huynh đã cho con nghỉ học ngay khi thấy con có triệu chứng sốt, đây cũng là điều cần thiết vì trường vừa có thông báo một học sinh đã bị nhiễm cúm A/H1N1. Thực tế, tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, BV Xanh-pôn những ngày vừa qua lượng bệnh nhân nhí tới khám đã tăng đột biến.
Bà Văn Thị Dừa, thôn Hòa Bình, xã Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội cho hay: “Gia đình ngồi chờ suốt từ sáng tới 11giờ trưa nay mới làm thủ tục vào khám cho cháu”. Được biết, cháu nhà bà Dừa mới 7 tháng tuổi nhưng bị viêm phế quản nặng. Thời gian qua chữa chạy bác sĩ tư và ba lần vào Bệnh viện Hà Đông nhưng chưa khỏi thì bác sĩ đã cho ra viện. Đêm qua, thấy tình trạng cháu khó thở nặng hơn bèn đưa vào BV Nhi Trung ương để khám.
Nhập viện vì viêm phế quản như cháu bà Dừa là ca không hiếm tại BV Nhi Trung ương những ngày qua. Các hành lang đặc kín các bậc cha mẹ đưa con tới khám, từ Khoa Đa khoa, Tai – Mũi – Họng, tới cấp cứu… thậm chí ngồi tràn cả ra khu vực vườn hoa, đâu đâu cũng có tiếng khóc trèo trẹo của trẻ nhỏ. Chị Nguyễn Thị Nhâm, nhà ở quận Long Biên, Hà Nội có con gái 18 tháng tuổi bị viêm phổi từ đầu tuần. Nhưng do bệnh viện quá tải nên chị xin cho cháu được điều trị ngoại trú. Ngày 2 lần sáng chiều đưa cháu vào BV Xanh-pôn để tiêm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó giám đốc BV Nhi Trung ương cho hay, những ngày qua mỗi ngày mình ông khám bệnh cho khoảng từ 40 – 60 em bé. Còn tính trung bình bệnh viện mỗi ngày khám khoảng từ 1.500 – 2.000 em chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp, sốt và cả bệnh chân tay miệng. Một số ca nhiễm cúm A/H1N1.
Phụ huynh cần chủ động phòng bệnh cho trẻ
Tại thời điểm này có nhiều dịch bệnh xuất hiện cùng một lúc: cúm A/H1N1, sốt xuất huyết, chân tay miệng. Trong khi mùa thu – mùa hanh khô đang đến nên các trẻ em còn dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp (ho, sổ mũi, viêm phổi, phế quản, hen, viêm mũi dị ứng…). Để phân biệt các loại sốt, bác sĩ Lộc cho biết, với sốt xuất huyết, trẻ em thường sốt rất cao và giao động thất thường, nhiệt độ lúc lên cao, lúc xuống thấp, kèm theo cảm giác bị lạnh, rét và trạng thái bệnh nhân tỉnh táo. Khi tiến hành xét nghiệm sẽ thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh. Nhưng cúm A/H1N1 thì ngoài biểu hiện sốt cao sẽ kèm theo các biểu hiện về hô hấp như ho, khó thở, xét nghiệm tiểu cầu không giảm. Với các trường hợp cúm mùa thông thường, các gia đình nên giữ ấm cho trẻ nhỏ, đặc biệt là về đêm, sáng sớm. “Khi phát hiện con bị sốt, cúm các vị phụ huynh nên cách ly con ở nhà hoặc đưa tới bệnh viện, không nên để bé tiếp xúc với chỗ đông người càng dễ lây lan virus” – bác sĩ Lộc lưu ý. Ông cũng đồng thời khuyến cáo các vị phụ huynh nên mắc màn cho con khi ngủ, phun thuốc muỗi, diệt trừ bọ gậy khu nhà ở. “Đây là những việc tưởng rất đơn giản nhưng nhiều phụ huynh không ý thức cao, đặc biệt nghĩ rằng nhà bật điều hòa sẽ không có muỗi, khiến con có thể bị sốt xuất huyết” – bác sĩ Lộc nhấn mạnh. Ngoài ra, miền Bắc hiện cũng đang bước vào giai đoạn chuyển từ mùa nóng sang mùa lạnh. Theo các chuyên gia về sức khỏe, thời điểm này, cơ thể trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu. Do đó, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ nhất là về ban đêm, khi nhiệt độ xuống thấp. Nếu tắm cho trẻ cũng nên tắm khi còn ánh mặt trời.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)