Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Miền Bắc, miền Trung vật vã vì nắng nóng gay gắt

Tạp Chí Giáo Dục

Miền Bắc và miền Trung đang liên tiếp phải gánh chịu những đợt nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ ở ngoài trời nhiều nơi lên tới 40-420C đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Đáng lo ngại nhất là trời nóng như lửa đốt đã ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của người dân, rất nhiều người già và trẻ nhỏ đổ bệnh, cùng với đó là nhiều dịch bệnh nguy hiểm bùng phát.

Thời tiết nắng nóng khiến các bệnh viện thêm quá tải người bệnh

Người bệnh tăng đột biến

Mới đầu giờ sáng nhưng nắng đã chói chang, hơi nóng hầm hập khiến Khoa Khám bệnh ở Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) càng trở nên ngột ngạt vì số người đến khám bệnh quá đông, từ người già đến trẻ nhỏ đều cảm thấy mệt mỏi, vật vã vì thời tiết nắng nóng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, trong 3 ngày đầu tuần, số người tới khám chữa bệnh tại bệnh viện đã tăng mạnh, trung bình mỗi ngày có tới 800 bệnh nhân nhập viện, tăng trên 15% so với trước. Trong đó, chiếm gần một nửa là trẻ nhỏ với không ít trường hợp được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bệnh khá nặng.

Trước số bệnh nhân tăng cao, bệnh viện đã yêu cầu các khoa phòng tăng cường thêm quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, nước uống, cũng như tăng thêm bàn khám bệnh, bàn thu viện phí, phân giờ khám…, nhưng cũng chỉ “giải nhiệt” được phần nào đó trước sức nóng của quá nhiều bệnh nhân.

Tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày cũng tiếp nhận từ 2.500 – 3.000 bệnh nhi đến khám trong tình trạng ho, viêm hô hấp cấp, sốt cao dài ngày, nôn trớ, tiêu chảy, sốt virus, viêm não, phát ban… do thời tiết nắng nóng gây ra.

TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị trong những ngày nắng nóng tăng rất cao nên bệnh viện đã tăng thêm 7 buồng khám bệnh, huy động thêm các bác sĩ, điều dưỡng giỏi tại phòng khám để giúp phân loại bệnh nhanh hơn.

TS Điển cũng cánh báo, trong số trẻ nhập viện điều trị có không ít trẻ phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng mà nguyên nhân là do trẻ ra vào phòng máy lạnh liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa phòng máy lạnh với thời tiết ngoài trời.

Nắng nóng gay gắt cũng khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện, chủ yếu ở các khoa thần kinh, tim mạch tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội. Bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm kéo dài từ đầu tuần tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho hàng trăm cụ bị tai biến mạch máu não và viêm phổi.

Bác sĩ Lực khuyến cáo, trong những ngày thời tiết nóng bức sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, kém ăn, sức đề kháng giảm nên đối với người cao tuổi phải đặc biệt theo dõi huyết áp thường xuyên, nhất là phải uống nước đầy đủ, tránh để mất nước, gây rối loạn điện giải, gây ra tăng huyết áp, rối loạn tim mạch, dẫn tới tai biến và có nguy cơ tử vong cao. Đồng thời, những bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh mạn tính càng phải tuân thủ điều trị, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Dịch bệnh tung hoành

Nắng nóng gay gắt cùng với môi trường ô nhiễm và mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều nơi đang khiến nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: tiêu chảy, cúm, tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, viêm não… đua nhau bùng phát làm nhiều người mắc. Trong đó, đáng chú ý là dịch bệnh sốt xuất huyết khi cả nước đã có gần 37.000 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số người mắc sốt xuất huyết năm nay trên cả nước tăng 2,9 lần. Đặc biệt, các trường hợp mắc sốt xuất huyết ghi nhận nhiều nhất tại khu vực miền Nam, chiếm tới 63% số ca mắc của cả nước.

Mặc dù số ca mắc không nhiều nhưng viêm não lại là dịch bệnh rất nguy hiểm vì phần lớn người mắc là trẻ nhỏ và dịch bệnh này thường có nguy cơ tai biến cao, để lại di chứng nặng nề. Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước đã có trên 200 trường hợp viêm não và có 2 ca tử vong. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho thấy số trẻ bị viêm não đang có chiều hướng tăng. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 7-8 trẻ đến khám được chẩn đoán mắc viêm não, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng lo ngại là những triệu chứng của bệnh này như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác nên việc theo dõi trẻ là rất quan trọng. Hơn nữa, bệnh viêm não nếu không được phát hiện sớm thì việc chữa trị rất khó hiệu quả và thường để lại di chứng về phát triển trí tuệ và vận động của trẻ sau này.

Bác sĩ Nam khuyến cáo, bệnh viêm não đang vào mùa cao điểm nên cha mẹ cần nâng cao cảnh giác khi thấy con có biểu hiện sốt, nôn, đau đầu, đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán. Đồng thời, trẻ nhỏ cần phải được tiêm phòng các loại vaccine đầy đủ, đúng lịch để phòng ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trước diễn biến của thời tiết nắng nóng gay gắt trên diện rộng, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt biện pháp để bảo vệ sức khỏe. Trong đó, người dân cần chú ý không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy.

Đảo lộn cuộc sống

Thời tiết nắng nóng gay gắt trên diện rộng trong những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân. Mặc dù Hà Nội chưa xảy ra tình trạng cắt điện, mất nước trên diện rộng nhưng tại một số khu dân cũng đã xảy ra không ít sự cố cháy cầu chì, ngắt automat do người dân sử dụng quá nhiều máy điều hòa dẫn tới mất điện cục bộ. Trong khi đó, tại một số địa phương như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Tuyên Quang… đã xảy ra việc cắt điện luân phiên, hoặc cắt điện vào ban ngày vì phải để dành điện và nước cho sản xuất.

Nắng nóng nhất là vào ban ngày cũng khiến lượng phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng giảm vì nhiều người ngại ra đường do hơi nóng từ mặt đường nhựa bốc lên rất khó chịu và ngột ngạt. Thậm chí ngay vào giờ cao điểm buổi chiều, tại nhiều nút giao thông lớn Hà Nội cũng không quá đông đúc và ùn tắc do nhiều người chờ trời tối, tắt nắng mới rời công sở. Trong khi đó, tại các vườn hoa, công viên, đặc biệt là các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, ngay từ chập tối đông nghịt người chủ yếu vào đi dạo mát vì những nơi này có máy lạnh. Không chỉ vậy, thời tiết nóng bức cũng đã khiến cho các hồ bơi ở Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải. Thậm chí, tại Hồ Tây, hồ Linh Đàm và sông Hồng, mặc dù nhiều nơi đã có biển cấm bơi lội nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm kéo nhau xuống bơi chỉ để… “hạ hỏa”.

MINH KHANG/ SGGP

 

Bình luận (0)